1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nghệ sĩ Vượng Râu: “Nhiều nghệ sĩ không có phanh để kiềm chế mình lại”

(Dân trí) - “Vì dễ kiếm tiền, dễ có cuộc sống hưởng thụ và dễ đón nhận những điều choáng ngợp nên người ta dễ bị “bay lên trời”. Họ không có cái phanh để kiềm chế mình lại", nghệ sĩ Vượng Râu chia sẻ.

Trong khi nhiều nhà sản xuất phải từ bỏ việc tổ chức chương trình vì thua lỗ để chuyển qua sản xuất phim thì anh vẫn trung thành với chương trình ca nhạc - hài kịch mỗi năm một lần. Đây có phải là cách chơi ngông của Vượng râu?

Tôi không dám chơi ngông kiểu đó đâu bởi tôi có phải người lắm tiền nhiều của đâu. Tôi chẳng dại mang cả gia tài điền sản và cuộc sống của vợ con ra mà đánh cược. Tôi tổ chức Tết Vạn Lộc hàng năm bởi chương trình đã trở thành thương hiệu không thể bỏ. Bên cạnh đó, chương trình cũng là đam mê và tâm huyết của tôi bao nhiêu năm qua.

Nghệ sĩ Vượng Râu: “Nhiều nghệ sĩ không có phanh để kiềm chế mình lại” - 1

Nghệ sĩ Vượng Râu, Quang Tèo, Chiến Thắng... trong một tiểu phẩm hài.

Sở dĩ tôi thường tổ chức chương trình vào dịp cuối năm là để khán giả có thêm một “bữa tiệc tinh thần” sau một năm lao động, cống hiến vất vả. Người miền Bắc có thói quen, cứ đến cuối năm lại ngóng chờ các chương trình có màu sắc Tết - Xuân.

Vì thế, chương trình nào tôi cũng có sự đầu tư bài bản từ nghệ sĩ, kịch bản, sân khấu, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ… Năm nay, chương trình kỷ niệm 15 năm thành lập trung tâm nên chúng tôi sẽ thể hiện làm sao để có nhiều dấu ấn nhất.

Nhiều người cho rằng, hài của Vượng râu trong các chương trình Tết ngày càng bị tục tĩu. Anh nói sao về điều này?

Thực ra, xem ca nhạc hay xem hài thì mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng. Tôi thấy những gì tôi đề cập đến trong các tiểu phẩm do mình đóng hoặc do mình viết kịch bản không thô tục, không bậy bạ, không trần trụi và càng không có chửi tục - chửi thề.

Nếu nói những câu cửa miệng mang văn hoá vùng miền trong tiểu phẩm của tôi là tục tĩu thì các sản phẩm nghệ thuật như thế bây giờ nhan nhản. Giống như bài hát “Mồ tổ cha mày” của chị Cẩm Ly, khi phát hành đã có nhiều ý kiến trái chiều nhưng vẫn được nhiều người yêu thích. Ngay cả cơ quan cấp phép cũng nhận định đó là một bài hát đậm văn hoá địa phương nên họ vẫn cấp phép cho lưu hành và phổ biến.

Chương trình của tôi cũng thế, khi được cấp phép biểu diễn thì cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã xem trước kịch bản và tham dự tổng duyệt. Nếu hài của tôi mà tục tĩu và bậy bạ thì làm gì có chuyện được cho lên sân khấu.

Những gì tôi đưa vào tiểu phẩm của mình là những điều tôi lượm lặt từ đời sống, từ văn hoá dân gian. Tôi chỉ nói theo cách của các cụ cho dân dã và gần gũi thôi.

Nhưng rõ ràng nội dung câu chuyện trong các tiểu phẩm của anh vẫn bị đánh giá là quẩn quanh với những điều kiêng kỵ?

Các tiểu phẩm của tôi so với các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… chẳng là cái gì cả. Và nhiều chi tiết trong tiểu phẩm của tôi cũng vay mượn từ các tác phẩm văn học hiện thực phê phán.

