Chứng sợ bẩn: Rửa tay hơn 200 lần/ngày, cởi quần áo mà không chạm vào chúng

Tô Sa

(Dân trí) - "Chứng sợ bẩn miêu tả một hình thức rối loạn tâm thần... với đặc trưng là một nỗi sợ bệnh lý, thái quá với việc bị ô uế hay vấy bẩn", trích nội dung sách.

Omega Plus phát hành Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn của tác giả Kate Summerscale, do Trần Đức Trí biên dịch, gồm 99 nỗi ám ảnh sợ hãi (phobia) và cuồng loạn (mania). Cuốn sách thuộc tủ sách Y sinh của Omega Plus.

Những nỗi sợ hãi và cuồng loạn được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên tiếng Anh từ Ablutophobia (chứng sợ sạch sẽ) đến Zoophobia (chứng sợ động vật), hoặc có thể chia thành các nhóm chủ đề như: cơ thể, tiếng ồn, bị cô lập, chạm vào…

Cuốn sách đưa độc giả vào hành trình tìm hiểu nguồn gốc, cơ chế tâm lý của những nỗi ám ảnh, góp phần khai quật lịch sử về sự kỳ lạ của con người từ thời trung cổ đến nay.

Tác phẩm cũng đưa ra những lời giải thích và một số phương pháp điều trị tích cực, hiệu quả cho những nỗi sợ hãi và cuồng loạn mạnh mẽ nhất.

Chứng sợ bẩn

"Qua cái tên Mysophobia (chứng sợ bẩn)", nhà thần kinh học người Mỹ William Alexander Hammond viết vào năm 1879, "mục đích của tôi là miêu tả một hình thức rối loạn tâm thần... với đặc trưng là một nỗi sợ bệnh lý, thái quá với việc bị ô uế hay vấy bẩn".

Hammond đặt ra thuật ngữ trên dựa trên từ "musos" trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là "bẩn thỉu". Ông viết rằng hơn một thập niên về trước, ông đã điều trị cho mười bệnh nhân mắc chứng này.

Chứng sợ bẩn: Rửa tay hơn 200 lần/ngày, cởi quần áo mà không chạm vào chúng - 1

Bìa sách "Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn" (Ảnh: Omega Plus).

"MG", một góa phụ giàu có 30 tuổi, được Hammond tư vấn năm 1877. Sáu tháng trước đó, cô đã đọc một bài báo về một người đàn ông mắc bệnh đậu mùa do cầm phải tiền giấy nhiễm bẩn.

"Sự việc ấy gây ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi", cô giải thích, "và ngay trước khi đếm một khoản tiền giấy đáng kể, tôi chợt nghĩ đến việc có lẽ chúng đã được cầm bởi một số người mắc bệnh truyền nhiễm".

Cô đã rửa tay sau khi chạm vào tiền, nhưng rồi lại rửa thêm lần nữa và nằm ngủ với cảm giác chẳng mấy dễ chịu gì.

Sáng hôm sau, cô lại rửa tay thật kỹ. Nhận thấy những tờ tiền giấy nằm trong cùng một ngăn kéo của bàn trang điểm với bộ đồ lót bằng vải lanh, cô mang bộ đồ vải đến tiệm giặt và mặc lên người một bộ từ ngăn kéo khác.

Cô đeo găng tay, bỏ tiền giấy vào phong bì và yêu cầu người hầu rửa ngăn kéo trong bàn trang điểm một cách chu đáo bằng xà phòng và nước.

Rồi cô chợt nghĩ tới việc mình đã chạm vào nhiều thứ khác kể từ lúc chạm vào những tờ tiền giấy và bất kỳ thứ gì trong số chúng cũng có thể lây bệnh cho cô. "Tôi vẫn còn gặp nguy hiểm". Cô cất bộ quần áo đã mặc hôm trước đi và mặc một bộ mới.

"Từ đó", cô nói, "tôi tiếp tục chuyển từ thứ này sang thứ khác. Một chuỗi không hồi kết. Tôi rửa mọi thứ mà mình có thói quen chạm vào, rồi rửa đến tay mình. Thậm chí nước cũng là phương tiện truyền nhiễm. Bất kể tôi có lau tay sạch thế nào sau khi rửa, thì vẫn sẽ còn một phần sót lại, nó phải được rửa sạch, thế là tôi lại rửa tay lần nữa".

MG bỏ việc đọc, vì sợ mình có thể bị nhiễm độc bởi những trang sách hay trang báo và chỉ bắt tay khi đeo găng - "và gần đây, ngay cả những chiếc găng tay xem ra cũng không cho tôi sự bảo vệ hoàn toàn", cô nói với Hammond.

"Tôi biết là chúng có lỗ". Hammond nhận thấy rằng cô luôn quan sát cẩn thận tay mình khi họ nói chuyện, chà chúng vào nhau để loại bỏ bụi bẩn.

Sau khi ông bắt mạch cho cô, cô lấy khăn tay ra từ túi mình, làm ẩm nó bằng một giọt nước hoa, lau vào chỗ mà ngón tay ông đã chạm vào, rồi bỏ chiếc khăn tay vào một túi khác, dành riêng cho những vật dụng bị bẩn.

MG nói rằng mình không sợ một chứng bệnh cụ thể nào cả. Chỉ là "cảm giác thái quá rằng mình sẽ bị vấy bẩn bằng một số cách bí ẩn nào đó, đè nặng lên tôi".

Rửa tay hơn 200 lần một ngày

Một bệnh nhân khác của Hammond - "Cô F", một thiếu nữ mảnh khảnh 18 tuổi - đã mắc chứng ám ảnh sợ bẩn vào năm 1877 sau một đợt bị chấy ký sinh nghiêm trọng.

"Từng chút một", ông viết, "ý tưởng đó đã cắm rễ sâu tới mức cô không thể thoát khỏi nguồn cơn làm bẩn, rằng những người khác có thể làm ô uế cô bằng cách này hay cách khác và rằng những bài báo khác nhau về cô cũng có thể sở hữu sức mạnh tương tự".

Trước khi gặp Hammond, vào năm 1879, chứng ám ảnh sợ hãi đã chi phối sự tồn tại của cô - "cả đời cô ấy là một vòng lặp liên tục giữa phiền muộn, lo lắng và sợ hãi", Hammond nói.

"Cô ấy ngờ vực mọi người và mọi thứ". Ở ngoài đường cô sẽ kéo váy lại để không chạm vào người khác. Cô dành hàng giờ để kiểm tra và rửa sạch lược và bàn chải của mình, rửa tay hơn 200 lần một ngày và đến tối sẽ cởi bỏ áo quần mà không chạm vào chúng - sau khi người hầu tháo dây buộc, cô để quần áo rơi xuống sàn, từ ấy chúng được mang đi giặt.

Ở tiệm giặt, cô biết rằng quần áo của mình sẽ tiếp xúc với đồ  của người khác. "Cô ấy không thấy được cách nào khả thi nhằm thoát khỏi tình huống này", Hammond viết, và điều đó "khiến cô ấy vô cùng khổ sở".

Như MG, Cô F không thể gọi tên cái mà mình sợ: "Cô ấy hình dung nó như một thứ có thể làm tổn thương cơ thể mình theo những cách tinh vi, bằng cách tiến vào trong cơ thể cô thông qua tay hay các bộ phận khác".

Chứng sợ bẩn: Rửa tay hơn 200 lần/ngày, cởi quần áo mà không chạm vào chúng - 2

Chứng sợ bẩn đặc trưng là một nỗi sợ bệnh lý, thái quá với việc bị ô uế hay vấy bẩn (Ảnh minh họa).

Nỗi sợ bẩn không hề mới lạ. Vào thập niên 1830, Esquirol đã điều trị cho "Tiểu thư F", một người phụ nữ 34 tuổi cao ráo, tóc nâu vàng, mắt xanh, người tránh chạm vào mọi thứ bằng tay hay quần áo, liên tục chà và rửa các ngón tay, giũ sách cũng như đồ may vá nhằm loại bỏ bụi bẩn và nhờ người hầu gái bón thức ăn cho mình.

Như quý cô này đã tư vấn với Hammond, cô hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là phi lý. "Nỗi lo âu của tôi thật là ngớ ngẩn và nực cười", cô nói, "nhưng tôi không thể ngăn nó được".

Song khi các nhà khoa học phát hiện ra bệnh cũng có thể được lây truyền bởi những vi khuẩn vô hình, vào nửa sau của thế kỷ 19, chứng ám ảnh sợ bẩn trở nên phổ biến hơn nhiều, rồi được Hammond xác định là một bệnh rối loạn tâm thần riêng biệt.

Thế giới dường như bất chợt đầy rẫy những tác nhân lây nhiễm ngầm, Don James McLaughlin lưu ý, và nỗi sợ những tác nhân ấy xem ra đã lan rộng như chính vi khuẩn.

Số tên gọi cho tình trạng này cũng tăng gấp bội - nỗi sợ này không chỉ được gọi là "mysophobia" mà còn là "germophobia", "germaphobia", "verminophobia", "bacteriophobia", "bacillophobia".

Mọi loại lo âu đều có thể được truyền tải thông qua nỗi sợ bẩn. Năm 1880, bác sĩ Ira Russell đã điều trị cho một cử nhân 47 tuổi, tốt nghiệp Trường Y Harvard, đã bị trói buộc bởi "nỗi sợ bẩn" sau khi người anh em của ông đột ngột qua đời trong vòng tay ông.

Bệnh nhân của Russell tránh chạm vào tay nắm cửa, ghế và những đồ đạc khác, và nghi thức tẩy trần vào ban đêm của ông phải mất vài giờ.

Vào thập niên 1890, Freud đã điều trị cho một phụ nữ liên tục rửa tay và chỉ chạm vào tay nắm cửa bằng khủyu tay. "Đấy là trường hợp của Quý cô Macbeth", ông viết.

"Việc rửa chỉ mang tính tượng trưng, được thiết kế nhằm lấy sự trong sạch về mặt thể chất để thay thế sự trong sạch về mặt đạo đức mà cô đã làm mất. Cô hối hận và dày vò bản thân vì đã không thủy chung trong quan hệ vợ chồng, ký ức mà cô quyết xua tan khỏi tâm trí".

Freud giải thích lý do tại sao thật khó để dứt khỏi những hành vi mang tính nghi thức đó: "Nếu ta cố ngăn cản họ thực hiện các hành vi bị thôi thúc, hoặc là việc tẩy rửa hoặc là nghi thức của họ, hay nếu họ dám từ bỏ một trong những thôi thúc của mình, họ sẽ bị nỗi sợ kinh hoàng trói buộc và một lần nữa bị thôi thúc bởi đòi hỏi phải phục tùng. Ta hiểu rằng hành vi bị thôi thúc đã che lấp nỗi sợ hãi và được thực hiện chỉ để né tránh nó".

Những thôi thúc như vậy, Freud lập luận là triệu chứng của tư duy ma thuật. Những người sợ bẩn lo rằng cảm xúc và ước muốn của mình lộ ra ngoài và những ảnh hưởng bên ngoài xâm nhập vào trong. Các nghi thức tẩy rửa được thiết kế để ngăn chặn sự vấy bẩn này, vi phạm ranh giới của bản thân.

Hammond điều trị cho những bệnh nhân sợ bẩn của mình bằng bromide, một loại thuốc an thần, trong khi Freud cố gắng chữa trị cho họ bằng cách khám phá những giấc mơ vô thức.

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện

Cuối thế kỷ 20, các nhà tâm lý học đã thử nghiệm với liệu pháp hành vi. Năm 1975, bác sĩ tâm thần người Anh Isaac Marks đã được nhờ tư vấn bởi một phụ nữ rửa tay ít nhất 50 lần một ngày và sử dụng bảy gói xà phòng bột mỗi tuần.

Cô vứt đi những bộ quần áo "bị làm bẩn", những thứ mà cô hầu như chẳng thể thay thế, và chuyển nhà năm lần trong ba năm để thoát khỏi những môi trường "bị ô uế".

Cô gán nhiều nơi với sự bẩn thỉu, Marks viết, đứng đầu trong số đó là thị trấn Basingstoke ở Anh: "Nhắc tới mỗi tên Basingstoke thôi cũng đủ để gợi lên nghi thức tẩy rửa rồi".

