Nhà sưu tập mừng "phát khóc" khi tượng Nữ thần Durga được hồi hương

Lạc Thành

(Dân trí) - Tượng Nữ thần Durga 4 tay - hiện vật tiêu biểu của văn hóa Champa - vừa ra mắt công chúng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nhà sưu tập Đào Danh Đức cũng chia sẻ cảm xúc của mình khi báu vật hồi hương.

Ngày 28/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức lễ công bố kết quả tiếp nhận và khai mạc trưng bày tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay - hiện vật tiêu biểu của văn hóa Champa - mới được hồi hương tháng 6/2024, sau hành trình dài lưu lạc ở nước ngoài.

Nhà sưu tập mừng phát khóc khi tượng Nữ thần Durga được hồi hương - 1

Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL (thứ 3, từ phải sang), ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia (thứ 3, từ trái sang), nhà sưu tập Đào Danh Đức (thứ 2, từ trái sang) và các khách mời cắt băng khai mạc trưng bày "Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian" (Ảnh: Việt Hùng).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - cho biết, khi tiếp nhận bức tượng, Bảo tàng đã thành lập Hội đồng thẩm định, mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nghệ thuật và cổ vật để xem xét, đánh giá hiện trạng, xác định tính chất, niên đại, nguồn gốc và giá trị của tượng.

Hội đồng xác định: Đây là tượng Nữ thần Durga 4 tay, có thể khối lớn (cao toàn bộ 191cm, trong đó, tượng cao 157cm, nặng 101kg), niên đại vào thế kỷ VII với hiện trạng còn tương đối nguyên vẹn. Tượng có nguồn gốc Việt Nam, thuộc phong cách nghệ thuật văn hóa Champa. Tuy nhiên, thông tin về địa điểm cụ thể phát hiện ra tượng Nữ thần Durga vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu.

"Đây là pho tượng đồng lớn nhất, đại diện tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật văn hóa Champa được phát hiện cho đến nay, là cổ vật thuộc loại quý hiếm, có giá trị rất lớn về văn hóa cũng như mỹ thuật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử," ông Đoàn cho biết.

Bức tượng được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với nhà sưu tập Đào Danh Đức tổ chức.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương điểm lại hành trình hồi hương tượng Nữ thần Durga với sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan liên quan ở Anh và Mỹ.

Theo ông Cương, những cổ vật của Việt Nam được tiếp nhận, hồi hương trong thời gian qua là kết quả của sự hợp tác, trao đổi thông tin trong nhiều năm, cũng là sự nỗ lực của Việt Nam và các quốc gia liên quan trên tinh thần tuân thủ các điều ước quốc tế, trong đó có Công ước UNESCO về các biện pháp cấm buôn bán, xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.

"Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới các quốc gia sẽ tích cực hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thu thập thông tin, nhận diện, đàm phán và hồi hương cổ vật Việt Nam bị đưa ra nước ngoài bất hợp pháp.

Chúng ta cũng cần tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp tài sản văn hóa, góp phần tích cực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói riêng và tài sản văn hóa của nhân loại nói chung," ông Hoàng Đạo Cương nói.

Nhà sưu tập mừng phát khóc khi tượng Nữ thần Durga được hồi hương - 2

Tượng đồng Nữ thần Durga 4 tay được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Ảnh: Việt Hùng).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà sưu tập Đào Danh Đức - người góp công trong việc đưa báu vật tượng đồng Nữ thần Durga hồi hương - cho biết, gia đình ông có nhiều bảo vật liên quan đến văn hóa Champa. Khi biết tin có tượng Nữ thần Durga đang lưu lạc ở nước ngoài, ông mong muốn được góp phần đưa bảo vật hồi hương.

"Tôi hồi hộp nhưng cũng vinh hạnh vì mình đã góp được phần nhỏ bé để đưa bảo vật về Việt Nam. Khi đưa được tượng nữ thần Durga hồi hương, tôi mừng... phát khóc.

Mặc dù, thời điểm tôi cùng phái đoàn sang nước ngoài làm các thủ tục đưa tượng Nữ thần về, thời tiết rất khắc nghiệt. Chúng tôi gặp cả mưa, lạnh, nắng... nhưng khi nhìn thấy bảo vật, tôi đã tâm niệm, bất kỳ giá nào cũng phải đưa về Việt Nam. Khi nhìn thấy tượng Nữ thần, mọi khó khăn, vất vả của tôi như tan biến", nhà sưu tập Đào Danh Đức cho biết.

Nhà sưu tập Đào Danh Đức nói thêm: "Tôi góp phần hồi hương tượng Nữ thần Durga cũng là làm đúng mong muốn của bố mẹ, cũng là góp phần giữ bảo vật cho gia đình và đất nước. Nếu mình không hồi hương, con cháu sau này sẽ không biết đến những bảo vật này và những di sản này bị mất mát thì rất tiếc...", ông Đức thông tin.

 Ông Đức mong rằng, sau khi được chiêm ngưỡng các hiện vật ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, công chúng sẽ thêm yêu, trân trọng, gìn giữ những bảo vật có giá trị về văn hóa, lịch sử để thế hệ kế tiếp được chia sẻ, biết đến để yêu quê hương, đất nước hơn.

Nhà sưu tập mừng phát khóc khi tượng Nữ thần Durga được hồi hương - 3

Tượng đồng nữ thần Durga 4 tay, có thể khối lớn (cao toàn bộ 191cm, trong đó, tượng cao 157cm, nặng 101kg), niên đại vào thế kỷ VII với hiện trạng còn tương đối nguyên vẹn (Ảnh: Việt Hùng).

Nhà sưu tập Đào Danh Đức cũng chia sẻ, gia đình ông đang ở TPHCM, trong nhà có ông có nhiều bảo vật, những hiện vật này ông được thừa hưởng từ bố mẹ, ông rất quý trọng gia tài của mình.

Tới đây, ông sẽ làm các thủ tục để thành lập bảo tàng tư nhân, để có thể lưu giữ tốt hơn những hiện vật mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa này.

Nhà sưu tập Danh Đức bộc bạch: "Hiện tại, tuy chưa thành lập bảo tàng nhưng việc bảo quản, lưu giữ các bảo vật của tôi không gặp khó khăn. Vấn đề an ninh ở gia đình cũng rất nghiêm ngặt".

Nhà sưu tập mừng phát khóc khi tượng Nữ thần Durga được hồi hương - 4

Cận cảnh một số chi tiết của tượng đồng Nữ thần Durga (Ảnh: Việt Hùng).

Tháng 2/2024, Hội đồng Nghệ thuật Vương quốc Anh cấp phép xuất khẩu tượng đồng Nữ thần Durga về Việt Nam. Hội đồng đề xuất giá trị tượng trưng của hiện vật là hơn 14 triệu bảng Anh (hơn 453 tỷ đồng).

Ngày 18/6, tượng đồng Nữ thần Durga đã về tới Việt Nam. Pho tượng được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) để phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch trưng bày, giới thiệu và phát huy giá trị cổ vật.

Hiện vật được tạo tác với khuôn mặt hình trái xoan, hai mắt nhắm hờ, sống mũi cao, miệng mím, cằm tròn, bụng thắt dây buộc tạo hình hoa. Đây là hiện vật quý hiếm có thể khối lớn, niên đại sớm và hiện trạng còn tương đối hoàn chỉnh.

Tượng đồng Nữ thần Durga có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, là tư liệu hiện vật phản ánh đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng trong lịch sử của cư dân Champa - một bộ phận quan trọng, cấu thành nên sự đa dạng và thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.