NSND Rơ Chăm Phiang: Ước nguyện được làm một liveshow kỷ niệm 40 năm ca hát
(Dân trí) - Vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, ca sỹ Rơ Chăm Phiang – con chim sơn ca của đại ngàn Tây Nguyên chia sẻ, chị muốn thực hiện một liveshow đánh dấu sự nghiệp ca hát của mình sau 40 năm đi hát.
Cảm xúc của chị như thế nào khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu NDND?
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn lâng lâng cảm giác hạnh phúc và sung sướng. Đối với những người làm nghệ thuật chân chính như chúng tôi, NSND là danh hiệu cao quý nhất mà Nhà nước tặng cho Nghệ sỹ, nó không chỉ là sự đánh giá, ghi nhận của Nhà nước đối với các nghệ sỹ mà nó còn là động lực mạnh mẽ để giúp chúng tôi có thêm niềm đam mê cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.
Đã 40 năm ca hát với rất nhiều thành tích và là một trong những giọng opera hiếm có của Việt Nam, có đóng góp nhiều cho nền nghệ thuật và giáo dục nước nhà, nhưng tận bây giờ chị mới được phong tặng danh hiệu NSND, theo chị lý do vì sao mà chị phải chờ lâu như vậy?
Khi tôi được danh hiệu NSND, rất nhiều bạn bè của tôi bảo, “lẽ ra Phiang phải được NSND từ lâu rồi ấy chứ”, điều đó làm tôi vui vì đấy chính là sự công nhận của đồng nghiệp. Trong nghề này, được sự đánh giá và ghi nhận của đồng nghiệp là một trong những yếu tố rất quan trọng khẳng định giá trị chuyên môn của mình, bên cạnh đánh giá từ điểm số trong trường lớp và sự hâm mộ, yêu thương của khán giả.
Những mùa trước, khi thấy mình chưa được phong danh hiệu, tôi cũng không buồn đâu, tôi vẫn có một niềm tin rằng, rồi sẽ đến một ngày, những cống hiến của mình sẽ được Nhà nước công nhận và phong tặng danh hiệu NSND, tôi nghĩ có nhiều ca sỹ đàn anh, đàn chị xứng đáng hơn tôi, họ cần được Nhà nước vinh danh trước, sau đó mới đến lượt mình. Thế nên năm nay tôi được danh hiệu này, tôi cảm thấy thật xúc động và hãnh diện.
Mong muốn của bà là sớm thực hiện một đêm nhạc riêng.
Là một người con dân tộc Gia-rai, chị muốn nhắn nhủ gì tới những người bà con dân tộc mình?
Tôi biết ơn mảnh đất đã sinh ra tôi, và tôi tự hào là một người con Gia-rai. Những người con dân tộc Gia-rai dù ở những vùng cao nguyên đại ngàn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng họ đã sống và sẽ tiếp tục sống cống hiến dù ở bất kỳ lĩnh vực gì. Sự chân thành, chịu thương chịu khó và sức mạnh như những con chim Kơ’ Tia của những người con dân tộc Gia-rai sẽ luôn tạo nên những thành công trong cuộc sống.
Tôi biết, những lớp đàn em, con cháu của tôi – những người con dân tộc Gia-rai khi theo nghiệp ca hát cũng sẽ tự hào về tôi, một con chim của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên đã bay ra khỏi buôn làng mang nhiều niềm vui đến cho mọi người và lan toả tình yêu quê hương đất nước qua những bài hát mà tôi đã hát. Tôi muốn các em thế hệ sau mình cũng sẽ tiếp nối truyền thống của những người con Gia-rai đi trước, làm vẻ vang cho buôn làng cũng như vùng Tây nguyên quê tôi.
Nhìn lại 40 năm ca hát, chị thấy mình được và mất những gì?
Tôi thấy cái được lớn nhất là danh hiệu NSND mà Nhà nước vừa phong tặng, đó là sự ghi nhận cả quá trình hoạt động nghệ thuật 40 năm của tôi. Ngoài ca hát, tôi còn tham gia giảng dạy và đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh. Cái được của nghề hát thì rất nhiều, đó là mình được thoả mãn niềm đam mê âm nhạc, được đứng trên sân khấu để thăng hoa với những cảm xúc tuyệt vời của người nghệ sỹ, được khán giả yêu thương và ủng hộ trong suốt mấy chục năm qua, được sống bằng những đồng tiền lương thiện từ nghề hát, dù không giàu nhưng đủ làm cho tôi thấy hài lòng và hạnh phúc.
Còn nghề hát, thì cũng có những mất mát như các nghề khác, nhưng tôi thấy cái được nhiều hơn và lúc nào cũng tự hào mình là một nghệ sỹ và nếu có kiếp sau thì tôi vẫn muốn được trở thành người nghệ sỹ như kiếp này tôi đã may mắn được Tổ nghề chọn.
Nữ ca sỹ nói: "Tôi biết ơn mảnh đất đã sinh ra tôi, và tôi tự hào là một người con Gia-rai".
Hiện nay có rất ít ca sỹ đi theo dòng nhạc thính phòng cổ điển, theo chị nguyên nhân là do đâu?
Nghề hát đúng là rất vinh quang nhưng cũng đầy gian khó, đúng với câu này nhất có lẽ chính là những nghệ sỹ theo dòng nhạc thính phòng cổ điển. Để hát được “ra chất” opera, một ca sỹ phải mất chục năm học tập trở lên, mà phải học liên tục, học miệt mài.
Sau khi thành danh, ca sỹ dòng nhạc opera cũng không có mức cát xê cao như nhiều ngôi sao nhạc pop hiện nay, thế nên rất ít ca sỹ theo đuổi dòng nhạc này. Học thì vất vả, khó khăn gian khổ mà sau này đi hát lại thu nhập thấp nên các bạn trẻ bây giờ đa số chạy theo dòng nhạc giải trí, thời trang cũng là điều dễ hiểu. Thế nên tôi rất trân trọng những ca sỹ trẻ ngày nay vẫn dám dân thân vào con đường cổ điển thính phòng, họ chính là những người thực sự sống vì đam mê âm nhạc và là thế hệ tiếp nối những người đi trước như chúng tôi.
Rất nhiều nghệ sỹ liên tục làm liveshow, còn chị, sau khi được phong tặng danh hiệu NSND, chị có muốn thực hiện liveshow cho riêng mình?
Đúng là sau khi nhận được danh hiệu NSND, tôi cũng muốn được làm một liveshow kỷ niệm cuộc đời 40 năm ca hát của mình. Tôi cũng mới nảy sinh ra ý nghĩ này và đang lên kế hoạch. Tuy nhiên tôi là người ít mối quan hệ thành ra cũng tương đối khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ để thực hiện liveshow. Thế nhưng tôi cũng sẽ cố gắng để thực hiện được liveshow riêng kỷ niệm cuộc đời ca hát đầy thăng trầm nhưng cũng rất vinh quang của mình. Tôi chỉ mong khán giả vẫn tiếp tục ủng hộ và thương mến tôi, như tình cảm mà suốt mấy chục năm họ đã dành cho tôi.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Hà Thanh