Ước nguyện cuối cùng của vợ danh hoạ Trần Văn Cẩn
(Dân trí) - Hoạ sỹ Trần Thị Hồng - phu nhân, người thừa kế duy nhất gia tài hội hoạ của danh hoạ Trần Văn Cẩn vừa qua đời tại Hà Nội sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư. Bà ra đi khi những ước nguyện với những tác phẩm hội hoạ của chồng vẫn còn dang dở.
Nhiều đêm thức trắng để che tranh
Hoạ sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, ông nghe tin hoạ sĩ Trần Thị Hồng qua đời vào 6h40 ở một bệnh viện của Hà Nội. Trước đó, ông cũng có biết bà bị bệnh ung thư nhưng cũng không thường xuyên liên lạc nên không rõ lắm về tình hình sức khoẻ của bà.
Lúc sinh thời, họa sĩ Trần Thị Hồng cho biết, bà quê gốc của bà vốn ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Năm lên 2 tuổi, mẹ bà qua đời nên bà phải sống với gia đình nhà nội. Năm 1954, khi tập kết ra Bắc, bố bà đã mang bà theo. Từ nhỏ, năng khiếu vẽ đã rất rõ nét trong bà nhưng gia đình không đồng ý cho bà theo học nghề này bởi nghĩ nghề không có tương lai.
Tuy nhiên, vì quá đam mê hội họa nên bà vẫn nộp đơn đăng ký thi vào trường Mỹ thuật Hà Nội. Lần thứ nhất, bà nộp hồ sơ đăng kí dự thi vào lớp sơ trung hệ 7 năm của Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, bố bà không chịu kí đơn cho bà đi học. Lần thứ hai, bà đành giấu gia đình, làm hồ sơ rồi nhờ một người bác họ kí cho để đi học. Và cũng chính nhờ cơ duyên này mà bà đã được gặp rồi bén duyên với danh họa Trần Văn Cẩn, lúc đó là Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Thời đó, danh hoạ Trần Văn Cẩn đã là một danh hoạ nức tiếng Đông Dương. Việc bà đến với ông đã vấp phải những phản ứng dữ dội từ phía gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Tuy nhiên, tình yêu mãnh liệt của cô sinh viên với ông thầy hơn 36 tuổi đã khiến ông bà vượt qua được mọi khó khăn để đến với nhau. 23 năm chung sống là quãng thời gian cả hai đã mang đến cho nhau rất nhiều cung bậc cảm xúc.
Năm 1994, khi danh hoạ Trần Văn Cẩn qua đời, bà Hồng vẫn tiếp tục sống tại căn hộ tập thể trên tầng 4, số 10 phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội). Trước khi mất, ông đã viết di chúc tặng lại toàn bộ gia tài hơn 1000 bức tranh của ông cho bà Hồng với lời nhắn: “Xin cô Trần Thị Hồng nhận lấy gia tài hội họa của tôi như một chút quà mọn”. Cách đây hơn một năm, khi người viết có dịp gặp bà ở nhà riêng trên phố Lạc Long Quân, Tây Hồ (Hà Nội) lúc đó sức khoẻ của bà Hồng đã khá yếu.
Bà có chia sẻ, bà phát hiện mình bị ung thư sau nhiều trận ốm kéo dài. Năm 2011, khi sức khỏe có dấu hiệu kiệt quệ bà Hồng đã bay vào TP. HCM chữa trị theo lời khuyên của người thân trong gia đình. Thời điểm đó, bà Hồng đã phải trải qua 4 lần hoá trị, 25 tia xạ trị. Đã có lúc bà nghĩ mình buông xuôi tất cả để sớm được đoàn tụ với ông nhưng nghĩ đến những “đứa con tinh thần” của ông đang không có ai chăm lo bà lại gượng sống tiếp.
Và lí do bà rời căn nhà đầy ắp kỷ niệm ở Nguyễn Thượng Hiền để chuyển qua ngôi nhà mới ở phố Lạc Long Quân là vì cần một môi trường trong lành để cải thiện sức khoẻ. Quan trọng hơn là muốn có một không gian để trưng bày và phục chế tranh của danh hoạ Trần Văn cẩn, điều mà bà ấp ủ bấy lâu.
Bà Hồng cho biết, chính người bạn của bà ở Mỹ (ngày xưa học cùng lớp) là người đã thúc đẩy bà tiến hành việc này sớm. Và để có được số tiền tỷ mua ngôi nhà 6 tầng này, bà đã buộc lòng phải bán đi vài bức tranh của ông. Việc bán tranh là bất đắc dĩ bởi mỗi bức tranh của ông bà đều xem như một “đứa con tinh thần” của mình nhưng nếu không làm thế, hơn 1000 bức tranh mà danh hoạ Trần Văn Cẩn để lại cho bà có nguy cơ bị hư hại. Trước đó 4 năm, bà đã phải dành một nửa căn hộ tập thể rộng chưa đầy 10m2 ở phố Nguyễn Thượng Hiền để xếp tranh của ông lại thành từng chồng và dùng bạt phủ lên để bảo quản. Có những đêm bà phải thức trắng đêm tìm mọi cách che tranh vì nhà bị xuống cấp, mưa dột.
“Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”
Từ ngày dọn về nhà mới, khi sức khoẻ khá hơn, ngày nào bà cũng bắt taxi từ Hồ Tây về ngôi nhà ở Nguyễn Thượng Hiền để mang tranh của chồng đi bo khung và mang về lại nhà mình đang ở để trưng bày.
Toàn bộ tầng 2 và 3 của ngôi nhà ở Lạc Long Quân được bà Hồng dành để làm phòng thờ và treo tranh của ông. Bà từng tâm sự rằng, bà mong mình có đủ sức khoẻ để bo khung hết toàn bộ số tranh giấy của ông và tập hợp lại để in cho ông một cuốn sách. Ngoài ra, nếu có điều kiện bà cũng rất muốn tổ chức cho ông một cuộc triển lãm riêng vào ngày sinh của ông trong năm 2017. Và sau này, nếu người nào đó thực sự hiểu biết về hội hoạ, thực tâm với nghệ thuật và có điều kiện giữ gìn gia tài của ông, bà sẽ trao lại cho người đó.
“Sinh thời ông rất yêu và trân trọng công chúng nghệ thuật nên chắc chắn tôi sẽ làm sao để tác phẩm của ông đến được với công chúng chứ không phải là sở hữu riêng của bất kỳ ai”, bà Hồng nói.
Bà Hồng cũng tâm sự, bà sẽ không bao giờ bán căn hộ tập thể ở Nguyễn Thượng Hiền vì bà muốn làm nhà lưu niệm cho danh hoạ Trần Văn Cẩn. Kể cả ốm đau, việc đi lại để quét dọn gặp nhiều khó khăn thì bà vẫn chấp nhận. Bởi đó là ngôi nhà chứa chất bao nhiêu kỷ niệm của ông bà. Bà Hồng nhấn mạnh: “Đó mới chính là nhà của mình, còn đây (ngôi nhà ở Lạc Long Quân) là nhà ở tạm thôi”.
Hà Tùng Long