1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

NSƯT Bảo Quốc: Nét duyên còn một chút này

Bảo Quốc hiện là người duy nhất còn sót lại trên sân khấu của thế hệ danh hài trước năm 1975. Anh có thói quen bước ra sân khấu bao giờ cũng chắp tay chào khán giả rồi mới nhập vai.

Dù không còn phải làm sân khấu để kiếm sống như xưa nhưng bao lâu khán giả còn thương, đồng nghiệp còn quí thì anh vẫn đem chút duyên còn lại mong trả hết nợ tình bao năm của cuộc đời... 

 

Trong vở kịch Làm người ai làm thế (vừa ra mắt tại sân khấu Phú Nhuận), ông Bảy bán hủ tiếu có một chiêu tiếp thị rất cao kiến. Một bên ông đặt tấm ảnh phóng to gương mặt ông với thân hình còm cõi, tiều tụy như nghiện xì ke cùng chú thích: “Trước khi ăn hủ tiếu”; bên kia, cũng bức chân dung ông nhưng với cơ thể nở nang, vùng ngực nổi đủ “tám múi” kèm lời khoe: “Sau khi ăn hủ tiếu”.

 

Chuyện “nổ” này xem ra cũng không phương hại đến hòa bình của ai cho đến khi người yêu thương nhớ mấy mươi năm xa cách của ông bất ngờ xuất hiện. Luýnh quýnh, nhưng trước khi nhào tới mừng nàng, ông cũng kịp đưa chân ra sau đá ngã để giấu nhẹm hình hài “trước khi ăn...” với nụ cười thẹn thùng. Chỉ một động tác nhỏ vậy thôi nhưng khiến cả khán phòng òa lên tiếng vỗ tay khoái trá.

 

Nói về cú đá giò lái hóm hỉnh này, NSƯT Bảo Quốc kể thật tình: “Hành động đó đột nhiên bật ra trong tôi khi bắt được nhịp với không khí lúc ấy, chứ cả lúc phúc khảo cũng không có chi tiết này”. Kiểu ngẫu hứng bật ra chất hài khi diễn gần như là một thứ bản năng mà đôi khi chính anh cũng không thể lý giải hết ngọn nguồn.

 

Ít ai ngờ trong số mười người con của nghệ sĩ Năm Nghĩa và bà bầu Thơ ngày ấy, “Sáu Bảo Quốc” là người tỏ ra lơ là nhất với sự nghiệp sân khấu lừng lẫy của gia đình. Anh chỉ có một ham muốn là đi đá banh, mặc dù nghệ sĩ Năm Nghĩa với con mắt nhà nghề đã phát hiện năng khiếu tiềm ẩn nơi cậu con trai và hết lời khuyến khích anh đi hát.

 

Một bữa, gánh nhà diễn vở Người vợ không bao giờ cưới nhưng chẳng may diễn viên nhí Hữu Nghĩa bị bệnh bỏ vai, Bảo Quốc được cha kêu ra thay. Nhờ đã thuộc tuồng từ lâu nên anh diễn trót lọt. Đêm đó về nhà, căn bệnh loét dạ dày của cha anh trở nặng phải đi cấp cứu và vài ngày sau ông mất. Cái chết đột ngột của thân phụ xảy ra ngay trong lần diễn đầu tiên với anh đã như một định mệnh. Anh chợt thấy nghề của cha thật đáng trân trọng và không thể làm khác đi mong ước của ông lúc sinh thời.

 

Nhiều năm làm kép con, kép lẳng, nhưng chỉ một lần được đôn lên làm kép mùi Bảo Quốc đoạt ngay HCV giải Thanh Tâm dành cho diễn viên triển vọng. Đó là vai hiệp sĩ mù “nghe gió kiếm” trong vở cải lương Hiệp sĩ mù. Mặc vào người bộ kimono, lận bên hông cây kiếm, hiệp sĩ mù trèo tường lẻn vào phủ để giết chết tên tham quan độc ác. Giết xong mới biết đó chính là cha ruột mình. Sửng sốt, đớn đau, nửa đêm hiệp sĩ mù mò ra mộ khóc cha. Bảo Quốc khóc thảm thiết đến nỗi ban giám khảo giải Thanh Tâm năm ấy đã quyết định dành giải thưởng cho anh. Điều thú vị là giải Thanh Tâm diễn ra cả thảy 10 năm, nghệ sĩ Thanh Nga - chị ba của anh - đoạt giải năm đầu tiên, còn em sáu Bảo Quốc của chị được trao giải vào năm cuối cùng.

