Những chuyện chưa kể về Hương "tươi"

Hơn chồng đến 9 tuổi, nhưng nhìn Thu Hương bên cạnh đấng lang quân rất vừa lứa xứng đôi. Hoàng Trung - chồng chị từng là diễn viên cùng Nhà hát Tuổi Trẻ - nhưng hiện đầu quân Nhà hát kịch Hà Nội.

Thu Hương luôn tâm niệm: “Khán giả quen với sự xuất hiện của tôi trên truyền hình quá nhiều. Họ ít có điều kiện đến nhà hát nên khi nhìn thấy tôi là họ nghĩ tôi có khiếu hài. Còn cho đến bây giờ, chưa khi nào tôi nghĩ mình là một danh hài”.

Sở trường của Thu Hương không phải diễn hài. Những ai từng đến xem kịch tại Nhà hát Tuổi Trẻ, sẽ thấy một Thu Hương hoàn toàn khác với những gì trên màn hình của chương trình Gặp nhau cuối tuần. Thường khi đó, chị diễn bi nhiều hơn. Trong phần lớn các vở hài của Nhà hát, Thu Hương tham gia với vai trò là người dẫn chương trình.

Bất kể nhận vai diễn nào, Thu Hương luôn làm hết sức mình. Chị tự tin nói: “Nếu nói toại nguyện 100% với các vai diễn thì không hẳn, nhưng tôi tự tin đạt đến con số 90% khi xây dựng hình tượng nhân vật theo yêu cầu của đạo diễn. Còn 10% dành cho sự cảm nhận của khán giả”.

Diễn viên là nghề “làm dâu trăm họ”. Nhiều khán giả quen với hình ảnh rất đỏng đảnh, chanh chua của Hương “Tươi” với những vai hài, nên rất khó tin khi chị vào vai một người phụ nữ nghèo khổ, bất hạnh trên sân khấu. Lúc này Thu Hương đành “lực bất tòng tâm”, mặc dù chị có thể vào vai bi rất “ngọt”.

Một trong những thế mạnh của diễn viên sân khấu là giọng nói. Thu Hương may mắn được sở hữu đài từ đanh, tròn và rõ nghĩa. Khi diễn hài kịch, giọng Hương "Tươi" lanh lảnh là thế, nhưng khi sang chính kịch chị lại rất thủ thỉ.

Cá tính mạnh mẽ

Ngoài năng khiếu “trời cho”, thành công của Thu Hương ngày hôm nay đều nhờ vào sự cần cù và chịu khó học hỏi. Là người cá tính nên hầu hết các vai diễn chính kịch của chị hiếm khi ủy mị, sướt mướt. Nói như vậy không có nghĩa Thu Hương là người lập dị. Đơn giản chị "muốn điều gì thì phải làm bằng được, và nói không nếu quá sức mà không cảm thấy xấu hổ".

Đứng trên sân khấu nhưng “cái tôi” của Thu Hương thể hiện rất rõ. Chị vẫn nói vui: “Vai diễn nào của tôi có đau khổ, khóc lóc đến mấy trong đó vẫn phải có tính cách, vẫn ngông và phải là của riêng”. Khán giả có thể thương cho vai diễn của Thu Hương, nhưng đồng thời họ phải thấy được sự mãnh liệt bên trong nhân vật. Đó chính là cái đích mà Thu Hương luôn vươn tới trong các vai diễn. Mỗi nhân vật chị xây dựng bao giờ cũng nhận được đồng quan điểm từ đạo diễn.

Gia đình là nền tảng vững chắc

Trút bỏ những vai diễn, Thu Hương trở về với cuộc sống đời thường trong vai trò là người phụ nữ của gia đình, cá tính nhưng có khuôn phép. Với chị, gia đình luôn là số một, nền tảng vững chắc để có được thành công ngày hôm nay.

Bận bịu đến mấy, nhưng chị luôn thu xếp thời gian để quán xuyến công việc nhà. Phương châm của Thu Hương: “con cái trên hết”. Thế nên khi con gái hơn hai tuổi, chị mới cai sữa. Đến nỗi, khi vào bệnh viện, các bác sĩ luôn hỏi: “Mẹ là diễn viên, không sợ xấu hay sao mà giờ mới cai sữa cho con”.

Là gương mặt của làng hài Việt Nam, Hương "Tươi" nhận được rất nhiều lời mời từ các bầu sô, nhưng chị luôn từ chối bởi “tiền cũng cần nhưng con mình không phải lúc nào cũng ở độ tuổi 1-2 như lúc này để được chăm bẵm”. Chính vì vậy, trừ công việc của Nhà hát phải đi diễn xa, còn lại không bao giờ chị bỏ con đi diễn nhiều ngày.

Gạt công việc sang một bên, với Thu Hương, bữa cơm gia đình phải luôn đảm bảo. Chị vẫn luôn tự vào bếp và chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà. Hôm nào đi diễn cả ngày, chị lại lọ mọ thức đêm làm đồ ăn trước cho ông ngoại và cô con gái rượu.

Những khi không phải đi diễn, chị có thể chơi với con gái cả ngày, nào là cho ăn, kể chuyện, đọc thơ... Lúc nào Thu Hương cũng cảm thấy “đói” chơi với con. Trong cách giáo dục con cái, chị luôn chọn sự phát triển tự nhiên, để con tự làm quen với mọi thứ.

Mẹ là người luôn theo sát bên tôi

Mẹ Thu Hương mất khi còn rất trẻ, do bị tụ máu não. Những kỷ niệm về mẹ luôn ấm áp trong lòng chị. Mẹ bao giờ cũng là khán giả và là người kiểm tra lời thoại đầu tiên cho chị khi chị tập bài ở nhà. Chị vẫn còn nhớ như in hồi học trong trường, đến năm thứ hai mà mẹ vẫn đứng ngoài cửa chăm chú theo dõi con gái học hành ra sao.

Cái giường chính là sân khấu của hai mẹ con Thu Hương. Mẹ dạy chị cách soi gương để nhìn mình diễn xem tốt chưa. Răng Hương vốn thưa nên mẹ khuyên rằng “khi diễn không được cười”, và cả ngày hôm đó, cô con gái chỉ ngồi tập cười trước mẹ.

Hầu hết nhược điểm của Thu Hương đều được mẹ uốn nắn đến nơi đến chốn. Có một lần, nghe mọi người nói làm mũi sẽ xinh, chị xin mẹ đi mỹ viện. Nhưng một lần nữa, mẹ lại cho Hương một lời động viên: “Con nhầm đấy. Cái mũi của con càng xấu lại càng duyên”.

Sức mạnh tình yêu

Hương "Tươi" không hề đặt ra một mẫu đàn ông để lựa chọn. Chị đến với Hoàng Trung bởi trong cảm nhận của chị, anh là một người hiền lành và trung thực. Với chị, cuộc sống gia đình rất đơn giản, chỉ cần có một người chồng, người cha biết yêu vợ, yêu con là hạnh phúc.

Hồi đang yêu, 5h chiều tan làm hai đứa rủ nhau đi ăn ốc, nhưng Thu Hương nổi hứng muốn xuống Hải Phòng ăn bánh đa cua, Hoàng Trung phóng xe chở chị đi ngay. Cả đi cả về hết sáu tiếng đồng hồ cho hai bát bánh đa cua, thế mới thấy sức mạnh của tình yêu mãnh liệt như thế nào.

Khán giả biết nhiều tới Thu Hương hơn Hoàng Trung. "Nhưng anh ấy không bao giờ nghĩ vợ hơn mình, thậm chí còn hãnh diện vì vợ", chị tâm sự, và đó cũng là điểm mà chị yêu chồng hơn cả.

Một gia đình hạnh phúc bên người cha già, bên người chồng luôn tràn ngập tình yêu và "công chúa" bốn tuổi, giờ này, Hương "Tươi" đang chờ đợi sự xuất hiện của một thành viên nhỏ tuổi nữa.

Theo Thế Giới Điện Ảnh