NS Trần Tiến: Chẳng là cái đinh gì, nhưng là... Đinh Hợi!

Mỗi ca khúc của Trần Tiến đều sinh ra để chia sẻ với mảnh đời bần hàn, bất hạnh nào đó. Vì thế, ai nghe hát cũng nao lòng.

Cổ của Trần Tiến rõ to. Cánh bạn nhậu của Trần Tiến bảo, to thế vì nó chứa chình ình một cái bịch... nhạc. Chả vậy, chỉ cần một ly "dzô" với bất cứ ai, lập tức từ đó phóng ra lời hát đại loại: "Rau răm ở lại, rau cải về trời, ứ ư...".

1. Tôi chơi với nhiều nhạc sĩ, già có, nhỡ có, danh tiếng có, ti toe có, nhưng chưa có ai ngẫu hứng nhạc lanh lẹ như Trần Tiến. Ngay như Trịnh Công Sơn, một sáng xuân lâu lắm rồi ở quán "Không thời gian" - cách mà Trịnh Công Sơn gọi quán cà phê ở Hội Âm nhạc TPHCM - tôi bảo Trịnh Công Sơn ngẫu hứng tức thì lời hát nào đó nói về tâm trạng của mình. Trịnh Công Sơn phải đắn đo một téo rồi mới hát: "Mùa xuân ơi, mùa xuân ơi hãy đi qua cuộc đời tôi, cuộc đời tôi, nhưng xin đừng để lại vết nào".

Còn Trần Tiến í a? Một chiếc đũa gõ, tức thì có ngay những: "... Biết bao người mang tên loài hoa, đã đi qua, đi qua đời ta để lại hương thầm nhớ...", "Đừng tin những người không còn tình yêu...".

Trịnh Công Sơn hứng xong rồi bỏ đó, thậm chí quên bẵng đi. Trần Tiến kềnh càng thân, tưởng tồ tồ ấy vậy mà chả bao giờ để rớt dù là chút hứng nào. Găm ngay! Về nhà ngồi bên đàn triển khai ngay. Biết bao bài hát của Trần Tiến ra đời theo kiểu như thế.

2. Ai hỏi tuổi, Trần Tiến thường ha hả cười: "Tuổi ư? Chả là cái đinh gì nhưng là Đinh Hợi". Đinh Hợi trước, khi cậu bé Trần Tiến oe oe cái giọng khóc rõ to chào đời, với Đinh Hợi này vừa tròn 5 vòng quay 12 con Giáp, "khớp con ngựa, ngựa ô"... 60 năm.

Rõ khó tin Trần Tiến đã bước vào cái tuổi được các cụ gọi là... "hưởng thọ". Trần Tiến bảo: "Hà Nội mà còn tàu điện leng keng, tớ lên tàu ối cô gái đứng dậy nhường chỗ: "Mời ông ngồi ạ", Bố tiên sư! Ha ha ha...", Trần Tiến cười sảng khoái.

Ai lẩu lâu chơi với Trần Tiến đều biết tiếng chửi và tiếng cười ấy đồng nghĩa với những lời loạn xạ sau đây: "Ông hả? Cứ thử xem, ông còn yêu được các em đấy!". Nhưng 60 tuổi, chả ai, dù vô tư lắm, không giật mình dù là len lén bước vào cái tuổi ấy.

Trần Hiếu vỗ vai cậu em: "Nhất định chú phải làm một show hoành tráng kỷ niệm tuổi 60!". Cô cháu Trần Thu Hà lấy ngón tay quệt hàng ria của Trần Tiến: "Phải!".

3. Còn cô giáo Bích Ngà, người hơn 30 năm vui buồn cùng gã "chả là cái đinh gì nhưng là Đinh Hợi", thì sao?

Tôi nhớ lần Trần Tiến bị các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM vạch bụng ra cắt ruột. Tôi tới thăm, Trần Tiến nằm bệt trên giường vẫn cười toét, chuyện tếu với cô bác sĩ xinh đẹp. Trong khi đó, cô giáo Bích Ngà rơm rớm nước mắt.

Tôi chả biết ai trên cõi đời này có thể chịu đựng và thương yêu Trần Tiến như cô giáo Bích Ngà ấy. Tôi nói "chịu đựng" với đúng nghĩa của nó. Và tôi biết chắc rằng, lúc này, bên ly rượu cùng Trần Tiến, thay vì gõ đũa, Trần Tiến sẽ gõ ngón tay luôn vàng xỉn vì thuốc lá mà hát rằng: "Bao nhiêu nhẫn chịu em đựng ở đâu? Ở đâu? Ở đâu? Í a, mà em í a...".

Đọc đến chỗ tôi phịa y như Trần Tiến này, thể nào Trần Tiến cũng bảo: "Thằng này chỉ được cái... đểu". Với bạn bè, Trần Tiến nói "đểu" tức là "được" đấy.

Và với đúng bản tính của người nhẫn nhịn và yêu thương Trần Tiến nhất, chắc chắn cô giáo Bích Ngà sẽ bảo: "Anh Tiến nhà em cứ làm gì mà anh Tiến nhà em thích, có điều là phải cấm tiệt uống rượu".

4. Tôi không phải là dân uống rượu, nhưng lần đầu uống với Trần Tiến là tại nhà của một người bạn Nga trên đường Gorki, trung tâm Moscow. Trần Tiến đãi tôi món thịt bò tái bằng... chanh.

Ngon tuyệt, thịt bò tái chanh lần đầu tôi được ăn, rượu vodka thì cháy đến khè lưỡi. Trần Tiến lim dim đôi mắt, khểnh môi lên đưa ly vodka cối từ từ "tuôn" vào. Khi rượu bọc vào cái bịch nhạc ở cần cổ, Trần Tiến  mới khè một cái dễ ghét, ria mép nhếch cùng cái cười lãng tử và đôi mắt "chim én bay qua bầu trời...". Cứ nhìn cái điệu bộ rượu và hát ấy thấy mà... ngon.

Trần Tiến rủ tôi đến với những công nhân Việt Nam lao động kiếm sống ở Moscow. Cả hội thợ trai, gái ấy mê Trần Tiến, đòi cụng với Trần Tiến cho đến lúc Trần Tiến bảo: "Em nào muốn anh hát một bài phải chụt một cái vào má anh".

Có thợ gái vì si mê những ca khúc của Trần Tiến mà để cặp môi hơi lấn chỗ hàng ria mép. Trần Tiến ré lên: "Riêng em được nghe hai bài". Đùa vậy thôi chứ đâu phải vì những cái hôn mà Trần Tiến hát. Sau đêm hát đến 20 bài rã cả cổ, giữa trời tuyết xứ Nga lạnh cong, co ro về chỗ nghỉ, Trần Tiến rơm rớm nước mắt bảo tôi: "Thương bọn trẻ dân mình quá, vì miếng ăn phải tha phương".

5. Tôi biết Trần Tiến với ai đó có thể có góc nhìn khác, hẹp hơn, ti hí mắt lươn hơn. Nhưng với tôi, đã nhiều lần chứng kiến Trần Tiến có thể so đo, khó tính, khó chịu ở cửa "lụa là" chứ ở cửa "đồng hoang dân dã", Trần Tiến hát bất vụ lợi, chơi hết mình.

Có lần, chúng tôi cùng đi chơi Tam Động, Ninh Bình. Thuyền vừa chui qua Hang Luồn, cái mặt Trần Tiến chình ình trước dân chúng, có những tiếng reo: "Ối Trần Tiến". Một cô chèo thuyền áo gụ bảo: "Anh Trần Tiến đẹp giai ơi, hát đi!".

Thế là Trần Tiến hát, các thuyền tấp lại cùng thuyền của chúng tôi để được nghe Trần Tiến hát. Tay gõ mạn thuyền làm nhịp, có lúc hứng lên Trần Tiến vục tay xuống nước tinh nghịch búng những giọt nước vào mấy em có vẻ si mê ngắm nhìn điều bộ gã nhạc sĩ hát chứ không để ý lắm đến tiếng hát.