 

Nhưng lần diễn trở thành bước ngoặt thật sự hiện rõ con đường sự nghiệp của Bảo Quốc là khi anh thế vai cho danh hài Thanh Việt trong vở Con ma nhà họ Hứa. Danh hài bỗng dưng cáo bệnh trước giờ mở màn. “Fan” của danh hài Thanh Việt khi ấy khá đông, nếu vở không diễn, anh em trong đoàn hát đêm ấy không có lương. Nghe lời chị ba Thanh Nga, Bảo Quốc ra diễn thay, sắm vai người em cùng bà chị Hồng Nga đi tìm nhà để thuê, chẳng may gặp phải căn nhà ma. Hôm đó, anh làm cho nghệ sĩ Hồng Nga phải bật cười trên sân khấu. Từ đó, anh chính thức trở thành người trẻ tuổi nhất trong làng hài danh tiếng cùng những tên tuổi đàn anh như Thanh Việt, Kim Quang, Hoàng Mai, Văn Chung, Tư Rọm...

 

Diễn hài người ta yêu thích là lẽ thường, nhưng diễn vai ác, phản diện mà cũng được khán giả thương thì có lẽ không ai hơn Bảo Quốc. Ngày trước, nhân vật Chương Hầu trong vở Tiếng trống Mê Linh là một tên nối giáo cho giặc, cuối cùng bị chết bởi lưỡi gươm của thái thú Tô Định.

 

Nhưng xem cách Bảo Quốc nịnh nọt, luồn cúi để được an thân, người ta vừa giận vừa thương, thấy đây là một con người đáng tội nghiệp hơn đáng trách. Hay như ông Phán Thức giết vợ trong vở Rồi 30 năm sau (sân khấu Phú Nhuận) cách đây vài năm của anh cũng cho người ta cảm giác người này làm ác chỉ là “nhất thời hồ đồ”.

 

Cũng bởi con người Bảo Quốc dù vào loại vai gì ở sân khấu cũng không thoát khỏi bản chất nhân hậu vốn thấm đẫm trong cuộc sống đời thường. Anh luôn tâm niệm không bao giờ làm ai phiền lòng, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

 

Anh không thể nói nặng được với ai. Gặp người làm điều xấu, anh nhỏ nhẹ khuyên răn, “bóng gió” hơn thì lấy các nhân vật trên sân khấu ra làm gương. Ai ganh ghét, anh cứ để họ “thoải mái”, ai cố tình chơi xấu thì... chịu trận! Nhưng sự trải nghiệm luôn làm anh tin tưởng rằng “qua cơn” họ lại thấy cảm thông với mình hơn.

 

Ngôi biệt thự có tên Lưu Nguyễn nằm ở góc đường Nguyễn Thông - Phạm Đình Toái thường bắt mắt người đi ngang bằng lối kiến trúc đậm nét Á Đông với gam màu đỏ sậm giản dị mà trang nhã. Đó là chốn đi về ấm áp của nghệ sĩ Bảo Quốc - thành quả của mấy chục năm thuận vợ thuận chồng “tát” miệt mài trên sàn diễn cũng như ngoài thương trường. Anh cười mãn nguyện khi nói về chị, một người vợ đảm đang và biết cách làm sinh lời từ đồng tiền lao động vất vả của chồng.

 

Anh và chị ngày xưa vốn ở chung xóm nhưng không hề ngó tới mặt nhau, cho đến một hôm chiếc xe đạp của chị bị xì bánh đúng lúc anh tình cờ chạy xe máy ngang qua. Nghĩ mình đàn ông, anh chạnh lòng cho chị quá giang làm phước. Rồi “làm phước” nhiều lần sau đó cũng không nghĩ ngợi gì, nhưng khi chị đột ngột có việc phải đi xa cả tháng, anh ở nhà tự dưng quay quắt nhớ, mới hay tình yêu “đã gõ cửa tự bao giờ”.

 

Nhưng chị là nữ sinh Gia Long danh giá, còn anh thân phận kép hát nên mỗi lần đưa đón người yêu phải dừng xe chờ ở những ngõ vắng cách xa cổng trường. Vậy nên mới có chuyện 30 năm sau, đến xem ngôi nhà người ta giới thiệu bán, chị tình cờ phát hiện đó là một trong những ngõ vắng mà ngày xưa “em tan trường về, anh theo...”, thế là chị quyết định mua ngay.

 

Ngôi biệt thự Lưu Nguyễn sang trọng này đã được xây lên trên nền móng của một tình yêu đằm thắm, thủy chung, tươi xanh suốt chiều dài của đời người nên luôn tràn đầy hơi ấm hạnh phúc. Không dễ mấy ai có được cùng lúc những hoa trái ngọt ngào từ sàn diễn ra tới cuộc đời như anh.

 

Theo TT/Netmode

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm