"Quái nhân lồng tiếng" Quốc Uy: "Việc phá giá làm mất giá trị của nghề"
(Dân trí) - Quốc Uy chia sẻ, tuy nghề lồng tiếng đang phát triển nhưng là sự tự phát để có lợi ích, kéo theo là sự cạnh tranh không lành mạnh. Việc phá giá để giành chút lợi ích riêng làm mất giá trị của nghề.
Đến với nghề lồng tiếng vì được… rủ rê
Nghệ sĩ Quốc Uy nổi tiếng trong giới lồng tiếng của Việt Nam. Mặc dù vì đặc thù công việc, anh ít được khán giả biết đến.
Với khả năng lồng tiếng theo thần thái trong giọng nói của từng nghệ sĩ, Quốc Uy được nhiều người gọi là "quái nhân trong giới lồng tiếng".
Quốc Uy có thể "thay giọng" cho hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng, như: NSND Việt Anh, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thanh Điền, NSƯT Hùng Minh, nghệ sĩ Trung Dân, Mai Huỳnh, Hoàng Sơn, Mai Sơn thậm chí cả Nguyễn Chánh Tín... trên phim.
Khả năng "truyền thần" vào giọng nói của Quốc Uy hay tới độ, khán giả không biết đây là giọng nói được lồng tiếng mà cứ tưởng chính là giọng của các nghệ sĩ.
Trước đó, Quốc Uy có 10 năm sinh hoạt văn nghệ trong đội ca nhà thiếu nhi quận 8, hơn 10 năm biểu diễn sân khấu. Chỉ là "hướng rẽ" trong nghề sau hơn 20 năm, nhưng công việc lồng tiếng trở thành bước ngoặt trong sự nghiệp của Quốc Uy. Anh cho rằng đây là khả năng "trời cho" mình.
"Học thanh nhạc và sư phạm giúp tôi dễ "cấu hình" được giọng nói của họ như thế nào. Đồng thời còn có sự cảm nhận, tôn trọng tuyệt đối hào quang của các chú, các anh để tôi giữ được thần thái của họ trong giọng nói.
Ngoài ra, tôi nghiên cứu, tìm tòi để hiểu điều gì tạo nên thần thái, tạo nên khí chất cho một con người. Tôi còn học hỏi những điều đẹp nhất từ các tôn giáo trên thế giới. Từ đó, có thể làm tốt hơn nhân vật mà mình được giao lồng tiếng", Quốc Uy chia sẻ thêm.
Nghệ sĩ Thế Thanh - một trong những cây đa, cây đề của ngành lồng tiếng khen ngợi Quốc Uy rất giỏi và khẳng định trong nghề chưa thấy ai làm được như anh. Nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi cũng gọi Quốc Uy là "quái kiệt" và thường mời anh tham gia các dự án phim điện ảnh lồng tiếng.
Nổi tiếng nhưng thu nhập "chập chờn"
Việc chuyển từ một nghệ sĩ xuất hiện trên sân khấu sang nghệ sĩ lồng tiếng, công việc "lui về phía sau" nhưng Quốc Uy không cảm thấy thiệt thòi vì đây là lựa chọn của anh. Anh cho rằng nghề lồng tiếng hợp với mình.
"Tôi sống ẩn, được làm nghệ thuật, nhận đồng tiền nhỏ xíu đủ sống, là vui rồi. Sau khi ba, mẹ, anh ba tôi qua đời, tôi không còn thích danh lợi. Thậm chí, tôi đều tránh phỏng vấn, hay ghi hình về lồng tiếng, ở các buổi ra mắt phim chiếu rạp.
Thời điểm đó, nhiều người trong nghề cho rằng "nghề mình là nghề sau màn ảnh, đừng xuất hiện làm gì". Tôi tin nó hợp với mình nên từ chối phỏng vấn, từ chối xuất hiện trước công chúng".
Anh tiết lộ, từ việc "thu mình" cũng khiến tất cả mối quan hệ tốt đẹp trước đây bị phai nhạt dần. Điều này cũng khiến công việc trở nên khan hiếm và vô chừng.
"Trong suốt 15 năm đó, không dễ dàng, nhưng nó hợp với sự suy nghĩ của tôi, cho tôi cơ hội để tu chỉnh mình".
Tuy được xem là một trong những nghệ sĩ tên tuổi của giới lồng tiếng nhưng thu nhập của Quốc Uy, theo chia sẻ của anh là "rất chập chờn", nhưng cũng đủ để anh sống không vất vả, chật vật.
Việc phá giá làm mất giá trị của nghề
Thời gian qua, khi các hoạt động nghệ thuật bị "đóng băng", nhưng Quốc Uy cho biết, anh may mắn hơn vì thỉnh thoảng nhận phim bộ tự lồng tiếng ở nhà. Công việc giảng dạy, đào tạo lồng tiếng cho hơn 20 học viên cũng được tiếp tục duy trì bằng việc học online.
"Tôi phải làm quen với việc tự thu, không thuận tiện như lúc làm phim bộ, có kỹ thuật thu, thực hiện ở studio. Còn lại thỉnh thoảng đọc TVC, phim truyền hình Việt Nam".
Anh cũng chia sẻ thêm, bản thân trước giờ vẫn thường đi cà phê một mình, thích không gian yên tĩnh nên cũng dễ dàng thích nghi trong nạn dịch này.
Cá nhân thành công, nhưng nhìn lại nghề lồng tiếng, Quốc Uy có rất nhiều trăn trở. Anh cho rằng từ lâu, nghề lồng tiếng đã không còn là "một thể thống nhất".
Tuy được phát triển nhưng là sự tự phát để có lợi ích, sự cạnh tranh không lành mạnh. Việc phá giá để giành chút lợi ích riêng làm mất giá trị của nghề.
"Mặt khác, cách lồng tiếng bị sân khấu hóa, hài tính sa đà, tiếng nói sân khấu sử dụng quá nhiều trong phim điện ảnh hay phim Việt Nam có tiếng diễn xuất là được, để có giá mềm... Trong khi mỗi dòng phim đều có kiểu giọng khác nhau tương ứng với giá trị điện ảnh".
Hiện, Quốc Uy đang mở khóa hướng dẫn lồng tiếng và giọng nói. Anh cho rằng đây là bước đi tự thân cho mai sau với nghề lồng tiếng.
"Có thể đây là tham vọng cá nhân huyễn hoặc, trái ngược với thực tại. Có thể gây đụng chạm cũng được, bởi với tôi, đó là cho thế hệ sau ra biển lớn".