Huế:
Nhà “cổ vật sông Hương” xứ Huế - Hồ Tấn Phan đã qua đời
(Dân trí) - Ngày 16/2, tin từ nhà riêng của nhà văn hóa Huế nổi tiếng - Hồ Tấn Phan cho biết ông đã vừa qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.
Sau thời gian lâm bệnh nặng, dù được sự điều trị tận tình từ Bệnh viện Trung ương Huế và sự chăm sóc hết sức từ phía gia đình, người thân cùng các anh em bạn bè thân hữu, ông Hồ Tấn Phan (sinh năm 1939, trú 28/5 đường Cao Bá Quát, TP Huế) đã trút hơi thở cuối cùng vào 13h chiều ngày 14/2.
Ông Phan là thành viên chủ chốt của Trung tâm Nghiên cứu Huế, đóng góp rất nhiều vấn đề đáng quý cho văn hóa Huế. Đặc biệt, ông là chủ của một bộ sưu tập hơn 10.000 cổ vật các loại, trong đó phần lớn là các cổ vật sưu tập được tìm thấy dưới đáy dòng sông Hương (TP Huế), cùng gia tài hàng nghìn cuốn sách quý hiếm.
Khi ra đi, ông Phan vẫn còn dang dở với phần đầu công trình nghiên cứu có giá trị là Danh và hiệu các vua triều Nguyễn. Nhiều vấn đề về cổ vật dưới nước được giới khảo cổ cả nước và Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) quan tâm mà ông Phan đang ấp ủ công bố cũng bị bỏ dở.
Vào giữa năm 2015, ông đã hiến tặng cho Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) bản sao bộ Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn do Trường Đại học Keio (Nhật Bản) thực hiện. Bộ sách này được in mộc bản gồm hơn 550 quyền, gần 33.000 trang, được trường Đại học Keio sưu tầm, nghiên cứu từ năm 1961-1981 và xuất bản thành 20 tập, hơn 8.000 trang.
Tại Huế, ông Phan thường được giới báo chí, trí thức gọi với cái tên thân mật là “nhà cổ vật sông Hương” bởi ông gắn bó và có duyên lớn với rất nhiều cổ vật sưu tập được từ con sông đã đi vào thơ ca này, ít ai bì kịp.
Hiếm khi ông từ chối trả lời phỏng vấn từ báo chí các vấn đề xung quanh đến văn hóa Huế như phong tục ngày tết, giá trị và xuất xứ cổ vật, các di tích lịch sử, tâm hồn, phong thái con người Huế…. Tính cách ông Phan rất dung dị, dễ gần, vui tính và cực kỳ am hiểu, hỏi đến đâu ông trả lời đến đó nên rất được anh em yêu quý, xem như người bạn và là “từ điển sống” về văn hóa Huế.
Sự ra đi của ông Hồ Tấn Phan là một mất mát to lớn cho giới trí thức Huế nói chung cũng như giới chuyên tâm về văn hóa, cổ vật Huế nói riêng.
Đại Dương