1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

NSƯT Lan Hương: "Cái khó ló cái khôn"

Lãnh đạo hơn 30 diễn viên, vừa làm công tác đạo diễn, chỉ huy đêm diễn rồi cả chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”, nhưng lúc nào “cô bé Hà Nội” ngày nào cũng tươi tắn dù đã có... cháu ngoại.

Vào TPHCM tham dự Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc 2006, NSƯT Lan Hương và đoàn kịch hình thể – đơn vị xã hội hóa đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ phải làm việc cật lực để biểu diễn 3 suất và tổ chức một buổi tọa đàm, với mong muốn tìm được tiếng nói chung với sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM.

Muốn làm một “Hồng Vân Hà Nội”

Chập chững đi vào con đường xã hội hóa cách đây 4 năm, NSƯT Lan Hương đã được Nhà hát Tuổi Trẻ tạo mọi điều kiện để chị thực hiện mơ ước gầy dựng một đoàn kịch nói hình thể. Năm chương trình đã ra mắt công chúng Hà Nội và gây được tiếng vang như: Giấc mơ hạnh phúc (tác giả, đạo diễn Lê Hùng), Nhật nguyệt thực (tác giả, đạo diễn Lan Hương), Tiếng vọng hành tinh (tác giả, đạo diễn Bích Ngọc), Con bệnh bí hiểm (tác giả Nguyễn Khắc Phục, đạo diễn Lan Hương) và Hàn Mạc Tử (tác giả Phan Cao Toại, đạo diễn Lê Hùng).

Ban đầu với cách làm mang tính đặc trưng của sân khấu miền Bắc, nửa kinh phí vận động từ nhiều nguồn, nửa kinh phí do nhà hát tài trợ, các chương trình lần lượt được tiếp thị với các cơ quan nước ngoài, biểu diễn trên 20 suất với doanh thu khá cao. Chị phấn khởi kể: “Đặc trưng của kịch hình thể là dùng động tác, âm nhạc thay cho lời thoại, nên xóa bỏ làn ranh bất đồng ngôn ngữ của khán giả nước ngoài. Do vậy các chương trình ra mắt tại sân khấu 11 Ngô Thời Nhậm, Hà Nội, thu hút đông khách nước ngoài. Nhờ vậy chúng tôi mới có thể tự tin làm xã hội hóa sân khấu ở phía Bắc”.

Chòi đạp chân ngoài, mắc nợ chân trong

Vì sao khán giả Hà Nội không thích đến rạp xem kịch (ngoại trừ vé mời của công ty, xí nghiệp) vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Khác với khán giả TPHCM, người xem đến đông kín các sân khấu xã hội hóa mỗi lần ra vở mới, sân khấu ở Hà Nội yên ắng và chán ngắt mỗi khi các đoàn giới thiệu vở mới.

Ngay cả Nhà hát Tuổi Trẻ, đơn vị năng động với 3 đoàn: Chính kịch (NSƯT Anh Tú phụ trách), hài kịch (NSƯT Chí Trung phụ trách) và kịch hình thể xã hội hóa do chị bỏ vốn thực hiện, cũng lao đao nhiều năm qua.

Bằng chứng khi tác phẩm Kiều Loan ra đời, Hà Nội không xôn xao bằng khi đưa vào Nam lưu diễn. Chị cho biết: “Chúng tôi đã thử đi tìm câu trả lời nhưng vẫn không làm sao hiểu được khán giả Hà Nội. Những người đi xem bằng vé mời ai cũng khen vở hay, nhưng để mua vé thì lại là chuyện không có ý định. Khâu tiếp thị của sân khấu kịch ở Hà Nội cần phải học hỏi trong TPHCM”.

Xã hội hóa sân khấu là mô hình kích thích sự năng động, đi tìm lối thoát cho hoạt động sân khấu ở phía Bắc, giúp cho diễn viên có đời sống khá hơn. Biết vậy, nhưng chị chưa thể làm gì khác, như chị tâm sự: “Nhà hát Tuổi Trẻ là nơi đào tạo, nuôi dưỡng tôi, bây giờ mình lại rứt ra làm sân khấu tư nhân cho riêng mình thì có quá ích kỷ không. Trường hợp nghệ sĩ Hồng Vân trong Nam không trực thuộc đoàn công lập nào, nên đứng ra lập sân khấu xã hội hóa rất dễ dàng. Bản thân tôi còn bị ràng buộc ở chỗ mình còn là thành viên nòng cốt của một nhà hát cấp quốc gia, không thể chạy theo lợi ích riêng mà quên đi sự cống hiến chung của tập thể”.

Cái khó ló cái khôn

Lan Hương khẳng định rằng mô hình xã hội hóa sân khấu ở miền Bắc khó mà phát triển rầm rộ như ở miền Nam. Mô hình như chị đang làm hiện nay đã mang lại sức trẻ cho đoàn kịch hình thể, vì đội ngũ diễn viên lãnh lương cao gấp 3 lần đoàn Nhà nước, nghề nghiệp lại được nâng cao. Việc để anh em tìm kiếm sáng tạo nhằm thoát khỏi những khuôn mẫu cũ đã phần nào kích thích được diễn viên và họ đã chung lòng, chung sức với chị.

Để dựng vở Nhật nguyệt thực, Lan Hương phải bỏ tiền túi hơn 120 triệu đồng, sau đó chạy tìm tài trợ từ các cơ quan nước ngoài đóng tại Hà Nội (hình thức tặng lại vé mời trong nhiều suất diễn), chị lại có thêm nguồn kinh phí để dàn dựng thêm tác phẩm mới. Chị nói: “Thế mà mỗi năm chỉ dám làm một vở. Như năm nay, đoàn chúng tôi dựng Hàn Mạc Tử, ngốn kinh phí đến 300 triệu đồng, đành phải nhờ vốn của nhà hát. Hoài bão làm kịch hình thể để tạo phong cách riêng cho mô hình xã hội hóa ở Hà Nội đã cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm.

Muốn được làm như Hồng Vân trong Nam, nhưng lại khó đi đúng hướng chuyên môn mà mình theo đuổi: kịch hình thể. Khâu kịch bản của kịch hình thể rất hiếm. Kịch hình thể ít lời, nhiều tình huống và động tác. Âm nhạc phải đắt và xử lý không gian phải tinh tế. Chúng tôi cũng thử nghiệm dựng hài với chùm kịch gồm 5 tiểu phẩm mang tên Tình yêu tím. Khả quan lắm vì nó hơn hẳn tấu hài trong Nam, thâm thúy hẳn so với những tiểu phẩm hài và theo mô hình này chúng tôi sẽ có nhiều kịch mục để tháng 12 vào Nam lưu diễn một tháng”.

"Qua liên hoan tại TPHCM lần này, tôi cảm thấy quý mến khán giả TPHCM vô cùng. Họ đã làm cho các vở diễn sống động hơn khi đến xem và khóc cười với chúng tôi" - Lan Hương xúc động nói. Chị cho biết: "Sau suất diễn phục vụ sinh viên Nhà hát Thế Giới Trẻ của Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, chúng tôi sẽ về Hà Nội. Lại tất bật dạy, dựng và tìm khán giả để dựng vở mới. Chìa khóa mở cánh cửa sân khấu xã hội hóa Hà Nội đang trong tay chúng tôi, nhưng cánh cửa ấy công chúng Hà Nội lại khóa nhiều lớp. Biết làm sao bây giờ, hãy mở từ từ vậy...".

Theo Thanh Hiệp
Người Lao Động