Phim nghệ thuật đang “hot” trở lại
(Dân trí) - Khá nhiều nhà sản xuất, đặc biệt nhà sản xuất tư nhân vốn rất thận trọng trong việc đầu tư để có lời, đang bị thu hút làm phim nghệ thuật. Dòng phim vốn luôn khó “nuốt” và khó cả việc lôi kéo khán giả đến rạp để sinh lời, đôi khi làm ra rồi lại “đắp chiếu”.
Vậy mà, điểm sơ qua từ đầu năm 2014 đến nay đã có tới gần 15 phim đã và đang được triển khai, có phim đã ra mắt được phản hồi tốt, cũng có phim đang trong giai đoạn sản xuất cũng rất được chờ đợi. Trong đó rất nhiều được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của các nhà văn nổi tiếng của cả trong và ngoài nước.
Không phải đợi đến khi Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp gây tiếng vang lớn các liên hoan phim, hiện tượng khán giả đứng chen nhau ở rạp để xem phim thì các nhà sản xuất mới để ý và bắt tay vào thể loại phim này.
Cảnh trong phim Đập cánh giữa không trung
Phim Áo Lụa Hà Đông ra mắt vào năm 2006 nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả và đánh giá cao từ phía các nhà chuyên môn khi đạt đến 5 giải Cánh diều vàng, gây ấn tượng mạnh tại liên hoan phim Busan ở Hàn Quốc. Tiếp đó là phim Cánh đồng bất tận, được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc tư, tác phẩm từng gây sốt trên các diễn đàn văn học. Khi phim ra mắt cũng trở thành hiện tượng phim nghệ thuật bán được vé, và báo chí rất ưu ái. Những cái tên như Chơi Vơi của Bùi Thạc Chuyên; Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di gây khá nhiều chú ý từ trước khi ra rạp đến khi công chiếu.
Truyền thông để ý, bán được vé không đến nỗi là bết bát, tuy nhiên phim nghệ thuật vẫn đang được ví von như một món “đặc sản” nhưng không chiều được nhiều thực khách dễ tính. Sự xuất hiện đơn lẻ qua mỗi mùa phim bên cạnh dòng phim thị trường đã không tạo thành làn sóng, không hấp dẫn nhiều nhà đầu tư và thuyết phục được các rạp chiếu hơn hết chưa tạo được làn sóng yêu thích.
Trước đây các hãng phim nhà nước làm phim từ ngân sách, dẫu nhiều hay ít thì phim làm ra hoặc “kén” khán giả hoặc đắp chiếu. Các hãng phim tư nhân thì e dè với bài toán lợi nhuận, dù rất muốn thì ngoài thể loại giải trí, hài hước khán giả yêu điện ảnh cũng chỉ được xem phim thể loại này qua các kỳ liên hoan hoặc “xem” trên các bài báo.
Nhà sản xuất đặc biệt là các hãng phim tư nhân bắt đầu quan tâm thể loại “kén khán giả” này có thể xem như là hiện tượng. Thành công hay thất bại chưa thể đong đếm, khi rất nhiều trong số đó chưa chiếu thương mại, nhưng rõ ràng sự đầu tư bài bản đang rất được chú trọng và hứa hẹn nhiều điều thú vị.
Một số khán giả và báo giới đã được xem qua các phim: Những đứa con của làng, Đập cánh giữa không trung, Căn phòng của mẹ, Nước 2030, Đời như ý, Bước khẽ đến hạnh phúc một vài trong số đó đã kịp gây ấn tượng. Phim Đập cánh giữa không chung tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, một tác phẩm phim độc lập với kinh phí tài trợ không quá nhiều. Phim đi vào khai thác trạng thái tâm lý của một cô gái trẻ chơi vơi, lơ lửng mà bế tắc. Bên cạnh là một Hà Nội tuy ngột ngạt những lại rất lãng mạn và quyến rũ, có chút gì đó thơ mộng, gần gũi đôi khi sự tĩnh lặng được thể hiện qua những khung hình rất đẹp, rất bay bổng nhưng không kém ám ảnh.
Đạo diễn Nguyễn Võ Nhiêm Minh thế mạnh là hình ảnh rất sáng tạo, với Nước 2030 có chút gì đó lãng mạn của Mùa Len Trâu trong một câu chuyện viễn tưởng của một xã hội ở thì tương lai. Góc máy đẹp, hình ảnh ấn tượng giầu cảm xúc pha lẫn tính hình sự của mạch phim tạo nên bối cảnh phim vừa hư mà lại vừa thực.
Trong Dịu Dàng của đạo diễn Lê Văn Kiệt, được chuyển thể từ tác phẩm Một sinh vật dịu dàng của nhà văn Nga Dostoyevski. Lấy bối cảnh là một tỉnh ở Miền nam, phim kể về mối quan hệ tù hãm của một cô gái trẻ và một người đàn ông trung niên bảo thủ. Là một tác phẩm văn học Nga nhưng Dịu Dàng xây dựng hình ảnh rất thuần Việt, bên cạnh nhịp phim rất cuốn hút, tò mò. Có sự góp mặt của diễn viên Dustin Nguyễn thì diễn xuất của diễn viên trẻ Thanh Tú được đánh giá khá tốt gây nhiều ngạc nhiên.
Dự án phim “Quyên” của nhà sản xuất BHD, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Phim tái hiện số phận khá nghiệt ngã của một phụ nữ tên Quyên với những người đàn ông theo đuổi cô ở một đất nước xa lạ trong một thời kỳ hỗn mang khi bức tường Berlin Đức sụp đổ. Đang trong giai đoạn hậu kỳ và dự kiến ra mắt vào tháng 3/2015, hứa hẹn sẽ là một nhân tố thành công bất ngờ so với tác phẩm Cánh đồng bất tận trước đó.
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến dự án phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn triệu đô, “ông vua” các phòng vé Victor Vũ, tác phẩm được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên rất được ái mộ của nhà văn Nguyễn Ngọc Ánh. Victor Vũ khá mát tay với rất nhiều phim thị trường có doanh thu lớn như Cô dâu đại chiến, Scandal 1 và 2… anh rất hào hứng với dự án lần này và hy vọng thể hiện tốt các thủ pháp điện ảnh như mong muốn. Sự chuyển hướng thể loại làm phim của vị đạo diễn này có thể gây bất ngờ đến nhiều người nhưng với kinh nghiệm và chiêu thức làm phim của mình chắc chắn đây sẽ là một tác phẩm đáng chờ đợi.
Im Wanted dự án có kinh phí khủng lên đến 4 triệu đô có sự hợp tác tiếp theo của Trương Ngọc Ánh và Kim Lý, hay đạo diễn Phan Đăng Di đã và đang khởi động Sài Gòn nóng, Cha, con và…, Tiệc trăng tròn sẽ đóng góp vào danh sách khá ấn tượng ở dòng phim kén khán giả này.
Khán giả sẽ đến xem
Theo nhiều nhận định sự chuyển hướng của các nhà sản xuất phim năm nay như một phong trào nguy hiểm, bởi phần lỗ gần như được báo trước. Tuy nhiên điều khác biệt so với trước đây ở dòng phim kén khán giả này, đó là sự hào hứng của các hãng phim tư nhân khi kinh phí bỏ ra chắc chắn sẽ có nhiều tính toán để không gặp nhiều bất lợi.
Chi phí PR, truyền thông là một phần không nhỏ trong các dự án nhưng đây là điểm mạnh của các hãng phim tư nhân so với hãng phim nhà nước. Nếu như các hãng phim nhà nước làm một phim ra mắt không kèn không trống rồi lại nhanh chóng rời rạp, thậm chí có phim không ra nổi rạp một phần không có kinh phí quảng cáo, thì điều đó ngược lại ở các hãng phim tư nhân các dự án phim sẽ gây chú ý ngay từ khi còn trên bản thảo, thậm chí có hẳn cả cụm rạp riêng để phát hành.
Công thức mà các phim thị trường vẫn áp dụng đó là cảnh nóng, chân dài và ngôi sao cộng thêm tên tuổi đạo diễn. Điểm qua không khó để tìm cảnh nóng trong các phim: Đập cánh giữa không trung, Quyên, Dịu Dàng, Những đứa con của làng, Đời như ý….
Phim thuộc thể loại “kén” khán giả, kén cả diễn viên ngôi sao thị trường, đặc biệt chân dài, người đẹp khó có cửa bởi một phần kinh phí trả cat xê, đạo diễn thận trọng với khả năng diễn xuất. Ở mùa phim mới này những ngôi sao như Trần Bảo Sơn, Dustin Nguyễn, Trương Ngọc Ánh, Kim Lý, Ngân Khánh hay các người đẹp như Top 5 Hoa hậu Việt Nam 2012 Ngọc Anh, người mẫu Thúy Hằng….được tin tưởng giao vai, đây như là một “chiêu” để câu kéo khán giả. Cộng thêm rất nhiều trong số đó là tác phẩm văn học có tiếng và ăn khách được chuyển thể, sẽ thu hút sự tò mò của khán giả.
Phim thị trường có cạnh tranh, thì phim nghệ thuật cũng phải chạy theo guồng quay đó, lấy doanh thu là thước đo. Chiến lược truyền thông bài bản và sự tính toán tỉ mỉ, điện ảnh sẽ có bước chuyển mình mới mang đúng sứ mệnh của mình là truyền tải điện ảnh đến với khán giả yêu điện ảnh. Cùng với những tính toán đó hy vọng phim nghệ thuật sẽ tạo một làn sóng ở các rap chiếu và quan trọng sẽ không gặp phải cảnh đìu hiu “phim 21 tỷ không bán nổi một vé” như Sống cùng lịch sử. Và sẽ có một dòng phim không còn kén khán giả.
Việt Cường