NSƯT Lan Hương: Vẫn thèm có thêm cơ hội làm mẹ!
Đối với những khán giả yêu sân khấu – điện ảnh, Lan Hương là một cái tên rất quen thuộc. Nhắc đến chị, người ta nhớ ngay đến “em bé Hà Nội” với cặp mắt đen tròn lay láy. Bây giờ “em bé” đã lên chức bà ngoại, vẫn ngày ngày phóng xe đến Nhà hát Tuổi trẻ, vẫn ấp ủ bao nỗi niềm đang dang dở…
Đến với sân khấu- điện ảnh từ khi còn rất nhỏ, người con gái có đôi mắt đen tròn biết nói ấy đã hút hồn khán giả ngay từ những vai diễn đầu tiên.
Giờ chị đã bước sang tuổi 42 nhưng sắc đẹp và những nét thanh tú trên gương mặt vẫn còn nguyên vẹn, dường như không có dấu vết của thời gian. Với chị, sân khấu là tất cả niềm đam mê nhưng đằng sau mỗi vai diễn chị luôn trăn trở, day dứt vì cảm giác vẫn chưa làm đến nơi đến chốn…
Gặp Lan Hương tại nhà hát, khán giả vẫn thấy ở “bà ngoại” này nét ngộ nghĩnh thơ trẻ của “Em bé Hà Nội” năm nào.
Chị vừa cho ra câu lạc bộ hình thể, do chị làm chủ nhiệm, một loại hình nghệ thuật mới mẻ ở Việt Nam, nếu không nói là rất khó làm và tồn tại, khi mà khán giả trong nước hoặc đang say sưa với các chùm hài kịch, chương trình ca nhạc, hoặc bắt đầu quay lại các rạp chiếu phim.
Phận hồng nhan sớm đa đoan...
15 tuổi đã bị “nhòm ngó”, 16 tuổi yêu, 18 tuổi lấy chồng, 19 tuổi, cái tuổi mà các cô gái còn đang được kiêu kỳ “ban” những ánh mắt lựa chọn cho các “vệ tinh” thì Lan Hương đã kịp… có con.
Chồng chị, anh Đức Bình, làm tổ chức biểu diễn ở nhà hát. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống nói chung khá khó khăn, nhất là với văn nghệ sĩ. Hạnh phúc của chị bị đặt trước thử thách: chồng chị quyết định ra nước ngoài sinh sống, mong tìm được cuộc sống mới tốt hơn.
Lan Hương được “giao” cho người bạn thân của hai vợ chồng , diễn viên Tất Bình, cũng là một diễn viên của Nhà hát, trông nom.
Trời xui đất khiến hay số phận run rủi, anh Đức Bình ngày càng xao nhãng và quên dần cô vợ trẻ nơi quê nhà, còn “người trông nom hộ” Tất Bình thì ngày càng gần gũi, thương mến chị hơn.
Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, hai người đến với nhau sau khi vượt qua đủ lời dèm pha, điều tiếng lẫn cả oán giận, trách móc.
Gần hai chục năm đã trôi qua từ cái thời “non dại” ấy, Lan Hương trông vẫn chẳng khác mấy, vẫn cười khúc khích khi kể chuyện mình, “mình sinh ra vào tháng không tốt lắm, chắc là cao số nên bị “trói” sớm”
Tuy nhiên, chị cũng không khỏi tự hào khi nhắc đến ông xã Tất Bình, gần hai chục năm sống với nhau, cuộc sống của hai vợ chồng vẫn lúc nào cũng như đôi tình nhân. “Con cái có gia đình hết rồi, cả mình và anh Bình đều đã lên chức ông nội bà ngoại cả, thời gian bây giờ chỉ dành cho công việc và cho nhau thôi”.
Nói vậy, nhưng hình như ánh mắt chị cũng chạnh buồn, làm mẹ từ năm 18, ở với chị vài năm thì bé Hạnh, con gái chị cũng theo bố Đức Bình sang Đức sống. Đã rất nhiều lần chị mong có thêm cơ hội được làm mẹ, nhưng “Mình đã cố hết sức rồi nhưng ông trời không cho, có lẽ cũng không nên cố, đành chấp nhận vậy chứ mình thèm có con với người đàn ông mình yêu lắm chứ”.
Thôi thì không làm mẹ thì chờ lên làm bà để bế cháu vậy, tháng sáu vừa rồi, Hạnh con gái chị vừa sinh một bé trai kháu khỉnh, vòng đời xoay chuyển, thế là chị lại hưởng cảm giác của hơn hai mươi năm về trước.
Nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, chị phải chia tay con gái để về nước, bao vai diễn và đoàn kịch hình thể còn đang manh mún đang đợi chị.
Lăn lưng ra làm vì sợ thi đại học ….
Chị quyết định theo sân khấu kịch, nhưng rồi càng ngày càng thấy mê. Dường như chị sinh ra đã có sẵn dòng máu nghệ thuật trong người vậy.
Ngay từ lúc chị mới tập tọe làm diễn viên trong phim Em bé Hà Nội rồi đến Mối tình đầu, mẹ chị đã chỉ có mong muốn con mình xa rời giấc mơ nghệ thuật.
Khi nghe chị quyết định đi theo ánh đèn sân khấu, hai năm giời mẹ chị chẳng thèm đoái hoài đến cô con gái “rượu”. Chị phải vào ở nội trú trong nhà hát và tự bươn chải cuộc sống một mình. Để rồi vài năm sau đó những người yêu thích nghệ thuật sân khấu không ai không biết cái tên Lan Hương với những vai diễn “để đời’ trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ..
Cách đây mấy năm, Lan Hương cho ra đời chùm tiểu phẩm độc diễn Giấc mơ hạnh phúc trong sự đón nhận tò mò và dè dặt của cả những người trong nghề và khán giả. Bởi khi ấy, độc diễn và kịch hình thể vẫn quá xa lạ với khán giả Việt Nam.
“Lúc đầu mình quyết định đến với kịch hình thể, chỉ vì mình … tham! Cái gì cũng thích làm, mình thích múa, thích biểu diễn rối, thích kịch câm… và thế là sau bao nhiêu lâu trăn trở, mình quyết định làm chương trình độc diễn”.
Bình thản trước tất cả mọi lời khen, tiếng chê, Lan Hương đã chứng minh rằng chị đã đúng khi chùm kịch đã mang về cho chị Giải thưởng lớn từ Liên hoan Sân khấu kịch ngắn tổ chức tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, chị cũng để mang được loại hình nghệ thuật này đến được với khán giả không phải là chuyện một sớm một chiều, nhưng “cứ làm đi, biết đâu sau một thời gian, người ta sẽ yêu thích nó thì sao? Nghệ thuật rất cần sự mạnh bạo. Dù phía trước là thành công hay thất bại cũng nên liều một tí!”.
Từ thành công ban đầu, Lan Hương cứ trăn trở, tại sao mình không thử phát triển loại hình nghệ thuật này, một bộ môn mới nhưng vô cùng hấp dẫn, đầy sức biểu cảm và có nhiều “đất” cho diễn viên thể hiện tài năng?
Chị chạy đôn chạy đáo tìm “đồng minh”, tài trợ và diễn viên.. . Lúc đầu, chị đi nhờ mấy nơi viết kịch bản, nhưng .. chẳng nơi nào chịu viết. Lý do: ý tưởng của chị quá mới, các nhà biên kịch khó nắm bắt đựoc, hơn nữa trong thâm tâm họ cũng nghĩ những thể loại kịch này khó có “đầu ra”, nên không muốn mất công.
Thế là Lan Hương đành sắn tay áo lên, tự mình viết kịch bản, tự đạo diễn và tự diễn luôn. “Lúc đầu mình mới làm, tuy đã được sự đồng ý của ban giám đốc, nhưng không phải ai cũng tin tưởng vào thành công của nó. Bọn mình không có sàn tập, sân khấu phải nhường cho các vở “chính thống” mấy chị em kéo nhau lên hành lang nhà hát tập.
“Nhìn chúng nó tội lắm, cứ lăn lê bò toài trên sàn xi măng, nóng vã mồ hôi”, chị nói.
18 thành viên trong câu lạc bộ kịch hình thể của chị tranh thủ tập luyện 3-5 buổi mỗi tuần trong khi thù lao gần như không có gì, ngoài việc vẫn phải tham gia công tác ở các đoàn nghệ thuật chính.
Trong điều kiện như vậy, "Nhật nguyệt thực" đã ra đời. Từ ý tưởng của Lan Hương, vở kịch kết hợp nội dung 3 tác phẩm: Truyện ngắn "Người ngựa ngựa người" (Nguyễn Công Hoan), vở tuồng cổ "Tiết Giao đoạt ngọc" và truyện "Tình mẹ" của nhà văn Đan Mạch Andersen. Công diễn được một số buổi, "Nhật nguyệt thực" đã nhận được khá nhiều lời khen.
Chị cũng đã chuẩn bị được 5 chương trình, chờ lúc “hòm hòm” sẽ tung ra thành một hệ thống, chị tiết lộ, không giấu diếm được sự hồi hộp…
Theo Vietnamnet