Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần I:
“Ngôi nhà tranh tình yêu” quá nên thơ trong âm nhạc dân tộc
(Dân trí) - Trong một khung cảnh làng quê yên bình với ngôi nhà tranh là nơi hẹn hò, giận dỗi, yêu đương và thăng hoa tình yêu đôi lứa, chương trình âm nhạc “Giọt gianh” của Nhà hát múa rối Thăng Long đã đem đến những cung bậc cảm xúc khó tả.
Mang phong cách diễn xuất, phần thi nhạc cụ dân tộc của Nhà hát múa rối Thăng Long đã lồng vào đúng đặc trưng của đồng quê Bắc bộ Việt Nam và trình diễn rối. Người xem đã quá ngạc nhiên khi chứng kiến những tiết mục rất sáng tạo của Nhà hát.
Sân khấu mở màn, tối đen, không thấy nhạc công đâu. Bỗng một đốm sáng của chiếc đèn dầu xuất hiện sau một mái nhà tranh phên đất được dựng bên trái sân khấu. Ánh sáng làm hiện lên tờ mờ sau tấm rèm làm bằng tre ở cửa nhà một thiếu nữ xinh đẹp thắt yếm đào đang ngồi bên cây đàn bầu. Và câu chuyện bắt đầu với những nốt nhạc tràn đầy tình cảm, sự nhớ nhung và buồn vì không được gặp người yêu trong âm hưởng nhạc dân gian Việt đầy cảm xúc.
Và rồi, kết thúc tiết mục, đèn dầu tắt, phía bên phải sân khấu có một con trâu đang đi, bên cạnh là một anh nông dân chất phác tuổi đời rất trẻ. Đi rón rén đến gần cửa nhà nàng, anh dừng lại và rút ra cây đàn nhị và chơi với điệu gọi mời. Đàn hết nửa bài, anh vẫn không nghe thấy gì. Có lẽ là nàng đang giận mình chăng? Anh bèn đàn khéo từng điệu một, từng điệu một để ra hiệu nàng là mình đang đứng ngoài chờ. Kết quả thật như ý, nàng đã hết giận và thắp sáng chiếc đèn dầu trong 2 giây rồi tắt, đủ để thấy hình bóng nàng trong căn nhà tranh. Vui sướng tột độ, chàng bèn đàn một điệu đàn réo rắt và bước vào trong bóng tối căn nhà tình yêu, nơi họ sẽ thăng hoa trong một đêm đầy lãng mạn với tình yêu thôn quê trong sáng.
Đến lúc này, dàn nhạc mới bắt đầu xuất hiện với 8 người. Âm thanh nhạc cụ quện vào nhau, và chàng lại bước ra sân khấu chơi một bài độc tấu sáo tràn đầy tình cảm. Cuối cùng, khi căn nhà đã là nơi ở của 2 trái tim vàng, chàng lại chuẩn bị đi ra đồng cày cấy để lo lắng cho mái ấm nhỏ. Ở trần trùng trục, chàng trai đến dưới gốc cau nơi có nhưng lu nước và đánh trống tưng bừng báo hiệu một ngày hội vui sẽ đến sau vụ mùa cật lực sắp tới. Những âm thanh của bầu, sáo, nhị, trống hội đã tạo ra phần kết hoàn hảo, làm chìm đắm cả không gian rộng lớn của Trung tâm Văn hóa TP Huế.
Trong 30 phút, chương trình “Giọt gianh” của Nhà hát múa rối Thăng Long có 4 phần diễn gồm độc tấu đàn bầu Nhịp điệu quê hương của Phạm Tố Loan; Độc tấu đàn nhị Kể chuyện ngày mùa do Thanh Tùng biểu diễn; Độc tấu sáo trúc Ngày hội non sông của Nguyễn Trần Hậu và độc tấu trống Đêm hội múa rối do nghệ sĩ Phạm Đình Dũng trình bày.
Có thể nói, đây là một trong những phần trình diễn rất sáng tạo có kết hợp chủ đạo với lối diễn xuất lạ, bất ngờ, đặc trưng của múa rối để cuốn hút công chúng hơn với những nhạc cụ dân tộc vốn dĩ đã bình thường với mọi người.
Đèn dầu được thắp lên trong đêm tối ở căn nhà tranh giữa đồng với tiếng côn trùng, ếch nhái kêu râm ran
Cô rất đằm thắm, dịu dàng và có duyên
Chàng trai đi làm muôn kéo theo trâu, cày từ ngoài ruộng về
Khi nghe tiếng đàn của cô
Chàng đã đến căn nhà tranh. Đèn ở trong vụt tắt và tiếng đàn bầu cũng lặng đi, chờ đợi. Và chàng lấy cây nhị ra, đàn cho nàng nghe
Vừa đàn, chàng vừa liếc vào trong xem cửa có mở hay chưa
Chàng mỉm cười khi cửa đã mở
Trở lại với việc đồng áng ngày hôm sau
Chàng lúc này (nghệ sĩ khác chơi sáo) bắt đầu thổi những khúc sáo du dương về tình yêu
Chàng sung sướng vì tình yêu tràn trề đang có
Dàn nhạc của nhà hát múa rối Thăng Long bây giờ mới xuất hiện
Vào ngày hội làng, chàng trai lúc nãy đã trở thành 1 tay đánh trống hội tài ba, ngoài biệt tài đàn nhị và thổi sáo
Từng nhịp trống tuôn trào cảm xúc tình yêu lứa đôi, yêu quê hương đất nước
Kết thúc buổi diễn, các nghệ sĩ trong áo quần nâu sồng của nông dân đứng dậy chào khán giả
Niềm vui của các nghệ sĩ khi được bạn bè, người thân tặng hoa.
Đại Dương