Quảng Bình: Rộn ràng Lễ hội Cầu ngư đầu năm của làng biển có lịch sử gần 400 năm
(Dân trí) - Trở thành một hoạt động sinh hoạt văn hóa của ngư dân vùng biển, cứ vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, người dân tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) lại long trọng tổ chức Lễ hội Cầu ngư truyền thống.
Ngày 19/2, nhằm ngày rằm tháng Giêng, người dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch đã long trọng tổ chức Lễ hội Cầu ngư và phát động Lễ ra quân đánh bắt hải sản năm 2019.
Lễ hội Cầu ngư ở Cảnh Dương được xem là một lễ hội truyền thống mang đậm tính văn hoá đặc sắc và độc đáo riêng biệt so với các làng biển khác trong cả nước. Là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang tính tâm linh: mọi người, mọi nhà tự giác đóng góp tinh thần và vật chất, tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc.
Rước Đức Thần Hoàng từ Đền Thờ Tổ về Kinh Ngư Miếu, nơi diễn ra Lễ Cầu ngư
Lễ hội Cầu Ngư còn cầu mùa, cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hoà, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc
Để bắt đầu Lễ Cầu ngư, người dân Cảnh Dương sẽ làm lễ xin rước Đức Thần Hoàng tại Đình Thờ Tổ của làng. Sau đó sẽ rước kiệu Thần Hoàng từ Đình Thờ Tổ về Linh Ngư Miếu, nơi thờ hai bộ xương cá voi khổng lồ mà người dân gọi là cá Ông và cá Bà.
Các ngư dân làng biển tham gia Lễ rước Thần Hoàng
Linh Ngư Miếu sẽ là nơi diễn ra Lễ Cầu ngư với các phần nghi thức dâng hương; văn tế; lễ tất; hò chèo cạn và cuối cùng là Lễ phát động ra quân đánh bắt hải sản năm 2019.
Với lịch sử hình thành gần 400 năm, Cảnh Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong “Bát danh hương” của Quảng Bình xưa. Là làng quê giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, “pháo đài thép” trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được hai lần vinh danh là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Các cao niên làm Lễ Cầu ngư trong Linh Ngư Miếu
Bên cạnh đó, Cảnh Dương còn biết đến với phong tục thờ Cá Ông tại Linh Ngư Miếu. Theo truyền thuyết của làng, cá Bà (cá voi cái) và cá Ông (cá voi đực) vào "lụy" (bị nạn) ở Cảnh Dương vào năm 1806 và 1818. Người dân làng biển đã xây miếu thờ từ đó.
Hò chèo cạn, nét văn hóa đặc trưng của người dân làng biển
Hiện nay hai bộ xương của cá Ông và cá Bà được bà con làng Cảnh Dương thờ tại Linh Ngư Miếu. Theo các chuyên gia, đây là các bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất tại Việt Nam, chiều dài ước tính gần 27m, bề rộng gần 10m.
Với lịch sử hình thành gần 400 năm, Cảnh Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong “Bát danh hương” của Quảng Bình xưa.
Cùng với Lễ hội Cầu Ngư, Cảnh Dương còn lưu giữ nhiều di tích và các giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo như: Đình thờ Tổ; Linh Ngư Miếu; các làn điệu dân ca hát ru, hò chèo cạn; các lễ hội như nấu cơm cần, đua thuyền; làng nghề truyền thống với nhiều sản vật nổi tiếng.
Tiến Thành