Vượng râu: Đầu tư cho văn hóa, tiền phải song hành cùng với chữ tâm
"Nếu không có sự đầu tư của doanh nghiệp, những nghệ sĩ như chúng tôi rất khó để làm chương trình mang tính nghệ thuật cao"- đạo diễn Nguyễn Công Vượng tâm sự khi vừa thực hiện thành công Gala Tết Vạn lộc hôm 3/12.
Dù chăm chỉ cày cuốc và tích lũy để làm chương trình vào cuối năm nhưng đạo diễn Nguyễn Công Vượng tâm sự, nếu không có sự chung tay của các mạnh thường quân, đơn vị tổ chức rất khó để làm được như mong muốn, vì chi phí cho một show diễn trực tiếp là rất lớn. Bình thường chỉ cần vài trăm triệu là quay được một sản phẩm hài thì với sân khấu liveshow, để làm được cho ra tấm ra món cần đến số tiền lên đến vài tỷ đồng.
12 năm thực hiện các sản phẩm hài tết và chương trình, đạo diễn Nguyễn Công Vượng chia sẻ, anh khá may mắn khi luôn có những doanh nghiệp lớn đồng hành. Năm nay, đơn vị tài trợ kim cương cho Gala Tết Vạn lộc là Công ty TNHH PT Casa- một đơn vị phân phối đồ nội thất, vật liệu xây dựng cao cấp hàng đầu thế giới như Socci, Formitalia, Turri, Lacontessina, Formenti...
Tọa lạc tại 177 Cầu Diễn- Hà Nội, showroom của Công ty - tòa nhà Phương Toản có diện tích hơn 7.000 m2 mang đậm phong cách châu Âu từ thiết kế đến các sản phẩm trưng bày bên trong. Vốn là người yêu thích cái đẹp nên cùng với việc mang đến một ngôi nhà mơ ước cho khách hàng, doanh nhân trẻ Phạm Thu Hà- Giám đốc PT Casa luôn đứng đằng sau hỗ trợ cho các dự án nghệ thuật.
Từng có 9 năm du học ở Singgapore, Phạm Thu Hà không chỉ nối tiếp truyền thống 3 đời làm kinh doanh của gia đình mà còn đang nổi lên là một nữ doanh nhân trẻ năng động và sáng tạo. Bên cạnh củng cố chất lượng, công ty còn chọn hình thức phát triển thương hiệu thông qua đầu tư vào văn hóa. Thế nên trong giới doanh nhân, Phạm Thu Hà là người giữ được nhiều mối quan hệ thân thiết với các nghệ sĩ phía Bắc. Cô cho biết, các nghệ sĩ là người mang lại cái đẹp cho công chúng, điều này cũng có sự tương đồng với phương châm của PT Casa- luôn mang đến sự tốt nhất cho ngôi nhà của họ. Đó không chỉ là nơi ở đơn thuần mà cùng với chất lượng cuộc sống ngày càng hiện đại, ngôi nhà đang được coi là một tác phẩm nghệ thuật.
Nhận định về xu hướng bảo trợ văn hóa thời gian gần đây, đạo diễn Nguyễn Công Vượng cho biết: Việc các doanh nghiệp đồng hành cùng các chương trình nghệ thuật là một công cụ quảng bá thương hiệu và sản phẩm một cách tinh tế. Một doanh nghiệp tên tuổi cũng luôn được nhìn nhận, đánh giá bằng các đóng góp cụ thể, thiết thực với văn hóa. Tuy nhiên, các đơn vị chỉ nhắm vào những chương trình được nhiều người yêu thích, phù hợp với quảng đại quần chúng. Nhiều năm qua, Công ty "Nụ cười vàng" của tôi may mắn được nhiều doanh nghiệp đồng hành, trong đó có PT Casa. Điều đáng quý nữa là họ làm bằng cái tâm, trân trọng nghệ sĩ thực sự. Nhờ "bà đỡ" này mà chúng tôi được yên tâm sáng tạo, nếu không thì nghệ sĩ khó mà "chơi" hết mình, vì cầm chắc cái lỗ trong tay".
Dùng văn hóa để duy trì hình ảnh thương hiệu và định vị thương hiệu là hoạt động thường thấy ở các doanh nghiệp. Nó không còn là một hoạt động quảng bá đơn thuần mà ngày càng tiến tới là cuộc chơi đầy đẳng cấp, để rồi thông qua đó chứng tỏ tầm vóc của thương hiệu. Rất nhiều các chương trình nghệ thuật đỉnh cao, các nghệ sĩ tên tuổi tầm cỡ quốc tế như Richard Clayderman, Kenny G, ban nhạc Model Talking... sở dĩ đến Việt Nam biểu diễn được như thời gian qua đều có những thương hiệu đứng sau đỡ đầu.
Nghệ thuật mang công chúng đến gần hơn với nghệ sĩ và nghệ thuật cũng giúp doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều nhãn hàng lựa chọn hình thức tài trợ, bảo trợ văn hóa để quảng bá một cách tinh tế mà vẫn rất hữu hiệu. Đã có nhiều doanh nghiệp thành công nhờ biết cách áp dụng chiến lược quảng bá này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự đầu tư cho văn hóa cũng cần phải duy trì lâu dài, biến nó thành “đặc sản” riêng của doanh nghiệp và thương hiệu. Nếu chương trình bị “đứt khúc” hoặc thực hiện trong ngắn hạn thì mọi nỗ lực sẽ thành công cốc.
Thanh Lê