Nghệ sĩ nữ "tíu tít" chê "trai làng ta"

Bỗng nhiên có nhiều nữ nghệ sĩ có chút danh tiếng của ta công khai chê đàn ông Việt và kéo theo đó là những cuộc tranh luận về bản lĩnh, sức hút của "trai nhà" nổ ra liên tiếp trên khắp các diễn đàn trên mạng, trong công sở.

Người nói các cô có danh, có thế nên yêu cầu cao, chưa hài lòng với đàn ông Việt là đúng thôi; người khác lại bảo, cũng là "gái làng" sao lại chán "trai làng" quay ra mơ "trai phố"!

Ca thán về "trai làng ta"

Phát ngôn mới đây của cô MC kiêm ca sĩ còn mỏng tên tuổi Nguyệt Ánh trở thành mồi lửa làm bùng lên các cuộc tranh luận về chuyện hay, dở của đàn ông Việt.

Sau khi kể chuyện các mối tình, MC Nguyệt Ánh nói thẳng: "Sẽ ngày càng nhiều phụ nữ yêu và lấy người nước ngoài nếu đàn ông Việt không đáp ứng được yêu cầu bình thường của phụ nữ và không chịu thay đổi quan niệm. Đàn ông đừng nghĩ tất cả phụ nữ đều cần tiền và phải dựa vào họ. Cái chúng tôi cần là được tôn trọng, yêu thương và ủng hộ".

Kéo theo bài phỏng vấn đó trên báo "Đẹp", trên mục Bạn đọc viết của một tờ báo còn cho đăng hàng loạt ý kiến trao qua, đổi lại với phát biểu của MC Nguyệt Ánh.

Nhìn qua tất cả các ý kiến thấy cánh "nam nhi" cũng nhảy vào bày tỏ ý kiến phản đối cực lực suy nghĩ "thiển cận" của Nguyệt Ánh - dù cũng có người "khen" cô đã "dũng cảm" đưa chuyện yêu đương của bản thân lên báo. Phần đông "nữ nhi" cũng phản đối, bày tỏ thái độ với Nguyệt Ánh: "Đừng coi thường đàn ông Việt!". Rất hiếm người "đồng tình với Nguyệt Ánh" hoặc nhắc cô MC này thay vì thiếu "tế nhị" với những phát biểu thuộc dạng "nhạy cảm" thì nên đóng cửa để "chị em bảo nhau" thì hơn.

Từ chuyện của Nguyệt Ánh yêu người Singapore, nhìn lại mới giật mình khi đã có không ít nữ nghệ sĩ lên báo "chê" đàn ông Việt thời gian qua. Nhạc sĩ Giáng Son trước khi ra đĩa, lên báo "thưa thật" về chuyện muộn chồng của mình rằng: "Tìm một người đàn ông bây giờ thật khó bởi "bóng" nhiều quá!".

Phát ngôn của Giáng Son đã gây sốc cho khối người và chính chị đã phải thanh minh trước công luận sau khi bị phản đối rầm rĩ. Giáng Son khẳng định mình không gây sốc để ra CD mới và nguyên văn câu nói bông đùa của chị chỉ là “Dạo này thấy bóng hơi nhiều” (!). Tất nhiên, với Giáng Son, nếu đó chỉ là chuyện "vạ miệng", thì phát ngôn kia cũng khiến chị "mất điểm" trong mắt nhiều đàn ông Việt.

Hồ Ngọc Hà cũng từng có lần lỡ miệng: "Tôi coi thường đàn ông". Sau đó chị cũng bị không ít người "tẩy chay", vì dù gì thì người yêu chị khi đó là Đức Trí cũng là một nhạc sĩ tài năng người Việt. Rút kinh nghiệm vì những lần như thế nên sau này chị đã "tỉnh" hơn khi nói "tôi lớn rồi, chẳng lẽ lại "ngu" hoài vậy sao?!".

Một người đẹp khác là Bằng Lăng cũng hồn nhiên phát biểu: "Tôi thích người nước ngoài từ lâu".

Không chỉ có "sao" nhỏ mới lên tiếng chê đàn ông Việt mà "sao" sáng hơn một chút như Hồ Quỳnh Hương hay từng trải như Thanh Lam cũng có lời ca thán. Vậy, phải chăng các đấng nam nhi cũng nên soi lại mình?

Hồ Quỳnh Hương nói: "Đàn ông vẫn là đàn ông, nên tôi không tin được! Đàn ông luôn muốn phụ nữ chung thủy, nhưng đòi hỏi sự chung thủy ở họ thì khó vô cùng. Họ có thể choáng ngợp bởi một vẻ đẹp khác, thậm chí phản bội vì một vẻ đẹp khác. Họ sẽ giấu diếm, và nếu bị lộ thì sẵn sàng đánh đổi để lấy mình. Nhưng tôi là người không thể chấp nhận được điều đó.

Tôi không tin được đàn ông, dù tôi luôn luôn cố. Tôi gắng để mình là người chung thủy, và sống đúng nghĩa với người tình yêu. Đến thời điểm này, tôi yêu hai người đàn ông, và đều cảm thấy họ có cái gì đó không thật lòng, dù tôi cảm thấy trong tình yêu mình có sức mạnh đủ để người đó không thể rời bỏ mình".

Còn Thanh Lam - người đang gắn bó với những ca khúc đậm chất dân gian Việt Nam của Lê Minh Sơn - tâm sự: "Trong tình yêu, tôi yêu mãnh liệt và luôn luôn đánh mất bản thân mình. Tôi đốt hết những năng lượng tinh thần cho người mình yêu. Tôi cưng chiều họ thái quá và cũng kỳ vọng họ quá nhiều, vì thế mới đổ vỡ. Tôi có lỗi vì tôi quá kỳ vọng ở đàn ông. Đó là lý do làm tôi không trọn vẹn trong hôn nhân.

Tôi nghĩ đàn ông phải đủ lớn, đủ mạnh và đủ bao dung để che chở, bao bọc cho phụ nữ, và làm người phụ nữ phải kính trọng. Tôi là người mù quáng trong tình yêu. Sự thi vị tuyệt vời nhất, lãng mạn nhất đó là mù quáng và đánh mất chính bản thân mình khi yêu. Việc một số phụ nữ bây giờ sinh con không cần kết hôn là một dấu hỏi lớn cho đàn ông Việt. Tôi nghĩ, đàn ông Việt Nam hình như ngày càng ít yêu phụ nữ hơn yêu chính bản thân mình. Đó là một điều rất buồn".

Và có phải "đàn ông Việt Nam hình như ngày càng ít yêu phụ nữ hơn yêu chính bản thân mình" dẫn đến nguy cơ nhãn tiền theo lời ca sĩ Nguyệt Ánh là "ngày càng nhiều phụ nữ yêu và lấy người nước ngoài"?

Dù trong dù đục, ao nhà có hơn?

Không chỉ ca sĩ, người mẫu mà một số nhà văn nữ cũng đã không ngại kêu ca, phàn nàn về đàn ông Việt. Nhà văn Lê Minh Khuê từng phát biểu: "Những người đàn ông thời nay đôi khi làm tôi thất vọng".

"Nhìn ra những người đàn ông Nhật Bản, Hàn Quốc, rõ ràng họ cũng gia trưởng và “chèn lấn” phụ nữ trong gia đình, nhưng dù sao họ còn ý thức rõ ràng về sức mạnh đất nước, về sự vẻ vang của dân tộc mình.

Còn đàn ông ở ta, tôi rất ngạc nhiên về họ. Khi nhận xây một tòa nhà, một con đường... Họ không nghĩ phải làm cho đẹp, cho tốt để sánh với tòa nhà này hay con đường kia của một nước nào đó mà chỉ nghĩ làm thế nào để bỏ túi được một nửa, chí ít là một phần ba tiền đầu tư. Hầu như ai cũng vậy, không ai có trách nhiệm, có lòng tốt, có ý thức làm cho nước Việt Nam giàu mạnh lên và vẻ vang hơn".

Có vẻ như sự chỉ trích bản lĩnh, tư cách của "phái mạnh" Việt Nam đã vượt quá giới hạn. Xem ra đây không còn là "chuyện phiếm" của cô ca sĩ này, cô người mẫu kia nữa.

Khi theo dõi kỹ hoạt động văn hóa - nghệ thuật trong nước sẽ thấy một điều (có thể là xu hướng?): các cô người mẫu Việt Nam nối gót nhau lấy chồng ngoại quốc.

Ngô Mỹ Uyên lấy chồng người Italia, Ngọc Nga lấy chồng người Australia, Bằng Lăng lấy chồng người Đức... hay "người đẹp dao kéo và sexy" Phi Thanh Vân sắp về làm dâu nước Pháp và họ đều lên báo "khoe" gia đình vợ Việt - chồng Tây với những khoảnh khắc lộng lẫy nhất. Trong số các "chân dài" này, nhiều cô từng yêu "trai Việt" nhưng sau đó đã tiến tới "yên bề gia thất" với "trai Tây".

Mới đây, bộ phim bị khán giả và báo chí chê bai "lên bờ xuống ruộng" Sài Gòn nhật thực đề cập đến hiện tượng mà nhà làm phim cho là "thực tế phũ phàng": các cô gái ham hố lấy chồng ngoại nên rơi vào những cái bẫy buôn người.

Sự việc có lẽ sẽ không quá nghiêm trọng và đàn ông Việt chưa đến mức phải "run". Mặc dù, có "hiện tượng bề mặt" là rất nhiều người ngoại quốc đã không tiếc lời khen phụ nữ Việt Nam đẹp và quyến rũ; còn phụ nữ (nhất là những người có điều kiện "nói to" như giới văn nghệ sĩ, người mẫu...) lại bày tỏ nỗi thất vọng, chán nản về sự thiếu hụt "galant, manly và lãng mạn" của đàn ông Việt.

Xét thấy, nhiều khi lời chê thẳng thắn cũng là muốn đàn ông Việt tốt lên, đáng mặt nam nhi hơn - đó là những góp ý "thuốc đắng dã tật". Nhưng sự thực thì mỗi người chỉ nhìn được một góc, chưa phải cái nhìn toàn cục. Có câu nói "con không chê cha khó...", nhưng nếu đàn ông Việt bị "chê" quá nhiều thì có lẽ cũng không thừa khi những người làm chồng, làm cha cần có những phút nhìn lại mình!

Tất nhiên, với những lời lẽ gây sốc, vơ đũa cả nắm thì nên bỏ ngoài tai, và khi đó người nghe sẽ quay lại xem xét  người phát ngôn "chuyện đàn bà". Trường hợp của cô MC Nguyệt Ánh với những lời lẽ: "Cũng có nhiều người nói với tôi là em giỏi như thế này thì liệu có lấy được chồng không vì đàn ông sợ em lấn lướt người ta...." là một ví dụ.

Một bạn đọc đã có liên tưởng khá thú vị sau bài viết của Nguyệt Ánh cộng với nhiều phản hồi bức xúc. Trên Web Trẻ thơ - một diễn đàn của các ông bố, bà mẹ, trường hợp của Nguyệt Ánh được so sánh như một cô gái gặp phải một đám trai làng!

Thành viên này viết: "Cô gái mới qua vài cuộc tình không thành thì vội hô lên là con trai cả cái làng này chẳng ra cái thể thống gì. Đám trai làng "chẳng ra cái thể thống gì" tức khí, yêu con gái người ta không được thì quay sang cấm đường không cho cô ấy quen biết con trai làng khác và chửi bới ầm ỹ.

Vậy thì những anh trai làng này cũng chẳng tử tế nỗi gì. Anh nào rất tử tế lắm thì nói với mấy thằng du côn là chúng mày thôi trò mèo đó đi. Các anh khác thì coi như chẳng có chuyện gì. Kệ cô kia chu chéo, tai ai gần miệng lại nghe, các anh ấy vẫn là những anh tử tế, lấy được những cô vợ tốt ở làng và cả làng bên nữa nếu các anh ấy muốn thế".

Ý tưởng đó cũng đáng suy ngẫm. Nhưng từ ý nghĩ ấy chợt thấy, lâu nay người ta vẫn nhắc nhiều đến "trai làng" mà thực tế lại quên còn có "gái làng". "Trai làng" mang thói quen "ngăn sông cấm chợ", ngần ngại bôn ba băng rừng vượt biển đã đành, còn "gái làng" cũng chỉ biết thở vắn than dài, rồi nhìn ra bên ngoài và thấy "ngợp" thôi sao?!

Dân làng ta có câu "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn", nhưng nếu vẫn còn cảnh "trai làng", "gái làng" thì khó mà "cùng tát biển Đông" hay "vươn ra biển lớn". Mà thực ra như người ta vẫn hay nói trong thời "hội nhập", Tây - Ta không khác nhau là mấy... 

Theo Danh Anh
ViệtTime/Tin Tức online