Tôi cho rằng, không mang ngôn từ hoặc hành động thô thiển lên sân khấu là được, còn đả động đến chuyện kiêng kỵ một chút cũng rất bình thường. Miễn mình đừng xoáy vào đó để chọc cười một cách thô thiển là được.

Như tiểu phẩm “Mừng thọ mẹ” trong Tết Vạn Lộc năm ngoái, có tục gì đâu, tất cả đều dùng ngôn ngữ đời thường mà. Phim ảnh cũng thế thôi, làm sao tránh được những chuyện rất đỗi đời thường đó. Nói về ngoại tình không thể không có cảnh giường chiếu.

Nghệ sĩ Vượng Râu: “Nhiều nghệ sĩ không có phanh để kiềm chế mình lại” - 2

Anh có thừa nhận bây giờ sáng tác được kịch bản hài vừa văn minh, vừa mang được nhiều tiếng cười đến cho người xem là rất khó?

Tìm được những kịch bản hài vừa văn minh, vừa dí dỏm, vừa vui vẻ… ngày xưa đã khó rồi chứ không phải đến bây giờ. Cái khó ở đây là người viết được thì không hài mà người hài thì không viết được. Mà tôi nói thật, 99% người diễn hài tốt đều tự viết hài cho mình đóng chứ không nhận kịch bản của người khác vì người khác có viết được hài đâu.

Anh Bảo Chung, Trường Giang, Trấn Thành, Giang Còi và bản thân tôi đều phải tự viết kịch bản hài. Chúng tôi viết vì không tìm được kịch bản hay để đóng chứ không phải vì sợ tốn tiền mua kịch bản.

Nhiều lúc cũng phải chấp nhận cảnh văn chương bình thường mà mang được tiếng cười đến cho người xem còn hơn văn chương hoa mỹ mà không khiến người ta cười. Xem một vở kịch hài lành mạnh từ đầu đến cuối nhưng chẳng cười được miếng nào xem ra cũng khó chịu lắm.

Nhân tiện đề cập đến chuyện tục tĩu trong nghệ thuật. Mới đây, cư dân mạng xôn xao trước những phát ngôn có phần thô thiển của ca sĩ Duy Mạnh về phụ nữ Việt Nam. Anh nghĩ sao về câu chuyện này?

Nghệ sĩ luôn phải khoác tấm áo “hoa hậu thân thiện” nên nhất cử nhất động đều bị soi mói. Chỉ những nghệ sĩ không bao giờ nói điều gì mới không bị vạ miệng. Người xưa có có câu “bệnh từ miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra”.

Tôi có đọc báo về câu chuyện này nhưng thú thật cũng không có quan tâm lắm nên không tìm hiểu thật cặn kẽ. Tôi nghĩ rằng, nếu anh Duy Mạnh nói điều đó với ý đùa vui thì có thể thông cảm, còn nếu câu nói đó gây ảnh hưởng đến phụ nữ Việt thì cần phải rút kinh nghiệm. Nghệ sĩ phải hết sức cẩn thận trong phát ngôn trên mạng.

Bản thân tôi cũng hài hước và vui vẻ lắm nhưng không bao giờ tôi dám bông đùa trên mạng xã hội. Vì tôi sợ nói ra mọi người sẽ xem tôi là một kẻ thấp hèn, bần tiện. Tôi sợ mọi người sẽ nghĩ tôi là một nghệ sĩ thiếu văn hoá, ăn nói bừa bãi. Tôi sợ nói ra mà 10 người không hiểu thì câu chuyện sẽ không dừng ở đó… nên tôi phải giữ gìn.

