Người trẻ viết văn - Những người dũng cảm!

(Dân trí) - Hội nghị lần thứ VII những người viết văn trẻ Việt Nam diễn ra tại đô thị cổ Hội An, từ ngày 11 đến 14/5/2006. Một viên gạch được ném xuống mặt hồ văn học tĩnh lặng. Xao động với người viết văn, trẻ cũng như không còn trẻ nữa...

Gợn sóng bâng khuâng, thậm chí hào sảng lây lan trong lòng những người yêu văn học Việt Nam. Trong cơn lốc thực dụng của một xã hội trọng kinh tế kỹ thuật hơn văn chương, với một môi trường sáng tác, in ấn phát hành ốm yếu kéo dài trong nhiều năm qua, và còn nhiều năm tới nữa, thì hạng người dành tuổi xuân của mình cho những trang văn mênh mông có thể xem là hành động dũng cảm.

 

Những người viết văn trẻ chưa nổi đình nổi đám (số này lại chiếm đa số) thường xuyên chịu đựng thái độ lãnh đạm, hoài nghi của những người xung quanh, kể cả người thân trong gia đình, và đặc biệt của các nhà văn đàn anh, đàn chị. Trong Đại hội Nhà văn Việt Nam vừa qua, nhà thơ Trần Anh Thái nói thẳng về thực tế đáng buồn đó: "Rất nhiều người trong chúng ta ở đây không biết tuổi hai mươi đang viết gì. Thậm chí, nếu được yêu cầu nêu ra 5 cây bút trẻ ở tuổi này thì khó ai kể được. Không phải vì không có cây bút nào đáng kể mà vì chúng ta đã không quan tâm".

 

Thực tế là các cây bút  từ 40 tuổi trở xuống chiếm một tỉ lệ quá khiêm tốn trong tổng số hội viên Hội Nhà văn Việt nam. May là phần đông người viết trẻ bây giờ không hay “chấp nhặt”, thậm chí “bất cần” sự quan tâm của đàn anh. Tuy thời nào vẫn có các cây bút trẻ (thậm chí đã ngoài 60) mong mỏi các nhà văn đàn anh quan tâm “dắt tay” vào Hội Nhà văn, nhưng thời gian gần đây hư danh “cửu phẩm văn giai” ấy không còn làm bận tâm quá, hoặc ám ảnh trong giấc mơ của nhiều người trẻ viết văn có bản lĩnh.

 

Khổ nỗi, có thể “bất cần” sự lãnh đạm xung quanh, nhưng người viết văn trẻ không thể “bất cần” với miếng cơm manh áo đời thường. Mà sự thực là không thể sống bằng nghề văn (thuần túy) ở xứ sở (thường tự xưng là coi trọng văn chương) này được. Bình quân, một đầu sách văn xuôi được nhà xuất bản in khoảng trên dưới 1.000 bản. Một tác phẩm 200 trang lao động sáng tạo tập trung, miệt mài, đầy khắc khoải từ một đến 2, 3 năm chỉ được trả nhuận bút không quá 3 triệu đồng.  Còn thơ thì hầu hết phải bỏ tiền túi ra in, chỉ để biếu tặng là chính. Không trách đã có nhiều bậc phụ huynh xanh cả mặt khi tình cờ “phát hiện” đứa con mới lớn của mình lén lút... làm thơ!

 

Cho nên, viết văn làm thơ là cái “nghiệp” chứ không thể là cái “nghề”. Cho nên, phần lớn những người viết văn trẻ, hay không còn trẻ nữa, đều phải kiếm một nghề trong xã hội để mưu sinh. Nếu vào được nghề gần gũi với văn chương như làm báo, làm xuất bản là tốt nhất. Và vì vậy, dẫu coi viết văn là cái “nghiệp” thì cũng không có điều kiện tốt nhất để trở thành “chuyên nghiệp”. Phần lớn thời gian, sức lực trong ngày phải dành cho việc mưu sinh nhọc nhằn.

 

Đã mấy năm rồi những người viết trẻ Việt Nam thường chọn truyện ngắn, truyện vừa và thơ để sáng tác. Các thể loại ấy tương thích với thời gian đầu tư mà người viết có thể dành dụm được sau những áp lực ở công sở, ở tòa báo... Đó cũng là một phần trong câu trả lời cho câu hỏi vì sao văn đàn Việt Nam thưa vắng những tác phẩm dài hơi, gây được tiếng vang trên thế giới.

 

Đã thế, ở một vài địa phương, người viết văn trẻ còn phải chịu đựng cách đọc văn như đọc báo, cách phê bình thiên kiến và thiển cận của một số quan chức tuyên giáo. Trường hợp Nguyễn Ngọc Tư với truyện “Cánh đồng bất tận” mới đây là một ví dụ sinh động.

 

Và cuối cùng, người viết văn trẻ luôn tự hành hạ mình với những yêu cầu khắc nghiệt: Phải có phong cách riêng, tiếng nói riêng trong tác phẩm của mình.

 

Cho nên, gọi những người viết trẻ hôm nay là những người dũng cảm cũng không là quá đáng?

 

Vĩnh Quyền