Nguyên mẫu tranh "Em Thúy" của danh họa Trần Văn Cẩn qua đời ở tuổi 89

Lạc Thành

(Dân trí) - Nhà giáo Minh Thúy - nhân vật trong bức tranh ''Em Thúy'' nổi tiếng của danh họa Trần Văn Cẩn - qua đời ở tuổi 89.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Đào Anh Tuấn - con trai trưởng của nhà giáo Nguyễn Minh Thúy - cho biết, mẹ anh mất vào lúc 18h50 ngày 9/7 tại nhà riêng ở tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo anh Tuấn, mẹ anh mất vì bệnh tuổi già. Trong những năm tháng mẹ anh còn khỏe mạnh, anh thường cùng bà đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngắm bức tranh Em Thúy. 

Nguyên mẫu tranh Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn qua đời ở tuổi 89 - 1

Bà Minh Thúy và hình ảnh mình được vẽ trong bức tranh nổi tiếng "Em Thúy" của họa sĩ Trần Văn Cẩn (Ảnh: Việt Văn).

Những năm gần đây, khi yếu hơn, bà Thúy chỉ sinh hoạt tại nhà, cũng không còn nhớ nhiều về ký ức thời ngồi làm mẫu cho họa sĩ Trần Văn Cẩn. 

Anh Tuấn chia sẻ thêm rằng, mẹ anh là một người hiền lành, ít nói và được nhiều người yêu quý, kính trọng.

Khi phóng viên hỏi: "Lúc sinh thời, bà có tự hào về việc mình nổi tiếng, vì từng làm nguyên mẫu cho danh họa Trần Văn Cẩn không?". Anh Tuấn nói: "Bà không để ý nhiều đến chuyện đó, nếu ai nhắc đến, bà chỉ mỉm cười mà không kể gì cả...".

Bà Nguyễn Minh Thúy sinh năm 1935, là cháu họ của họa sĩ Trần Văn Cẩn, gọi họa sĩ bằng bác. Năm 1943, trong một lần thấy bà Thúy mặc áo lụa Hà Đông màu phớt hồng, họa sĩ Trần Văn Cẩn đề nghị cháu gái ngồi làm mẫu để vẽ.

Khi ấy, bà Minh Thúy 8 tuổi, đang học trường nữ sinh tiểu học École Brieux, Hàng Cót. 

Trong bức vẽ, nhân vật có đôi mắt đen to tròn, môi chúm chím, hai má bầu bĩnh, tóc rẽ lệch ngôi. Cô bé ngồi trên ghế mây, hướng lệch sang trái, hai tay nắm lại, đặt trên đùi. Các gam màu được sử dụng trong tác phẩm tạo độ tươi sáng, hài hòa.

Vẻ đẹp tinh khôi của cô bé 8 tuổi ngày ấy đã được họa sĩ tài danh vĩnh cửu hóa trong bức tranh chân dung thuộc hàng tiêu biểu của tranh chân dung Việt Nam thế kỷ 20.

Được biết, họa sĩ đã mất vài tháng để hoàn thành bức tranh. Em Thúy lần đầu được giới thiệu tại triển lãm FARTA (Hội nghệ thuật An Nam) ở Hà Nội năm 1943. Tại triển lãm mỹ thuật ở Hội Khai Trí Tiến Đức cùng năm, bức họa giúp họa sĩ Trần Văn Cẩn đoạt giải nhất, bên cạnh tác phẩm điêu khắc Gội đầu.

Khi chiến tranh nổ ra, quân Pháp quay lại chiếm đóng Hà Nội, bà Minh Thúy cùng gia đình đi tản cư. Năm 32 tuổi, bà thành hôn với nhà giáo Đào Văn Phúc.

Trước khi nghỉ hưu, ông Đào Văn Phúc là quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, nay là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bố chồng bà là nhà giáo Đào Văn Định - Hiệu trưởng đầu tiên của THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định.

Lễ viếng nhà giáo Nguyễn Minh Thúy được tổ chức vào 7h30 ngày 13/7 tại nhà tang lễ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Nguyễn Viết Xuân, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội).

Năm 2013, Em Thúy được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện được trưng bày tại phòng 10, chuyên đề tranh sơn dầu, tầng hai Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sau khi phục chế.

Theo hồ sơ của Cục Di sản văn hóa, danh họa sử dụng bố cục điển hình phong cách châu Âu đầu thế kỷ 20. Với chất liệu sơn dầu, tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tả thực, cũng như thể loại tranh chân dung Việt Nam giai đoạn ấy.