Trong tiến trình trị liệu của cô, Marks cùng cô đi tới thị trấn gây kinh sợ ấy, một chuyến đi "dẫn tới sự ô uế toàn diện, chứng trầm cảm trầm trọng và đe dọa khiến cô bỏ trốn". Tuy vậy, Marks nói, chứng trầm cảm qua đi sau 24 giờ và người phụ nữ kiên trì với cuộc điều trị của mình, cuối cùng đã nhận thấy bản thân có thể rũ bỏ hoàn toàn các nghi thức rửa sạch.

Tại một bệnh viện tâm thần ở phía bắc London giữa năm 2019, họa sĩ Cassandre Greenberg đã tham gia một khóa trị liệu tiếp xúc để điều trị chứng ám ảnh sợ hãi của bà với sự bẩn thỉu và nôn mửa và chứng ám ảnh cuồng sự sạch sẽ.

Nhưng vào tháng 2/2020, việc điều trị của bà đã bất ngờ dừng lại. Dịch Covid-19 đã được phát hiện ở Anh và các bệnh viện được yêu cầu chỉ tiếp nhận các ca cấp cứu. Đồng thời, chính phủ bắt đầu chỉ thị người dân thực hiện những hành vi bị thôi thúc mà Greenberg đã luôn cố thoát khỏi.

"Việc rửa tay đột nhiên trở thành hành động giải cứu đất nước", Greenberg viết trong tạp chí White Review.

"Người ta kéo nhau đến các gian bán xà phòng diệt khuẩn trong siêu thị, thứ đích thị khiến tôi thấy "phát bệnh" lại trở thành biểu hiện của sự khỏe mạnh".

Cô quan sát những người cố gắng có được "những hành vi và hình mẫu cảm giác mà tôi từ lâu đã xem là những đặc trưng cá nhân của căn bệnh trong tâm trí mình, là những cách xoa dịu mang tính nghi thức của riêng tôi đối với những trông đợi thái quá về mối nguy. Thứ "bệnh lý" trước đây đã được đúc lại thành khôn ngoan và có trách nhiệm".

Đột nhiên, công chúng được khuyến khích tiếp nhận những thái độ mà chỉ mới đây thôi sẽ gán mác họ là ám ảnh sợ hãi vi trùng, cũng như ám ảnh cuồng sạch sẽ.

Ta có thể dự đoán rằng tỷ lệ mắc chứng ám ảnh sợ bẩn sẽ gia tăng khi một chủng virus nguy hiểm lây lan mau chóng khắp thế giới, và các nghiên cứu đã xác nhận rằng nhiều hành vi ám ảnh cưỡng chế đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19.

Nhưng trong Journal of Obsessive-Compulsive and Related Disorders năm 2020, Frederick Aardema nhận thấy thứ mà một người bị thôi thúc rửa tay thật sự sợ hãi không phải là bệnh lý thể xác mà là sự xúc phạm tâm lý: vi trùng là biểu tượng của sự báng bổ thánh thần; các nghi thức tẩy rửa đầy ám ảnh "được thực hiện để phòng thủ và bảo vệ bản thân trước các mối nguy hiểm, trái với cơ thể vật lý".

Một người mắc Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) nói với Aardema rằng thay vì cảm thấy sợ bị làm bẩn hơn trong suốt sự lây lan của Covid-19, cô thấy an tâm khi biết người khác chấp nhận những hành vi của mình.

"Cô ấy không còn cảm thấy xấu hổ khi sử dụng găng tay bảo hộ nữa", ông viết, "hoặc là khi từ chối bắt tay".

Vào giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, ta nhanh chóng định nghĩa lại điều gì là thực tế.

"Tôi đã chứng kiến nỗi sợ của nhiều người hiện thực hóa trong không gian quanh mình", Greenberg viết, "theo một cách làm sụp đổ bất cứ quan niệm nào mà tôi từng có về "sức khỏe" hay bệnh tâm thần".

Đây là trường hợp gia tốc về cách một sự kiện lịch sử có thể chuyển biến nhận thức cũng như hành vi. Việc phô bày nỗi sợ đã trở nên bình thường hóa: sợ hãi thành ra là hợp lý, tận tâm, có hiểu biết. Bị thôi thúc, giờ đây, là một cách chăm sóc bản thân và người khác.