Nhạc sĩ Xuân Phương nhớ về một thời...

“Đến giờ, tôi vẫn cứ tiếc cặp đôi Bằng Kiều - Mỹ Linh. Ngày ấy, hai người thường đèo nhau đi biểu diễn bằng xe Chaly, thỉnh thoảng hỏng phải nhảy xuống đẩy đến tội nghiệp. Với tôi, có lẽ đó là hai giọng ca hàng đầu VN”, nhạc sĩ Xuân Phương tâm sự.

"Mong ước kỷ niệm xưa", một trong những sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Xuân Phương, được Tam ca 3A thể hiện trong bộ phim "Xin hãy tin em". Vậy khi đưa bài hát này vào phim, anh có dự đoán gì về tương lai của nó?

 

Tôi không kỳ vọng quá nhiều, bởi trước đây, nhạc phim hiếm khi thoát khỏi đời sống điện ảnh để đi vào quỹ đạo sân khấu âm nhạc. Hơn nữa tôi thực hiện tác phẩm này chỉ với mục đích giúp cậu bạn của tôi là đạo diễn Đỗ Thanh Hải, cũng đang chịu sức ép trước bộ phim đầu tay Xin hãy tin em. Tôi và Hải là bạn thân thiết tính đến nay đã hơn 10 năm, hai đứa gặp nhau ở trung tâm ngoại ngữ. Khi ấy, tôi còn chưa tốt nghiệp Nhạc viện, còn Hải thì mới bước vào năm thứ nhất ĐH Sân khấu - Điện ảnh, thế mà cậu ta đã nói như đinh đóng cột: "Mai sau cậu sẽ viết nhạc cho các bộ phim mà tớ đạo diễn". Tôi không nghi ngờ vào khả năng của Thanh Hải, nhưng tôi cũng không dám chắc về điều này. Còn bây giờ thì tôi đã viết nhạc cho Của để dành với ca khúc Lời ru cho con, Phía trước là bầu trời với Lời chưa nói.

 

Những bài hát của anh thường kén ca sĩ, tại sao vậy?

 

Khi sáng tác, tôi đã hình dung giọng ca nào sẽ trình bày. Điều này có lợi thế là tôi khai thác được thế mạnh dòng nhạc, âm vực của ca sĩ, nhưng hạn chế là bài hát khó có cơ hội được phổ cập rộng rãi. Trong trường hợp ngược lại, để ca khúc được phổ biến rộng rãi thì tính đặc sắc sẽ ít đi. Tôi cũng thích danh tiếng, nhưng với tôi, làm sao để người nghe cảm thấy yêu mến lâu dài là cái đích nhắm đến trước nhất.

 

Viết nhạc cho phim truyền hình như vậy, cát-xê của anh như thế nào?

 

Giá "niêm yết" cho nhạc phim truyền hình là 1 triệu đồng/tập. Phim nào dài thì đạo diễn phóng tay nhờ sáng tác ca khúc riêng, nhưng trên lý thuyết sẽ không có cát-xê cho bài hát. Đạo diễn thương tình thì bớt chỗ này bù chỗ kia, để bồi dưỡng cho nhạc sĩ thôi.

 

Sáng tác nhiều và có duyên như vậy, sao anh lại chọn làm giáo viên Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội?

 

Trong thời gian học ở Nhạc viện, tôi đã nhiều lần đi biểu diễn cùng Đoàn ca múa Nhạc nhẹ trung ương ở các nước như Nga, Trung Quốc, Thuỵ Điển… Với bản tính phiêu lưu của một chàng trai phải mài đũng quần 18 năm ở Nhạc viện Hà Nội, hết học piano rồi đến sáng tác, tôi rất muốn được đi đây đi đó. Nhưng bố mẹ muốn tôi công tác trong môi trường sư phạm thì tôi chiều lòng các cụ vậy. Tôi vẫn thường nhớ lại cái thời tuổi trẻ sôi nổi khi cùng đi hát với ban nhạc Chìa Khoá Vàng, trong đó có Bằng Kiều, Mỹ Linh, Ngọc Anh...

 

Thời ấy, ban nhạc của anh thường biểu diễn ở đâu?

 

Tụ điểm chính là quán Mái Lá, rồi khách sạn Metropole, vất vả nhưng mà vui lắm. Đến cuối tháng lĩnh cát-xê, cả bọn châu đầu vào nhau chia chác từng đồng một, sòng phẳng đến không ngờ. Có lần, cạn vốn, chẳng biết hát bài gì, Bằng Kiều bảo để hắn hát thử một bản nhạc Tàu. Chẳng hiểu nhạc Tàu của cậu ta kiểu gì mà có cả tôm hùm, xì dầu, khiến cánh nhạc công chúng tôi cười ngất ngư. Được cái khách toàn Tây, nằm ngênh ngang ở bể bơi, chẳng cần biết lời Tàu là thế nào. Đến giờ, tôi vẫn cứ tiếc cặp đôi Bằng Kiều - Mỹ Linh. Ngày ấy, hai người thường đèo nhau đi biểu diễn bằng xe Chaly, thỉnh thoảng hỏng phải nhảy xuống đẩy đến tội nghiệp. Với tôi, có lẽ đó là hai giọng ca hàng đầu VN.

 

Hiện tại anh đang có dự án gì?

 

Tôi cùng 7 nhạc sĩ nữa thành lập nhóm Âu Cơ Music, với mục đích giúp đỡ các bạn trẻ tìm hiểu về nền âm nhạc VN. Ngoài ra, đây cũng là nơi chào hàng các ca khúc chúng tôi sáng tác. Tôi phụ trách phần Forum của web aucomusic.com, tất bật lắm bởi các bạn hỏi về đủ thứ chuyên môn, nhưng cũng rất vui vì thấy là các bạn trẻ rất quan tâm đến âm nhạc.

 

Theo Bạch Kim

Ngôi Sao

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm