1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhà thiết kế thời trang đi bán bánh, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch

Phương Nhung

(Dân trí) - NTK Minh Châu, NTK Cao Minh Tiến phải lấy tiền tiết kiệm gồng gánh, trả lương nhân viên, cố duy trì lĩnh vực thời trang. Hai nhà thiết kế Nam, Bắc còn túc tắc bán đồ ăn để... "có việc cho vui".

Gồng gánh tiền thuê mặt bằng, duy trì lương thợ, càng làm càng... âm

"Sáng nay khi đi ra ngoài mua ít đồ, tôi hoa mắt không thể hình dung được một ngày có chuyện này xảy ra, xung quanh nhà tứ bề bị chăng dây hết. Còn duy nhất con hẻm nhà tôi chưa bị phong tỏa", NTK Minh Châu (TPHCM) chia sẻ với Dân trí.

Nhà thiết kế thời trang đi bán bánh, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch - 1

Hình ảnh phong tỏa ở nhiều khu phố gần nhà được NTK Minh Châu chia sẻ.

Mặt bằng ở TPHCM rất đắt đỏ, đa số các NTK đều phải thuê, từ cuối tháng 4, NTK Minh Châu đã không có thu nhập vì việc bán hàng chậm hơn, đến tháng 5 là chậm hẳn. Anh đành tạm đóng cửa hàng nhưng vẫn phải trả vài chục triệu đồng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng.

"Thời điểm này mọi người không thể tổ chức cưới hỏi, đi tiệc nên nhu cầu thị trường không có. Năm ngoái đã là một thử thách với ngành thiết kế thời trang rồi, năm nay thử thách nặng nề hơn.

Tôi không dám nghĩ đến chuyện dịch sẽ kéo dài bao lâu. Tôi cố gắng cầm cự hoạt động đến cuối năm chứ biết sao bây giờ. Thời trang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các ngành nghề khác. Kể cả khi dịch lắng xuống, các ngành khác ổn định thì cũng phải mất 2-3 tháng sau thời trang mới có đất sống. Phải ấm cái bụng đã mọi người mới nghĩ đến chuyện mặc đẹp", NTK Minh Châu tâm sự.

Nhà thiết kế thời trang đi bán bánh, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch - 2

"Tôi vẫn còn đỡ hơn các NTK theo đuổi dòng thời trang ứng dụng vì tôi thiết kế áo dài. Các bạn bán thời trang ứng dụng thì rất tội, đồ của các bạn qua một mùa là phải bán giá sale.

Sau khi ra mắt BST Kim Lang vào cuối năm ngoái, tôi đang làm tiếp BST Mộc - một BST cần rất nhiều thời gian và tâm huyết. Vì thế, khi ekip Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam mời tôi diễn vào tháng 4 vừa rồi, tôi nói, tháng 4 năm sau tôi mới diễn được, không ngờ câu nói này lại thành sự thật.

Tôi nghĩ tất cả những người làm thời trang đều phải "cắn răng chịu" hoàn cảnh chung. Bạn nào còn sức cố gắng gồng, bạn nào không sẽ sớm phải nói lời tạm biệt, tội lắm", NTK Minh Châu trầm lắng nói.

NTK Cao Minh Tiến (Hà Nội) - gương mặt quen thuộc của Tuần lễ Thời trang Việt Nam - người vừa đồng hành với diễn viên Việt Anh tạo nên "kỷ lục" tại ghế nóng "Ai là triệu phú" cũng không nằm ngoài vòng xoáy khắc nghiệt của đại dịch.

Nhà thiết kế thời trang đi bán bánh, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch - 3

"Tôi đã trả cửa hàng từ năm ngoái, nhưng xưởng thì vẫn phải thuê và trả công thợ. Tôi rất trân trọng những người thợ đi cùng mình trong nhiều năm qua. Khi mình khó khăn thì mọi người cũng khổ nên tôi cố gắng gồng gánh.

Có thợ chủ động nói với tôi: "Khó khăn thì chị xin giảm lương cho em đỡ áp lực". Tôi không hề muốn điều này nhưng vì dịch kéo dài nên đành phải giảm bớt nhân lực. Rồi có những thợ xin nghỉ...

Không biết dịch kéo dài một tháng, 2 tháng hay bao lâu nữa. Nhưng tôi vẫn cố làm các BST mới để mong tình hình tươi sáng hơn.

Một tháng lương thợ may đã khoảng 50-60 triệu đồng, chưa kể thợ thêu, thợ đính... Tiền tôi cứ âm dần...

Lương thợ bây giờ bình quân 8-9 triệu đồng/tháng. Trước đây, nếu vào vụ, mức lương thợ tôi trả khoảng 13 triệu đồng/người.

Cố gắng duy trì nhưng lượng khách đặt đồ ngày một ít. Trước đây đám cưới, đám hỏi, tiệc tùng khách lại muốn may đồ mới, một người có thể may 5 bộ một tháng nhưng đầu năm rút xuống còn khoảng 2 bộ và đến giờ này thì gần như rất ít người có nhu cầu. Ca sĩ cũng vậy, trước đây có show thì đặt đồ diễn nhưng giờ... 