6. Tôi đã từng nghe một số ca sĩ lừng danh hát nhạc của Trần Tiến, nhưng theo tôi, không ai hát nhạc Trần Tiến hay bằng chính... Trần Tiến.

Ngay Trần Hiếu yêu và hiểu Trần Tiến thế mà hát nhạc Trần Tiến cũng chỉ lột tả được cái phần dí dỏm, tinh nghịch và chiều sâu thân phận. Ngay Trần Thu Hà ngưỡng mộ và hết mình với Trần Tiến thế cũng chỉ thành công ở chất dữ dội đam mê nhân thế trong nhạc Trần Tiến.

Vâng, chỉ Trần Tiến mới dám đầy mình và đứa con tinh thần của mình đến đáy của đời, của sự ỡm ờ nội cảnh, của cả những gì tếu táo được vắt ra từ muôn cửa tò vò chua cay. Và chính Trần Tiến hát nhạc của mình mới có thể đưa nhạc của mình đến cõi riêng cá tính - một thứ cực hiếm trong làng âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Các ca khúc của Trần Tiến hầu như đều sinh ra để chia sẻ với mảnh đời bần hàn, bất hạnh nào đó. Nghe Trần Tiến hát "lũ sói con của tôi bơ vơ không cửa không nhà", nghe Trần Tiến hát về những dấu chân tròn trên cát, về người đồng đội nhắm mắt chưa một lần yêu... ai mà không thấy nao nao cõi lòng.

7. Ở khía cạnh âm nhạc thức tỉnh sự vô cảm, có lẽ Trần Tiến là nhạc sĩ luôn ở hàng tiên phong, 60 năm cuộc đời, Trần Tiến không có nhã ý ngồi rung đùi tổng kết, nhưng những gì hiển hiện thì cứ hiển hiện.

Gặp nhau, Trần Tiến vẫn luôn ấp ủ với tôi một chuyến du ca xuyên Việt mới mà tôi sẽ là người mau miệng đưa đẩy chương trình. Nhưng lần lữa thời gian trôi vèo, cái Đinh Hợi tới rồi, Trần Tiến và tôi vẫn chưa làm được chuyến du ca xuyên Việt đã ước hẹn trước.

Có lẽ Trần Tiến đang "âm mưu" một cái gì đó cho ra trò ở chính cái tuổi 60.

Gần đây, Trần Tiến rêu rao: "Tôi như con ve sầu đã hát ca hết mùa hè của mình rồi, thời này là của bọn trẻ, họ có cách làm hợp với thời của họ". Vế sau thì đúng, nhưng vế trước thì... xạo. Nếu ai lúc này gặp Trần Tiến thì khó mà tin rằng Trần Tiến đang thu cái thân cồ cộ của mình chỉ để rung những tiếng ò e cuối mùa được.

Và khi Trần Tiến ngẫu hứng gõ ngón tay xuống bàn và hát thì... giời ạ, xạo hết chỗ nói cái chuyện con vẻ con ve kia. Chả thế mà Bài hát Việt 2005 cần ai đó vào cuộc làm "mồi", Trần Tiến có ngay Mưa bay tháp cổ, Tùng Dương quặn hết cả mình mới hát được cái thần thái của thần linh.

Im ỉm vậy đấy, tôi tin Trần Tiến đang "âm mưu" một cái gì đó cho ra trò ở chính cái tuổi 60 này "cho các cậu biết mặt". Để như kiểu nói xưa nay của Trần Tiến "tớ chơi ấy mà".

"Chẳng là cái đinh gì". Gớm, nghe khiêm nhường nhỉ? Nhưng là "Đinh Hợi" mà Đinh Hợi mệnh phát tiết tài hoa, rõ kiêu! Không phải Trần Tiến. Nào! Hãy chờ đấy!

Theo Lưu Trọng Văn
Thế giới Văn hóa