Ngọc Quy mang "nắng chiều rực rỡ" từ Hà Nội vào Sài Gòn

(Dân trí) - Ngọc Quy, chàng học trò của NSND Quý Dương, từng là phó đoàn ca nhạc Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen đang dần đánh dấu sự hòa nhập của anh với đời sống ca nhạc Sài Gòn.

Từng khởi đầu như một ca sĩ của dòng cổ điển chính thống, lại là học trò “con cưng” của nghệ sĩ giọng nam trung lừng danh – NSND Quý Dương, Ngọc Quy lẽ ra đã có thể trở thành một cái tên sáng giá của dòng thính phòng theo hướng cổ điển hoặc nhạc cách mạng, như nhiều đồng môn khác của anh, nhưng cái duyên với dòng trữ tình “nhạc xưa” đã lái sự nghiệp của Ngọc Quy theo một hướng rất khác với những gì anh từng hình dung khi mới bước chân vào nghề hát. Và cho tới nay, là gương mặt sáng giá tại các phòng trà Sài Gòn, với Ngọc Quy, cũng là một mối duyên bất ngờ. Những trải nghiệm trong mấy năm chuyển vào sống và ca hát tại Sài Gòn được Ngọc Quy thể hiện từ cách hát, cách chọn bài và tựu chung là tinh thần âm nhạc của album Nắng chiều rực rỡ.

Ngọc Quy mang nắng chiều rực rỡ từ Hà Nội vào Sài Gòn

Album gồm 9 bài hát của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Văn Phụng, Nguyễn Ánh 9, Lam Phương, Từ Công Phụng. Đó đều là những tác phẩm đã trở thành kinh điển của kho tàng ca khúc Việt Nam, được ca sĩ nhiều thế hệ ghi âm, biểu diễn, những nỗ lực tìm cách đổi mới lối hát, thậm chí phá cách, hay quyết tâm duy trì phong cách cũ đều đã được thể hiện. Vậy một ca sĩ mới như Ngọc Quy có thể làm được gì để tạo dấu ấn cho riêng mình trong dòng nhạc này, với những bài hát này?

Ngọc Quy đã tìm được cách để ghi tên mình vào danh sách những ca sĩ thành công với “nhạc xưa”, và đây chính là công thức giúp anh thành công khi đặt chân vào Sài Gòn, trở thành một giọng hát được khán giả phòng trà từ chú ý tới yêu thích: Dùng chính những sở trường của mình khi còn theo đuổi việc học thanh nhạc cổ điển nhưng áp dụng vào không gian thân mật gần gũi như phòng trà với những thay đổi thích hợp nhằm “mềm hóa” giọng hát nhưng giữ được tinh thần cao nhất của lối hát đẹp kiểu cổ điển: chau chuốt giai điệu, hát rõ lời, âm thanh giọng hát mềm mại. Như thế, Ngọc Quy giữ lại cho những bài hát rất xưa vẻ đẹp cổ kính theo thời gian, nhưng đưa được vào đó cảm xúc của một người hát của ngày hôm nay, và đang hát cho những khán giả ở rất gần mình, như ở phòng trà, khán giả có khi chỉ cách ca sĩ một hàng ghế.

Bởi thế, khi nghe Nắng chiều rực rỡ khán giả sẽ thấy ở đây âm hưởng bán cổ điển rõ nét, nhưng cách hát lại theo hướng tâm tình, như thể trò chuyện. Ngọc Quy rất khéo léo trong cách xử lý âm thanh giọng hát để tiếng hát đến tai người nghe êm ái nhất có thể. Khán giả chuộng nhạc xưa kiểu “truyền thống” sẽ cảm thấy rất “dễ vô” khi thấy những bài kinh điển như Mộng dưới hoa, Yêu, Thành phố buồn, Nỗi lòng người đi hay cả một bài có cao trào đầy cảm xúc bức bối như Cô đơn được thể hiện hết sức nhẹ nhàng, kiểu “hư chiêu” nhưng rất hiệu quả về hiệu ứng cảm xúc. Bài hát chủ đề Nắng chiều rực rỡ là sự kết hợp đẹp đẽ giữa bán cổ điển với phong cách acoustic pop với lối hát tinh tế từng chữ nhẹ bay thể hiện sự mong manh của kiếp sống, trong giờ phút sắp chia lìa cuộc đời. Lối hát có màu sắc cổ điển còn đem lại một hiệu quả mới mẻ cho bài hát đã rất quen thuộc của Phạm Duy là Kỷ niệm, bài hát có cấu trúc như một câu chuyện kể, được hát lên nhưng một đoản khúc bán cổ điển.

Ngọc Quy mang nắng chiều rực rỡ từ Hà Nội vào Sài Gòn

Album có sự tham gia hòa âm phối khí của các nhạc sĩ Vĩnh Tâm, Quang Ngọc, Vũ Thanh Sơn, những người mà hoạt động âm nhạc của họ gắn bó rất nhiều với các phòng trà Sài Gòn, chính điều đó mang lại phong vị đặc biệt “phòng trà” như đã nói với màu sắc thính phòng là chủ đạo, thể hiện bằng phong cách acoustic đang là xu hướng hiện nay.

Đã từng là phó đoàn ca nhạc Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen, từng là một trong những ca sĩ chính của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời là một giảng viên thanh nhạc tại nhiều trường nhạc trong Tp.HCM, đều là những điều kiện thuận lợi cho việc theo đuổi những dòng nhạc khác, nhưng Ngọc Quy đã chọn dòng trữ tình, nhạc xưa, như một mối duyên, đã chọn phòng trà Sài Gòn như nơi để gặp gỡ, tìm kiếm và gây dựng những khán giả cho tiếng hát của mình. Hiện Ngọc Quy hát đều đặn tại các phòng trà Đồng Dao, Không Tên, Ân Nam, C’est Moi… và vẫn âm thầm chuẩn bị cho các sản phẩm âm nhạc mới của mình.

 Phan Anh