NSƯT Quốc Trọng: "Ngoài đời tôi hiền, không ác như trên phim"
(Dân trí) - Vào vai Đông - một ông già tàn độc, máu lạnh trong phim "Người một nhà" - NSƯT Quốc Trọng bị nhiều người ghét.
NSƯT Quốc Trọng sinh năm 1958 tại Hà Nội, là một đạo diễn, diễn viên kỳ cựu của làng phim Việt Nam. Ông từng tốt nghiệp lớp diễn viên điện ảnh khóa II của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, sau đó đầu quân cho Hãng phim truyện Việt Nam và tham gia diễn xuất từ thời kỳ cuối những năm 70.
NSƯT Quốc Trọng gây ấn tượng qua các vai diễn trong các phim: Tội và tình, Lời nguyền của dòng sông, Thị xã trong tầm tay, Người phán xử, Cây táo nở hoa, Biệt dược đen... Đặc biệt, vai diễn Xuân tóc đỏ trong bộ phim Số đỏ của ông được đông đảo khán giả biết đến.
Một số bộ phim nổi tiếng khác có sự tham gia của Quốc Trọng như: Mùa lá rụng, Ngõ lỗ thủng, Bí thư tỉnh ủy, Hương đất…
Mới đây, ông vào vai ông Đông trong phim Người một nhà trên sóng VTV. Đây là vai diễn có tính cách độc đoán, vũ phu, thích dùng bạo lực để giải quyết mọi chuyện.
Sau một lần bị vợ quá cố đánh ghen, ông Đông mất khả năng đàn ông, nhưng về già vẫn "chứng nào tật nấy", ngang nhiên đưa gái về nhà để giải khuây khiến cho bà Thư (Vân Dung) nổi cơn thịnh nộ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về vai diễn này, NSƯT Quốc Trọng cho biết, những năm gần đây, ông được mời vào vai diễn có tính cách độc đoán, gia trưởng, khiến khán giả ghét.
Tuy nhiên, khi ra trường quay, ông luôn tuân thủ ý kiến của đạo diễn Trịnh Lê Phong, không vin vào chuyện mình đã làm đạo diễn nhiều phim mà... lên mặt với mọi người.
"Không hiểu sao mấy năm nay, tôi thường được giao vai những lão già "bẩn bựa", từ Người phán xử đến Biệt dược đen và tới phim này. Trong khi ngoài đời tôi cũng ngoan, hiền lành mà cứ phải đóng vai ác.
Với những vai trái ngược tính cách ngoài đời, tôi luôn phải nhìn từ góc độ khác, tìm chi tiết, cách thể hiện khác với những vai diễn trước. Ông Đông là dạng vai cao bồi nghèo, chỉ dọa vợ dọa con nên phải có cách thể hiện khác...", nghệ sĩ Quốc Trọng cho chia sẻ.
Cách đây 9 năm, NSƯT Quốc Trọng vào vai Phan Sơn - anh trai ông trùm Phan Quân (cố NSND Hoàng Dũng) - trong Người phán xử. Vai diễn này, NSƯT Quốc Trọng đã hoàn thành xuất sắc góp phần giúp Người phán xử được trọn vẹn trong mắt khán giả.
Với lối diễn xuất tự nhiên và cách thể hiện nhân vật sáng tạo, NSƯT Quốc Trọng đã tạo nên một vai diễn thú vị với lời thoại rất hot trend (xu hướng nóng hổi, thịnh hành) như: "Bố mày nhịn mày lâu lắm rồi đấy nhá!".
Với tính cách đểu nhưng khá hài hước, nhân vật Phan Sơn quả thực là yếu tố "mềm mại", gây cười cho cả bộ phim, khiến khán giả nhớ mãi không quên.
Khi được hỏi, ông nghĩ thế nào về câu thoại của mình trong phim Người phán xử trở thành hot trend trên mạng xã hội, được giới trẻ thích? Quốc Trọng cho biết: "Khi làm phim, người diễn viên tập trung nói, diễn xuất theo chủ đề của phim, không ai làm phim lại chăm chăm để ý vào một câu thoại.
Một ngày đẹp trời, cháu tôi nói rằng, ông có câu thoại được nhiều người chia sẻ đấy. Cháu nói, chính là câu: "Bố mày nhịn mày lâu lắm rồi đấy nhá". Đôi khi khán giả còn lấy hình tôi trong phim làm comment (bình luận) trêu nhau. Tôi bất ngờ vì câu nói ấy "gây bão" với giới trẻ. Đây là niềm vui làm nghề, là sự thành công của bộ phim".
Ở tuổi 66, NSƯT Quốc Trọng có một cuộc sống bình yên bên gia đình nhỏ với người vợ không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Con trai ông là Trần Trọng Khôi cũng nối nghiệp bố với niềm say mê dành cho phim ảnh.
Nam nghệ sĩ bộc bạch rằng, ngoài đời ông là người tếu táo, thích vui với bạn bè, muốn gì làm nấy, muốn đi đâu thì đi. Sinh hoạt thường ngày của ông cũng không giống ai, thích thì ngủ, công việc bận sẽ thức rất khuya.
Về hưu nhưng ông không để bản thân thấy cô đơn và buồn chán. Theo ông, quan trọng nhất là xác định cho mình tâm lý thoải mái, không phải lo nghĩ, bức xúc điều gì.
"Trước kia, suốt ngày tôi cắm đầu vào phim ảnh, ít nghỉ để đi chơi lắm. Về hưu, tôi tranh thủ đọc sách, chơi với các cháu, chơi cây cảnh. Gần đây, tôi tìm về thú vui ngày xưa là câu cá. Ở tuổi này, tôi chẳng còn ham hố gì cả.
Thấy chuyện xung quanh ngang tai chướng mắt, tôi bực nói vài ba câu là xong. Với công việc đạo diễn, tôi vẫn luôn tìm hiểu, chuẩn bị kịch bản, nếu thích hợp và đủ điều kiện thì làm", ông chia sẻ thêm.