Nếu các nghệ sĩ đi trước làm việc rất hăng say và giữ hình ảnh rất chuẩn mực thì nghệ sĩ ngày nay, càng ngày càng có nhiều phát ngôn thiếu chuẩn mực, làm dậy sóng và gây bức xúc dư luận. Theo anh, chuyện đó xảy ra là vì cái tôi nghệ sĩ bị đẩy lên cao quá hay do thời thế đảo điên?

Theo tôi, mỗi nghệ sĩ có một cái tôi rất lớn. Có người thể hiện cái tôi đó trong nghệ thuật nhưng cũng có người thể hiện cái tôi đó trước công chúng. Nếu cái tôi nghệ sĩ bị đẩy quá giới hạn sẽ rất dễ bị mất kiểm soát.

Bên cạnh đó, thời thế đảo điên cũng tác động rất lớn đến hành xử của nghệ sĩ. Thời của các cụ trước chưa có mạng xã hội và cũng không được sung sướng như bây giờ.

Sung sướng ở đây là chỉ cần diễn một buổi có thể kiếm được số tiền bằng người ta chắt bóp, góp nhặt cả đời. Hát một buổi đã đút túi 500 triệu đến 1 tỷ đồng rồi. Và vì dễ kiếm tiền, dễ có cuộc sống hưởng thụ và dễ đón nhận những điều choáng ngợp nên người ta dễ bị “bay lên trời”. Họ không có cái phanh để kiềm chế mình lại.

Ngoài ra, thời buổi này, mạng xã hội rồi kênh truyền hình rộ ra như “nấm sau mưa” khiến cho người ta dễ bị “ngáo”. “Ngáo” mạng xã hội, “ngáo” sức mạnh ảo, “ngáo” tung hô ảo.

Nay được tung hô, mai được khen nên cứ tưởng những gì mình nói ra đều là chân lý nên nói không cần suy nghĩ, không lường đúng sai. Cứ như thế nên bị theo cuốn chiều hướng tiêu cực, không tốt. Nhưng tôi tin rồi sẽ có sự thanh lọc và đào thải.

Nghệ sĩ Vượng Râu: “Nhiều nghệ sĩ không có phanh để kiềm chế mình lại” - 3

Vượng Râu tâm sự, anh không dám bông đùa trên mạng xã hội vì sợ người ta đánh giá thiếu văn hoá.

Anh nhìn nhận như thế nào về một bước thành ngôi sao và sự ảnh hưởng đối với công chúng của nhiều bạn trẻ hiện nay?

Thời nay có một cái hay đó là nhờ mạng xã hội mà các bạn trẻ nổi tiếng nhanh hơn. Nhưng nó cũng có một cái dở là mọi thứ quá dễ dãi nên người trẻ được cho là “ngôi sao” ngày càng đông ngoài sức tưởng tượng.

Không ai có thể dựa vào mạng ảo để duy trì tên tuổi nếu không có sản phẩm nghệ thuật, không có cống hiến và không có tài năng. Ví dụ, bạn Sơn Tùng MTP - bạn ấy nổi tiếng từ rất sớm và đến bây giờ vẫn đang là “hiện tượng” trong giới ca sĩ trẻ… nhưng rõ ràng bạn ấy có tài năng thật sự.

Tôi xem những sản phẩm nghệ thuật và những bài trả lời phỏng vấn của bạn ấy mà rất ngưỡng mộ. Phải thừa nhận rất ít người trẻ làm được như Sơn Tùng.

Tuy nhiên, trong giới showbiz cũng có không ít người trẻ tự xưng mình là “hiện tượng”, có sản phẩm triệu “view” (lượng người xem - PV) trên mạng nhưng tôi thấy họ cũng rất bình thường.

Tôi cho rằng, lượng người xem đối với một sản phẩm chưa phải là thước đo chuẩn để khẳng định vị thế và tài năng của một nghệ sĩ. Tài năng phải được thể hiện qua sự cống hiến, tầm ảnh hưởng và sự nhìn nhận của giới chuyên môn lẫn công chúng ngoài đời thực.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long