Quang Dũng và cuộc gặp gỡ "định mệnh"

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Chiều một mình qua phố” nằm trong chuỗi chương trình “Đêm tình ca” do chính ca sĩ Quang Dũng dàn dựng tại phòng trà Không Tên đã làm nức lòng những người mộ điệu.

Anh thể hiện hơn 20 ca khúc với những cảm xúc tươi nguyên của một niềm đam mê, tạo ra một không gian thưởng thức nhạc Trịnh hoàn toàn mới, Quang Dũng như đưa người nghe sống lại miền ký ức của một thời gắn bó giữa anh cùng người nhạc sĩ họ Trịnh đa tài.

Anh đắm chìm trong những giai điệu ngọt ngào, ngâm nga từng lời ca và chiêm nghiệm về những gì mà anh gọi là định mệnh của đời mình.

Động lực nào khiến anh thực hiện chuỗi chương trình “Đêm tình ca” cũng như “Chiều một mình qua phố”?

Đây là chương trình tác giả - tác phẩm đầu tiên của Quang Dũng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được ra mắt trước khán giả là kết quả của cả một quá trình ấp ủ lâu dài mà Dũng dày công chuẩn bị.

Đây là bước đệm quan trọng cho những chương trình kế tiếp, thể hiện rõ nhất sự lựa chọn của riêng Dũng trên con đường âm nhạc đã qua và sắp tới. Bối cảnh sân khấu là một công viên thu nhỏ, một con đường có lá vàng rơi. Quang Dũng rất vui khi được mọi người đón nhận nồng nhiệt và sự thành công của chương trình ngoài sức tưởng tượng của Dũng.

Duyên cớ nào đưa anh đến với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông?

Từ ngày còn ở Quy Nhơn, Dũng biết hát và cảm nhận được với âm nhạc là nhờ vào những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Chính những sáng tác của ông đã nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc trong Dũng.

Năm 1998, Dũng theo một người quen vào Sài Gòn lập nghiệp. Trong một đêm nhạc tại phòng trà T.L.L trên đường Hai Bà Trưng, Dũng trình bày 2 ca khúc Bốn mùa thay láNghe tiếng muôn trùng với tất cả sự say mê vốn có của mình đối với âm nhạc Trịnh.

Sau đêm nhạc, Dũng bất ngờ được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi lại nói chuyện và sau đó Quang Dũng có nhiều cơ hội tiếp xúc cũng như gặp gỡ và được chỉ bảo, tập dợt cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nhà của ông. Không lâu sau, năm 2001 nhạc sĩ đã qua đời, để lại nỗi thương tiếc cho một tài năng hiếm có.

Sự nghiệp ca hát của anh trước và sau cuộc gặp gỡ này có gì thay đổi?

Thực sự vào thời điểm năm 1998 thì Quang Dũng còn là một chàng trai thô kệch từ miền Trung vào lập nghiệp tại Sài Gòn và mới chập chững bước vào con đường ca hát. Từ khi có dịp tiếp xúc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Dũng đã học hỏi được rất nhiều điều từ ông và dần cải thiện, nâng cao giọng hát của mình.

Dũng được nhạc sĩ giải thích căn nguyên nguồn gốc ra đời của những bài hát cũng như ý tưởng, nội dung và những câu chuyện xung quanh các ca khúc. Từ đó Quang Dũng thấm hơn trong từng giai điệu, ca từ và vững vàng khi biểu diễn những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Sau một thời gian gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh cảm nhận được điều gì từ sâu trong con người của ông?

Mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau nhưng đối với Quang Dũng, Trịnh Công Sơn là một tấm gương lớn. Ngoài là một nhạc sĩ tài hoa, trong con người ông luôn chất chứa nỗi suy tư với một tấm lòng nhân hậu, chan hoà và dễ gần. Ông là minh chứng lớn lao cho tình yêu âm nhạc, sự uyên bác và là một hiện tượng trong làng âm nhạc Việt Nam cũng như trên thế giới.

Nhiều người cho rằng, sự thành công của Quang Dũng ngày hôm nay chính là nhờ vào sự nâng đỡ của Trịnh Công Sơn trong ngày hôm qua. Anh nghĩ sao?

Quang Dũng luôn nhìn nhận những gì mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã mang đến cho mình. Cuộc gặp gỡ này quả là định mệnh, thực sự làm thay đổi cuộc đời Quang Dũng. Được tiếp xúc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khiến Dũng nhận ra giá trị đích thực của niềm đam mê âm nhạc và ý thức rõ hơn về con đường mà mình đang bước cũng như những chân lý của cuộc đời. Quang Dũng trân trọng tất cả những điều đó.

Theo anh, yếu tố nào tạo nên sự thành công trong việc thể hiện nhạc Trịnh?

Muốn thể hiện thành công bất cứ một dòng nhạc nào người ca sĩ cần phải có chất giọng phù hợp với dòng nhạc đó. Và khi thể hiện cần lựa chọn sao cho đúng với cường độ của mỗi bài hát và mỗi chương trình.

Riêng đối với nhạc Trịnh, theo Dũng đòi hỏi người ca sĩ cần phải có một tâm hồn thực sự, một cái tâm rất đời. Và khi hát là khi biểu lộ cảm xúc thực nhất từ những cảm nhận ca từ và giai điệu. Giọng ca cất lên từ tấm lòng của người ca sĩ tất nhiên sẽ nhận được sự đồng cảm của khán giả.

Bên cạnh một Quang Dũng sâu lắng, giản dị trong những ca từ mang nặng tính triết lý của nhạc Trịnh, gần đây khán giả còn bắt gặp một hình ảnh trẻ trung và nồng nàn của Quang Dũng trong âm nhạc Diệu Hương. Vậy anh đã đến với nhạc sĩ Diệu Hương trong trường hợp nào?

Diệu Hương là một nhạc sĩ mới được mọi người biết đến. Trước hết, giữa Quang Dũng và Diệu Hương là một mối tình thân, hai chị em đã có dịp được trò chuyện và gắn bó với nhau qua từng ca khúc.

Và được gặp gỡ với âm nhạc Diệu Hương cũng là một cơ duyên rất lớn trong cuộc đời làm ca sĩ của Dũng. Năm 2003, với ca khúc Vì đó là em của chị, Quang Dũng đã nhận được Giải Mai Vàng của Báo Người Lao động và một hình ảnh mới về Quang Dũng được xây dựng trong mắt khán giả yêu nhạc.

Anh cảm nhận điều gì trong âm nhạc của Diệu Hương?

Các sáng tác của chị đều mượn những hình ảnh có thật trong cuộc sống, do đó dễ dàng tạo nên những cảm xúc thật cho người hát. Trong âm nhạc Diệu Hương luôn chất chứa sự khắc khoải, day dứt của một tâm hồn và hình như Quang Dũng rất có duyên và đồng cảm với điều đó.

Anh nghĩ gì về cuộc hội ngộ giữa Trịnh Công Sơn - Quang Dũng - Diệu Hương trong con đường ca hát của mình?

Nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông là cánh cửa đưa Quang Dũng đến với con đường ca hát chuyên nghiệp thì Diệu Hương là người chắp cánh cho giọng ca Quang Dũng bay cao, bay xa hơn nữa.

Và điều đó một lần nữa thể hiện rõ trong album Yêu của Quang Dũng. Được tiếp xúc và gần gũi với hai nhạc sĩ, Quang Dũng có dịp được chiêm nghiệm và nhìn nhận cuộc sống một cách rõ nét qua âm nhạc từ không gian cho đến tình yêu và thân phận con người.

Theo Khả Lục
Sinh viên Việt Nam