Khi mở xưởng, tôi dự định phát triển dòng thời trang bán sẵn nhưng lại bùng dịch. Lúc bắt tay vào làm, dịch chưa bùng mạnh nên tôi sản xuất rất nhiều mẫu với số lượng lớn nên hiện tại tôi vẫn còn "ôm" nhiều hàng. Từ năm ngoái đến năm nay lại thành mẫu cũ, hàng mới trở thành hàng sale.

Nhìn vào thực tế, 3 tháng nữa mà vẫn trì trệ như thế này, không khéo tôi phải đóng cửa xưởng may và cân đối lại".

Bán bánh bột lọc, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch

"Hiện tại, tôi đang cố gắng thực hiện BST năm sau, tôi cho thợ đính kết làm dần để có thu nhập. Tôi gửi đồ cho từng bạn bằng đường chuyển phát để các bạn có thể làm tại nhà.

Còn thợ tư vấn khách thì chủ động xin nghỉ việc luôn vì họ biết tình hình này còn kéo dài. Những thợ gắn bó lâu năm, tôi hỗ trợ tiền lương ở mức vài triệu đồng/tháng", NTK Minh Châu kể.

Nhà thiết kế thời trang đi bán bánh, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch - 4

NTK Minh Châu bán hoa quả và cho thợ bán cùng để có thu nhập.

"Bạn hỏi cuộc sống của một người dân TPHCM như tôi thay đổi thế nào từ khi có dịch? Một ngày, tôi bắt đầu bằng bữa sáng tự nấu, rồi bật TV, nghe bản tin, sau đó tập thể dục.

Ở nhà cũng phải kiếm việc làm. Việc tôi bán trái cây là một cách kiếm tiền phụ. Ngoài ra tôi còn bán chân gà, chân gà sả tắc,... Trong nhóm thợ, bạn nào làm món gì ngon nhất tôi sẽ kiểm tra và bán giúp các bạn. Lời lãi bao nhiêu, tôi gửi lại hết cho các bạn. Tôi vui vì các bạn có thêm thu nhập.

Trước giãn cách ít ngày tôi còn có thể thoải mái bán trái cây nhưng mấy hôm nay chỉ "bán thăm dò", Minh Châu nói.

Nhà thiết kế thời trang đi bán bánh, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch - 5

Ngoài ra, anh bán chân gà sả tắc do nhân viên làm.

"Vấn đề ship đồ trước khi có Chỉ thị 16 đã khó rồi, hiện tại còn khó hơn nhiều vì dịch vụ ship quá tải.

Trước khi cấm ship đồ với những người chưa có giấy thông hành thì còn có thể nhờ các bạn sinh viên đi làm kiếm thêm thu nhập còn hiện tại thì không. Tôi phải đi "sưu tập" những app (ứng dụng công nghệ) ít người biết đến mới có hi vọng ship được đồ đi.

Nói thực, việc bán được bao nhiêu tiền không vui bằng cảm giác được trò chuyện với mọi người. Điều này khiến tôi sống lại cảm giác những ngày khách xếp hàng chờ mình tư vấn thiết kế áo dài. Tôi may mắn được khách yêu thích, nhớ lắm những mùa cưới hỏi đông nghịt khách".

NTK Minh Châu cho biết, khó khăn thời dịch nhưng anh luôn tự khích lệ bản thân: "Mình nhìn lên sẽ thấy khổ nhưng nhìn xuống thì thấy được nhiều hơn người ta là vì mình vẫn còn đang được sống và tồn tại với nghề".

Nhà thiết kế thời trang đi bán bánh, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch - 6

NTK Cao Minh Tiến làm bánh bột lọc nhưng chủ yếu bán "0 đồng" cho các nghệ sĩ.

NTK Cao Minh Tiến tâm sự: "Phải thú thực, việc bán đồ ăn không chỉ là công việc tình thế trong mùa dịch mà còn là đam mê của tôi. Tôi từng học đầu bếp trước cả khi đến với công việc thiết kế thời trang. Để tính toán lâu dài kinh doanh ăn uống thì tôi cũng đã có ý tưởng từ lâu nhưng cần thời gian.

Vào năm ngoái, khi tôi làm bánh nướng, Lã Thanh Huyền có nói, cô ấy có hệ thống siêu thị, gợi ý tôi làm nhiều lên để cô ấy bán giúp nhưng tôi mới dừng ở mức làm nhỏ lẻ, mọi thứ chuẩn chỉ phong cách "cho nhà mình ăn" nên số lượng không được nhiều, chỉ có thể nhận đơn ít.

Việc bán bánh bột lọc cũng vậy. Nếu bán chuyên tâm có thể sẽ lời nhưng tôi lại lúc bán lúc không, mà người đặt chủ yếu là bạn bè, nghệ sĩ thân nên đa phần tôi tặng. Mọi người thích thì mình cũng vui.

Nghệ sĩ ai cũng sợ tăng cân nên ăn xong lại "trách", như Hồng Quế mới nhắn tin "than": "thôi chết rồi, ông làm tôi béo lên".

Trong khó khăn vẫn lấp lánh những yêu thương

NTK Cao Minh Tiến kể: "Giờ đây, buổi sáng tôi vẫn dậy sớm đi sang xưởng làm việc với thợ. Sau đó về nhà lo cơm nước, chăm con rồi buổi chiều tập thể dục. Trước đây buổi tối có thể lê la cafe', tán gẫu với bạn bè nhưng lâu nay không thể nên tôi ở nhà, làm việc nhà".

Nhà thiết kế thời trang đi bán bánh, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch - 7

NTK Cao Minh Tiến có đam mê vẽ tranh, cắm hoa, nấu ăn những ngày ở nhà.

"Trong mùa dịch này mất nhiều nhưng tôi cũng được nhiều thứ!

Đơn giản như việc chạy bộ, trước đây tôi ì ạch mới hết một vòng Hồ Gươm. Khi tập luyện, ban đầu tôi chạy được một vòng, 2 vòng và giờ là 3 vòng hồ.

Có ngày tôi chạy từ nhà lên Hồ Gươm rồi chạy ngược về khoảng 8km. Ai hỏi tôi cũng nói đây là một kì tích với tôi. Trước 30 tuổi tôi chưa bao giờ chạy được nhiều như thế.

Hay bây giờ tôi thích cắm hoa, trước đấy là không bao giờ. Tôi chợt nhận ra, mỗi ngày có một lọ hoa tươi cảm thấy nhà rất nhiều sinh khí, mình cũng nhận năng lượng tích cực từ đó.

Ngắm hoa mình cảm thấy yêu đời, ngửi hoa thấy vui, rung động và có rất nhiều  xúc cảm. Tôi từng đọc đâu đó trong sách vở rằng, nên có cái gì đó ở trong nhà,... nhưng không để tâm và nhìn những người yêu hoa là "vớ vẩn", "mơ mộng hão huyền". Trái lại, bây giờ mỗi lần tìm ra một loại hoa mới tôi rất hưng phấn. Niềm vui đến từ những điều đơn giản như vậy đấy".

Nhà thiết kế thời trang đi bán bánh, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch - 8

NTK Cao Minh Tiến nhớ cảm giác thênh thang bước trên phố cổ Hà Nội mà không phải lắng lo.

Ít ngày trước, trên trang cá nhân, NTK Minh Châu đăng dòng trạng thái muốn chia giá đỗ cho bạn bè ở TPHCM và trước đó là tặng khoai lang cho mọi người ở trước cửa showroom.

Ngược lại, khi ngỏ ý muốn nấu canh chua, Minh Châu lại được một người bạn tặng rau muống, rau bạc hà.

Nhà thiết kế thời trang đi bán bánh, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch - 9

NTK Minh Châu tặng khoai lang tím cho mọi người. Anh lưu ý bà con tuân thủ quy tắc 5K.

Minh Châu bảo: "Xem những hình ảnh người miền Bắc, miền Trung gửi rau, trái cho người TPHCM, tôi thấy xúc động lắm. Mới ngày nào người miền Nam, người TPHCM gửi ra thì hôm nay mọi người lại gửi ngược vào đây. Người Việt Nam đùm bọc, yêu thương nhau như vậy đó".

"Tôi nghĩ rằng, bên cạnh khó khăn, giai đoạn này cũng mang đến cho cuộc sống của chúng ta sự tích cực. Những người có gia đình được gần gũi người thân nhiều hơn. Còn mỗi chúng ta có một giai đoạn để tự nhìn nhận lại chính mình.

Riêng tôi, đặt ra mục tiêu, mỗi ngày phải tập thể dục 2 lần để tự chăm sóc, yêu thương bản thân rồi mới yêu được gia đình mình.

Nhìn những người thiệt thòi hơn, phải thầm cảm ơn ông trời vì cuộc sống của mình vẫn còn đang rất may mắn. Phải sống sao cho trách nhiệm. Khi quay trở lại, mình sẽ yêu công việc của mình hơn, làm được nhiều việc tích cực".

Nhà thiết kế thời trang đi bán bánh, trái cây, chân gà sả tắc thời dịch - 10

Với NTK Minh Châu, được đi làm, được ra ngoài ngắm những con đường của TPHCM là điều hạnh phúc bình dị.

Hỏi Minh Châu, điều đầu tiên anh muốn làm sau khi hết dịch là gì, NTK nói: "Tôi chỉ mong mọi người được đi làm, được ra đường, giao lưu. Chỉ riêng việc được đi làm đã là một điều hạnh phúc rồi, được sống và cống hiến là điều tuyệt vời.

Với tôi, cuộc sống quan trọng không phải bạn kiếm được bao nhiêu tiền hay hơn người này người kia điều gì mà biết bằng lòng và thấy vui với cuộc sống của mình, đó là một dạng thức thành công". 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm