Người trẻ và "chứng sợ nghe điện thoại": Lo lắng khi điện thoại reo chuông

Tô Sa

(Dân trí) - "Giờ đây chúng ta có quá nhiều cách khác nhau để liên lạc từ xa, nỗi sợ gọi và nhận cuộc gọi điện thoại đã trở lại", trích nội dung sách "Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn".

Omega Plus phát hành Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn của tác giả Kate Summerscale, do Trần Đức Trí biên dịch, gồm 99 nỗi ám ảnh sợ hãi (phobia) và cuồng loạn (mania). Cuốn sách thuộc tủ sách Y sinh của Omega Plus.

Những nỗi sợ hãi và cuồng loạn được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên tiếng Anh từ Ablutophobia (chứng sợ sạch sẽ) đến Zoophobia (chứng sợ động vật), hoặc có thể chia thành các nhóm chủ đề như: cơ thể, tiếng ồn, bị cô lập, chạm vào…

Cuốn sách đưa độc giả vào hành trình tìm hiểu nguồn gốc, cơ chế tâm lý của những nỗi ám ảnh, góp phần khai quật lịch sử về sự kỳ lạ của con người từ thời trung cổ đến nay.

Tác phẩm cũng đưa ra những lời giải thích và một số phương pháp điều trị tích cực, hiệu quả cho những nỗi sợ hãi và cuồng loạn mạnh mẽ nhất.

Chứng sợ nghe điện thoại - Telephonophobia

Các bác sĩ tại một bệnh viện ở Paris lần đầu chẩn đoán chứng "téléphonophobie" vào năm 1913. Bệnh nhân của họ, "Phu nhân X", bị trói buộc bởi một nỗi khổ đau kinh hoàng khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại và mỗi khi bắt máy bà đờ người ra và hầu như chẳng thể nói năng được gì.

Một tờ báo xứ Wales đã bày tỏ sự đồng cảm với tình cảnh tuyệt vọng của bà. "Nếu nghĩ về điều này thì, thực tế là người dùng điện thoại nào cũng mắc căn bệnh ấy cả", tờ Merthyr Express nhận xét. ""Chứng sợ nghe điện thoại" này là một căn bệnh phổ biến khủng khiếp".

Trong những năm đầu điện thoại mới xuất hiện, một số người sợ rằng thiết bị này sẽ khiến họ bị giật điện, như Robert Graves đã từng bị khi còn phục vụ trong Thế chiến I.

Nhà thơ đang nhận một cuộc gọi từ một sĩ quan đồng nghiệp thì sét đánh vào đường dây, khiến ông bị giật nặng đến mức xoay tròn. Hơn một thập niên sau đó, ông nói rằng bản thân bị nói lắp và đổ mồ hôi nếu sử dụng điện thoại.

Người trẻ và chứng sợ nghe điện thoại: Lo lắng khi điện thoại reo chuông - 1

Bìa sách "Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn" (Ảnh: Omega Plus).

Góa phụ của George V là Nữ hoàng Mary (sinh năm 1867) vẫn sợ gọi điện thoại cho đến cuối đời - không lâu trước khi bà qua đời năm 1953, con trai trưởng của bà, Công tước xứ Windsor, đã nói với báo chí rằng bà chưa bao giờ nhận cuộc gọi nào.

Chiếc điện thoại có thể như là một thiết bị độc ác, phiền toái. Nó "dõng dạc reo lên từ hư không trong sâu thẳm căn nhà sặc mùi trưởng giả", nhà nghiên cứu văn chương David Trotter nhận xét, "để phơi bày những thứ bên trong ra ngoài".

Tiếng chuông uy quyền của nó là cuộc tấn công quyền riêng tư, bất chợt và không ngừng nghỉ. Ở Praha vào thập niên 1910, Franz Kafka đã hình thành nỗi sợ điện thoại, thứ gần như là siêu nhiên với ông khi nó có thể tách rời giọng nói ra khỏi cơ thể.

Trong mẩu truyện ngắn My Neighbour (Hàng xóm của tôi, 1917) của Kafka, một doanh nhân trẻ tuổi tưởng tượng rằng đối thủ có thể nghe thấy cuộc gọi của anh qua bức tường, như thể thiết bị này đã phá vỡ hoàn toàn các chướng ngại vật lý.

Giờ đây chúng ta có quá nhiều cách khác nhau để liên lạc từ xa, nỗi sợ gọi và nhận cuộc gọi điện thoại đã trở lại.

Năm 2013, một khảo sát trên 2.500 nhân viên văn phòng từ 18 tới 24 tuổi đã chỉ ra rằng 94% trong số họ thà gửi email còn hơn là gọi điện thoại, 40% cảm thấy lo lắng khi gọi điện thoại và 5% "thấy kinh hãi" trước ý nghĩ về việc thực hiện điều đó.

Cho tới năm 2019 tình hình xem ra đã trầm trọng hơn: trong một cuộc khảo sát 500 nhân viên văn phòng người Anh ở mọi lứa tuổi, 62% lo lắng về những cuộc gọi điện thoại.

Một số sợ rằng, khi không có cơ hội chuẩn bị sẵn lời đáp, họ sẽ phát ra những âm thanh ngu ngốc hay kỳ lạ; số khác thì sợ là không thể hiểu được người gọi; số khác thì sợ bị nghe trộm - trong một văn phòng không vách ngăn, không những người ở đầu dây bên kia có thể đánh giá lời nói của ta, mà đồng nghiệp cũng có thể.

Bộ phận trả lời mang tính sợ điện thoại nhất của khảo sát là nhóm trẻ nhất: 76% thế hệ millennial (những người sinh ra vào thập niên 1980 và 1990) nói rằng họ cảm thấy lo lắng khi điện thoại reo chuông.

Trong một bài báo trên tờ Guardian năm 2016, Daisy Buchanan giải thích rằng cô và bạn bè không những ít quen với cuộc gọi hơn người lớn, mà còn nhạy cảm hơn với tác động của chúng đến người khác.

"Thái độ của thế hệ millennial với các cuộc điện thoại thực chất là về thái độ", cô viết. "Chúng tôi lớn lên với quá nhiều phương thức liên lạc có thể sử dụng, và thiên về những phương thức ít gây phiền toái nhất bởi vì chúng tôi biết cảm giác bị kích động do kỹ thuật số trên nhiều kênh khác nhau là như thế nào". 

Một cuộc gọi điện không hẹn trước có thể mang đến cảm giác gây hấn và cương quyết hệt như một thế kỷ trước: một hình thức nói chuyện khắt khe không thể chấp nhận được.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm