Nghệ nhân cồng chiêng bên dòng sông Lam

(Dân trí) - Ngay từ nhỏ ông đã quen với tiết tấu, âm điệu vang vọng của tiếng cồng, chiêng của những nghệ nhân trong bản. Với niềm đam mê đó, ông được người cha truyền dạy cách đánh cồng, chiêng với những bản nhạc tấu, điệu mừng nhà mới, điệu múa xòe....

Nghệ nhân cồng chiêng bên dòng sông Lam
Ông Vang Văn Phùng nâng nui những chiếc cồng chiêng.

Nghệ nhân mà chúng tôi muốn nói tới là ông Vang Văn Phùng, ở Bản Phòng, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An). Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nắng như lửa thiểu vào mùa hè, lũ lụt lút trời vào mùa mưa. Và bên dòng sông Lam đôi khi thơ mộng, cũng có lúc ồn ào kia nghệ nhân Vang Văn Phùng trở nên một người đa tài, lưu, gìn giữ được rất nhiều giá trị truyền thống về nghệ thuật của bản làng.

Do cuộc sống văn hóa lai Tây đang du nhập vào tiếng cồng chiêng của đồng bào dân tộc Thái đang dần mai một. Với mong muốn không để di sản văn hóa dân tộc bị mai một, nghệ nhân Vang Văn Phùng vẫn từng ngày miệt mài nghiên cứu, lưu giữ và truyền dạy những giá trị truyền thống của cha ông cho mọi thế hệ trong bản, trong xã, huyện của mình.

Chính vì thế mà ngay từ nhỏ ông đã quen với tiết tấu, âm điệu vang vọng của tiếng cồng, tiếng chiêng của những nghệ nhân trong bản. Với niềm đam mê đó ông được người cha truyền dạy cách đánh cồng, đánh chiêng với những bản nhạc tấu, điệu mừng nhà mới, điệu múa xòe hay điệu mừng nhà mới, mừng ngày lễ, tết…tưng bừng, rộn rã.

Nghệ nhân cồng chiêng bên dòng sông Lam
Ông Phùng đánh chiêng cho phóng viên nghe thử.

Những cảm xúc đó đã khơi gợi trong lòng chàng trai trẻ một cảm xúc lung linh khôn tả, và từ đó, tiếng cồng, tiếng chiêng cứ ngân nga mãi trong lòng chàng trai. Khi lớn lên, ông luôn trăn trở suy nghĩ: “Làm sao để giữ gìn những giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào mình được sống mãi”. Chính những trăn trở này đã thôi thúc ông tích cực nghiên cứu, cảm nhận, học hỏi ở những người đi trước, và cuối cùng ông đã học thành công.

“Muốn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa cồng chiêng thì trước hết cần quan tâm, bảo tồn giữ gìn qua lớp trẻ, phải truyền cảm cho lớp trẻ bây giờ, để các cháu cảm nhận được âm, nhịp, tính chất, giá trị của bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Tôi đã vận động các cháu trong làng bản tập làm quen, để cảm nhận được những nhịp điệu, giá trị âm sắc. Đến nay từ già đến trẻ đã cảm nhận được âm nhịp rồi....”, ông Phùng chia sẻ.

Tuy nhiên văn hóa cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, do nhận thức có hạn, hoàn cảnh khó khăn, nên không ít gia đình đã đem cồng chiêng bán đi, các nghệ nhân biết đánh cồng chiêng cũng ngày một thưa dần, người truyền thần sắc tinh túy của cồng chiêng cho thế hệ trẻ đã hiếm, người có ý thức học hỏi họa chăng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Điều dễ nhận thấy là những người biểu diễn cồng chiêng chỉ là lớp già và lớp trung niên, rất ít thanh niên hiểu biết sâu về giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình, nên nghệ thuật cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Ý thức sâu sắc được điều đó nên ông Phùng đã bắt tay vào việc truyền dạy cách đánh cồng chiêng, với tâm nguyện duy nhất là khơi dậy và thắp sáng niềm đam mê cồng chiêng cho thế hệ mai sau.

Nghệ nhân cồng chiêng bên dòng sông Lam
Và những tiếng cồng được ông chơi rất hay.

Ông Vi Văn Tiến - Bí thư Bản Phòng chia sẻ: “Năm 1998, bản Phòng ta được công nhận là đơn vị văn hóa nên vui lắm. Từ đó đến nay đã có các nghệ nhân như nghệ nhân Vang Văn Phùng đã sáng tác được những bài hát, múa hợp với âm điệu cồng chiêng, ngoài ra còn nặng lòng và có tâm huyết dìu dắt lớp trẻ duy trì mãi mãi tiếng cồng chiêng. Ông Phùng là người góp phần to lớn trong việc phát triển và duy trì câu lạc bộ dân ca, dân vũ đầu tiên ở huyện nhà, chúng tôi rất yêu mến ông Phùng”.

Ngày thì ông say sưa với những bức tranh vẽ theo đơn đặt hàng của khách, bởi ông không chỉ là nghệ nhân của những thanh điệu cồng, chiêng mà ông còn được mệnh danh là “Họa sỹ của bản mường”. Đêm về dưới ánh lửa bập bùng ở nhà văn hóa cộng đồng, ông Phùng lại tập hợp đủ mọi lứa tuổi, già trẻ, gái trai trong bản để truyền dạy cách đánh cồng, đánh chiêng. Bằng tất cả lòng nhiệt huyết và năng khiếu của mình, để hướng dẫn và truyền dạy mọi người biết đánh từng âm thanh, điệu múa, người dân nơi đây, cả những người biết đánh và những người không biết đánh cũng tụ tập rất đông để xem và học.

Anh Mạc Văn Núi - Bản Phòng cho biết: “Ông Phùng là một nghệ nhân rất có tâm với nghệ thuật, có tài năng về hiểu biết văn hóa, hồn thiêng của dân tộc Thái qua cồng chiêng. Ông luôn hết mình tập luyện cho lớp trẻ chúng tôi, cách thẩm âm, tiết tấu của thể loại nhạc cụ dân tộc mình”.

Nghệ nhân cồng chiêng bên dòng sông Lam
Ông là người duy nhất ở xứ sở nóng nắng này còn lưu giữ những bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.

Điều đáng mừng là chính lòng nhiệt huyết, say mê nhạc cụ văn hóa dân tộc Thái của ông Phùng đã đưa phong trào văn hóa văn nghệ của Bản Phòng được duy trì và phát triển đều đặn.

Năm 2008, câu lạc bộ dân ca, dân vũ Bản Phòng đã chính thức được thành lập, với đều đặn 60 học viên ở mọi lứa tuổi cùng tham gia sinh hoạt. Điều đáng vui hơn cả là hầu hết các hội viên trong câu lạc bộ đều biết đánh và cảm nhận nhuần nhuyễn tiếng cồng, tiếng chiêng trong từng làn điệu.

Năm 2009, đội cồng chiêng Bản Phòng của ông được thay mặt đoàn Nghệ An đi dự Fetivan tại Gia Lai. Năm 2010, Đội lại vinh dự được mời hội diễn tại Bảo tàng dân tộc học ở thủ đô Hà Nội. Ngoài ra Đội cồng chiêng của ông còn đem về nhiều giải thưởng cao quý cho Tỉnh, huyện, xã nhà trong suốt thời gian qua.

May Huyền - Nguyễn Duy