Nhà sử học Dương Trung Quốc nói gì về trang phục "Mắc võng Trường Sơn"?
(Dân trí) - Theo dõi phần thi Trang phục văn hóa dân tộc của Miss Grand Vietnam 2023, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ sự ấn tượng, dành lời khen ngợi cho các nhà thiết kế trẻ và những bộ trang phục đặc sắc.
Tối 19/8, top 44 thí sinh Miss Grand Vietnam 2023 cùng nhiều hoa hậu, á hậu đã tham gia đêm trình diễn Trang phục văn hóa dân tộc - hoạt động nằm trong khuôn khổ Miss Grand Vietnam 2023 - diễn ra tại TPHCM.
Đảm nhận vị trí Trưởng Ban cố vấn cuộc thi, đồng thời là giám khảo trong đêm thi Trang phục văn hóa dân tộc, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ông ấn tượng với tài năng của các nhà thiết kế trẻ và khả năng trình diễn của các hoa hậu, á hậu cũng như 44 thí sinh.
Là người đồng hành, gắn bó với nhiều cuộc thi nhan sắc, ông Dương Trung Quốc cho biết mình thích nhất phần thi trang phục dân tộc, giữa nhiều tiết mục thuộc khuôn khổ cuộc thi.
Theo ông, các nhà thiết kế đã "thổi hồn" vào trang phục, mang hình ảnh hoa sen, quả dứa, tranh vẽ Đông Hồ, chiếc võng Trường Sơn… lên sân khấu, tạo nên nhiều cảm xúc cho người xem.
"Nhiều người nghĩ rằng trang phục văn hóa dân tộc phải là áo dài, áo tứ thân… Nhưng khi nhìn lại, chúng ta phải hiểu đó là độ nhận diện của mỗi quốc gia, cách hiểu thế nào là do cách dịch, thỏa ước với nhau", nhà sử học nêu quan điểm.
Nói về các trang phục dự thi năm nay, ông Dương Trung Quốc nhận xét các nhà thiết kế trẻ đã nghĩ ra những điều độc đáo, có cách thể hiện chuyên nghiệp và sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường.
Nhà sử học cũng nhận định, giữa 60 trang phục trong đêm thi, khó có thể nói đâu là trang phục ấn tượng nhất vì bộ nào cũng được đầu tư công phu.
"Điển hình như trang phục "Gánh mẹ" khiến người xem cảm động, ban đầu nội dung rất lủng củng nhưng sau đó lại hay. Tôi ấn tượng với "Mắc võng Trường Sơn", ban đầu lo lắng nhưng từ hình ảnh, âm thanh, cách thể hiện bộ trang phục, gánh cả quả núi trên lưng, mở ra những thứ gây xúc động", ông nói.
Ông Dương Trung Quốc cũng bày tỏ sự ấn tượng khi nhìn thấy các thí sinh mới 19, 20 tuổi trình diễn nét văn hóa nước nhà như hát bội, cải lương... thông qua các trang phục văn hóa dân tộc đặc sắc.
"Hát bội, cải lương là loại hình văn hóa dễ nhận diện của Việt Nam và được quốc tế công nhận. Thực chất cách các bạn thể hiện trên sân khấu là cách tiếp cận văn hóa rất hiện đại, dễ tiếp nhận hơn nhiều so với đọc từ điển, bách khoa toàn thư", nhà sử học chia sẻ.
Ngoài ra, ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng những bộ trang phục đặc sắc này nếu chỉ được gói gọn trên sân khấu, không mang trình diễn rộng rãi sẽ là điều đáng tiếc.