Quốc Tuấn: “Tôi mong khán giả ghét mình trong các vai phản diện”

Gặp Quốc Tuấn trong căn nhà nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, nhìn cách anh vừa ăn vừa bón cơm cho con mới thấy anh yêu gia đình thế nào. Vẫn lối nói chuyện cởi mở, thân thiện, Quốc Tuấn tâm sự về vai diễn trong phim "Luật đời" đang chiếu trên VTV1.

Anh từng nói rất thích nhân vật Đại của mình trong bộ phim "Luật đời". Vậy giữa Quốc Tuấn và Lê Đại có những điểm gì chung?

 

Trong công việc, Đại là người có khát vọng làm giàu chính đáng nhưng với gia đình, anh ta cư xử còn hơi thô. Tôi khác nhân vật Đại rất nhiều. Điểm chung duy nhất có lẽ chỉ là tính quyết liệt, hết mình trong công việc. Nhớ lại ngày xưa, khi cho quần áo vào máy giặt, chưa kịp bấm nút thì bạn gọi, tôi lại bốc toàn bộ quần áo vào valy, ra sân bay vù vào Sài Gòn ngay (cười). Nhưng khi có gia đình thì khác. Gia đình rất quan trọng và con cái là tài sản quý giá nhất. Có những hôm đi quay, tôi tốn không biết bao tiền điện thoại chỉ để được nghe giọng con. Với tôi, ôm con ngủ là một điều hạnh phúc.

 

VTV1 chiếu “Luật đời” cũng là lúc VCTV2 chiếu lại “Người thổi tù và hàng tổng”. Anh nghĩ sao nếu nhận được ý kiến Đại chưa qua được cái bóng của trưởng thôn Kiên?

 

Tôi nghĩ ý kiến này không nhiều. Một người nghệ sĩ tài năng phải đóng được nhiều dạng vai. Tài năng là cái đáng được trân trọng chứ không phải vai diễn. Đại là nhân vật mang nét mới trong các vai tôi từng đóng. Có thể khán giả đã quen với các vai diễn trước đó nên thấy tôi đóng vai Đại có cảm giác hơi lạ chăng? Có lần ra khỏi nhà, tôi đã nhận được lời "phàn nàn" của một cô bé: "Xem chú đóng vai Đại, cháu ghét lắm". Tôi mong khán giả ghét mình trong các vai phản diện.

 

Từ một Quốc Tuấn trẻ trung trong vai thầy giáo, lém lỉnh trong vai anh chàng trưởng thôn đến gần đây nhất là một ông bố trung niên có phần khô cứng - dường như có sự “già hóa” trong các vai diễn của anh. Anh nghĩ sao?

 

Khi đến một độ tuổi nhất định nào đó, sức hút của người diễn viên sẽ giảm đi. Trước đây khi đóng vai chính trẻ trung, trong giờ nghỉ giải lao, tôi thường tụ tập cùng các diễn viên trẻ. Nhưng giờ, tôi hay ngồi cùng các diễn viên lớn tuổi. Các cháu diễn viên trẻ có những mảng riêng và không để ý đến mình như ngày xưa nữa, dù thỉnh thoảng vẫn mang biếu cái bánh rán, bắp ngô với thái độ cung kính. Có lẽ một chút ưu đãi ngồi cùng các bạn trẻ đã qua mất rồi (cười). Tuy nhiên, theo tôi, nam diễn viên khi có tuổi vẫn mang vẻ đẹp và độ chín nhất định.

 

Anh từng tuyên bố: “Tôi quan tâm đến thù lao, làm việc mệt nhọc cầm đồng tiền không xứng đáng thấy bất công”. Quan điểm của anh đến giờ có gì thay đổi?

 

Với tôi, câu nói này mãi mãi đúng. Đóng một tập phim rất vất vả, nhiều khi ra khỏi nhà từ 7h sáng đến tận 19h tối thậm chí có khi 2-3h sáng mới về, nhưng tiền lương lại không đủ trang trải trong một tuần. Tôi là người dám đặt vấn đề tế nhị này ra từ trước khi nhận vai. Tôi thích mọi cái phải rõ ràng. Nhiều người cho rằng như vậy không “nghệ sĩ”, nhưng cuối mỗi phim họ lại có những cái cảm thấy không thoải mái, mặt nặng mày nhẹ. Tôi không muốn thế. Khi đã thỏa thuận với nhau rồi, cứ thế mà làm. Chính vì vậy mà khi hoàn thành vai diễn, tôi và hãng phim luôn cảm thấy vui vẻ.

 

Với vai trò là một diễn viên, anh đã được khán giả biết đến rất nhiều, còn trong lĩnh vực đạo diễn?

 

Tôi biết nhiều người chờ đợi một cách sốt ruột xem sau khi tốt nghiệp Khoa Đạo diễn trường Sân khấu - Điện ảnh, tôi sẽ làm được những gì. Tôi từng có ý định nhận đại một phim để làm, nhưng nghĩ kỹ lại tôi hiểu kịch bản không hay rất khó thành công. Tôi may mắn vì Hãng phim truyện Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi có khoảng tự do riêng trong suốt 3 năm qua để sáng tác. Đây là cơ hội nhưng đồng thời cũng là sức ép buộc tôi phải cố gắng. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã viết kịch bản bộ phim Vua cầu. Lúc đầu chỉ là 3 tập, sau là 35 tập và dự định sẽ ra phần hai lên đến 60 tập. Tôi muốn giành thời gian và công sức để cho ra đời một đứa con tinh thần có chất lượng.

 

Anh có thể bật mí một chút về bộ phim đầu tay “Vua cầu”?

 

35 tập phim Vua cầu sẽ đi sâu vào môn thể thao đá cầu. Phim nói về đời sống tâm tư, tình cảm, sự trăn trở, bon chen, đố kỵ trong làng thể thao... Tất cả nhân vật phản diện của tôi dù lên đến đỉnh điểm của sự xấu xa nhưng vẫn chắt lọc được cái thiện. Tôi cho rằng cái gì đã xấu thì đừng làm nó xấu hơn. Hãy tìm tính nhân đạo trong mỗi con người. Bộ phim ra Tết sẽ được bấm máy.

 

Có nhiều đạo diễn rất ít khi xem phim Việt Nam, anh thì sao?

 

Tôi thích xem phim nước ngoài để học hỏi những kinh nghiệm của họ. Nhưng trong nước cũng có những đạo diễn mà tôi rất khâm phục như Đặng Nhật Minh, Lưu Trọng Ninh... Đặc biệt là anh Lưu Trọng Ninh, có nét gồ ghề, sắc, thô và rất tài năng. Họ được kế thừa nền văn hóa rất lớn từ gia đình vì đạo diễn Đặng Nhật Minh có cha là giáo sư Đặng Văn Ngữ, còn Lưu Trọng Ninh là con trai của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Tôi không được may mắn như họ nên càng phải cố gắng hơn.

 

Liên hoan phim VN lần thứ 15, bộ phim "Đường thư" do anh đóng đã không được xướng danh trong giải thưởng. Anh cảm thấy sao?

 

Có lẽ tôi là người vô duyên với các giải thưởng (cười). Nhưng điều quan trọng là sự đọng lại trong lòng độc giả. Tôi vui vì khán giả vẫn nhớ mình. Giải thưởng là điều tốt nhưng không phải là tất cả. Có người đoạt giải nhưng khán giả vẫn không nhớ. Có được giải thưởng nhiều khi còn do yếu tố may mắn. Kịch bản đóng vai trò rất quan trọng. Khi được đạo diễn cho đóng vai tâm huyết, sự thành công sẽ đến nhanh hơn.

 

Theo Vnexpress