Nhạc sĩ Dương Thụ mơ được yêu thương
"Tôi không lãng mạn như mọi người tưởng. Những bài hát của tôi chỉ là những giấc mơ. Tôi mơ được yêu thương, được dịu dàng. Nếu ta có thì mơ làm gì nữa", tác giả của những bản tình ca lãng mạn - nhạc sĩ Dương Thụ tâm sự.
Anh từng hình dung “con đường âm nhạc” của mình thế nào?
Đây là một điều mới mẻ. Tôi làm nghề, nếu có dự định làm show cho riêng mình thì cũng chỉ là tuyển chọn những bài hát đã được thu âm, theo một chủ đề nào đó. Con đường âm nhạc là một tổng kết nghiêm túc, quả thực tôi chưa nghĩ đến, nên khi được đề nghị tôi thấy tốt nhất hãy nhường quyền chủ động cho nhóm làm chương trình, tôi chỉ đóng vai trò “chất liệu” thôi. Dĩ nhiên tôi có quyền bằng lòng và không bằng lòng, nhưng quyền đó được sử dụng một cách hạn chế để không làm hỏng ý đồ của họ.
Nhưng chắc anh cũng sẽ mang đến cho khán giả một cái nhìn về con đường của mình. Đâu là điểm đặc biệt của "Im lặng"?
Không phải là tôi mà là nhóm làm chương trình sẽ mang đến cho khán giả một cái nhìn về con đường của tôi như thế nào. Còn đâu là điểm đặc biệt của “im lặng” thì phải hỏi đạo diễn. Những ý tưởng là của anh ấy.
Từng tốt nghiệp khoa văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, con đường nào đã đưa anh đến với âm nhạc, với những ca khúc rất tình và nồng nàn?
Tôi và Phó Đức Phương cùng vào Đại học Sư phạm. Anh ấy bỏ trường đi làm công nhân rồi từ đó đi học nhạc nên thuận lợi. Tôi muốn hoàn thiện học vấn nên gặp nhiều khó khăn, những khó khăn do lúc ấy ít tuổi đã không thể lường trước. Thực ra bọn tôi say mê âm nhạc từ lúc còn học phổ thông và có chung giấc mơ viết lách. Con đường âm nhạc được vạch ra từ đầu. Còn viết như thế nào là do nội tâm mình thôi.
Trong rất nhiều sáng tác của nhạc sĩ Huy Tuấn, Anh Quân, anh đã đóng góp một phần quan trọng với vai trò "phù thủy ngôn ngữ". Động lực nào đã khiến anh đảm nhận vị trí này?
Việc viết lời cho ai đó chỉ đơn thuần là sự giúp đỡ. Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung và một vài người nữa là những nhạc sĩ có tài, nhưng họ chưa chú ý lắm về phần lời. Quý họ, tôi giúp. Bây giờ họ đã nổi tiếng, đã trưởng thành nhiều không biết có còn cần đến tôi nữa không. Vì là giúp đỡ nên tôi cũng không đòi hỏi quyền đồng tác giả. Có khá nhiều bài nổi tiếng khi giới thiệu đều nói là sáng tác của nhạc sĩ A, B gì đó mà không nói lời của tôi, tôi cũng chẳng để ý làm gì. Tôi viết lời rất nhanh, dễ dàng và có thể cũng chưa hay lắm, vì thế nên chẳng bận tâm về điều này. Có gì ghê gớm đâu để mà nói đến động lực, đến “phù thuỷ ngôn ngữ”.
Tên tuổi của anh gắn với nhiều ngôi sao, như Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà và gần đây nhất là Khánh Linh. Ba cái tên trước đều đã thành danh, còn với Khánh Linh, anh đánh giá thế nào về giọng hát của cô ấy?
Người gắn với nhạc của tôi nhất là Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh. Trần Thu Hà thì lúc đầu, và tất cả họ đã là "sao". Còn Khánh Linh là một giọng hát có tiềm năng, trở thành sao hay không phụ thuộc vào chính cô ấy.
Gần đây nhất, anh có “dự án” khá hứng thú với nhạc cổ điển qua album “Chat với Mozart” của Mỹ Linh. Anh bắt đầu ý tưởng của mình như thế nào?
Nhạc cổ điển là tài sản vô giá của nhân loại, chúng ta cần phải sở hữu nó. Nhưng chuyện này không dễ. Chat với Mozart giúp giới trẻ “trò chuyện” với nhạc cổ điển, để làm quen với dòng nhạc này. Tôi nhớ lại những giai điệu mình thuộc thời còn trẻ có tham khảo ý kiến của Anh Quân, Huy Tuấn rồi biên tập và tiến hành đặt lời Việt.
Vì là những giai điệu trích trong các tác phẩm viết cho nhạc đàn nên khi biến nó thành những ca khúc có lời, phù hợp với giới trẻ tất nhiên là một chuyện chẳng dễ dàng. Tôi đã hoàn thành phần việc của mình. Giờ là việc của Mỹ Linh và Ban nhạc Anh Em. Anh Quân và Huy Tuấn là nhạc sĩ nhạc nhẹ nhưng cũng từng học ở Nhạc viện Tchaikovsky, nên việc nhạc nhẹ hóa âm nhạc cổ điển với hai anh là rất phù hợp. Còn Mỹ Linh đang là ngôi sao nhạc nhẹ, một thần tượng của giới trẻ, nên tôi tin họ sẽ thành công.
Theo Người Lao Động