1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhiều hoạt động ý nghĩa trong Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam"

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 2022 sẽ có sự tham gia của khoảng 200 đồng bào với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" là các hoạt động thiết thực chào mừng Ngày truyền thống - Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11). 

Sự kiện nhằm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững đất nước. Tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhiều hoạt động ý nghĩa trong Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam - 1

Tái hiện tục lệ cưới truyền thống của người Ba Na tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Ba Vì, Hà Nội) (Ảnh: Hữu Nghị).

Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" 2022 sẽ có sự tham gia của khoảng 200 đồng bào, trong đó hơn 100 đồng bào các dân tộc là đại diện các gia đình, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, trí thức, con em của 15 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng và 90 đồng bào là các cộng đồng tham gia hoạt động sự kiện thuộc dân tộc Chăm Islam (tỉnh An Giang); dân tộc Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk); Dân tộc Gia Rai tỉnh Gia Lai…

Trong khuôn khổ chương trình sẽ có nhiều sự kiện độc đáo, tái hiện, giới thiệu các hoạt động của đồng bào dân tộc tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đến với du khách trong nước và quốc tế.

Từ ngày 18/11, nhiều chương trình văn nghệ các dân tộc, biểu diễn dân ca, dân vũ, thể thao và một số hoạt động khác được tổ chức tại Không gian các làng dân tộc I, II, III. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2022 và "Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022", diễn ra lúc 20 giờ ngày 18/11 tại Sân khấu Nổi, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Trong 2 ngày cuối tuần là 19 - 20/11 sẽ diễn ra các chương trình giao lưu giữa các dân tộc như: Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nam bộ, Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc.

Dịp này, một số lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc trên cả nước sẽ được giới thiệu, như: Lễ kết nghĩa mẹ con của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk (sáng 19/11), nghi thức đặt tên của dân tộc Chăm tỉnh An Giang (chiều 19/11), lễ hội cầu ngư Phú Yên (sáng 20/11), nghi lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai (chiều ngày 20/11)…

Trong khuôn khổ Tuần Đại đoàn kết còn có hội nghị Gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía bắc; Hội thảo "Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay"; Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng và Trình diễn thêu, dệt thủ công trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía bắc; Giải vô địch Anh tài Vật dân tộc quốc gia năm 2022; Tái hiện không gian chợ phiên vùng núi phía Bắc;…