Ngắm vẻ đẹp cây nêu ngày Tết ở làng quê Huế
(Dân trí) - Tại nhiều vùng quê ở Huế vẫn còn giữ tục cắm nêu đầu năm mới. Màu đỏ của lá nêu - màu xanh của tre là dấu hiệu mùa xuân mới đã về trên khắp nẻo đường làng.
Nêu được cắm nhiều nhất tại các đình làng, miếu thờ, nhà thờ họ, chùa chiền. Tiếp đến là trước các lối vào xóm làng hay các nhà có bề dày lịch sử. Thân cây nêu là cây tre đang thời kỳ phát triển khoảng chừng 5-6 năm. Ngọn cây nêu đẹp nhất phải để sót một vài đọt lá tre nhỏ. Cây nêu càng to, mập, đẫy đà thì năm mới vùng đất đó càng làm ăn thịnh vượng.
Cây nêu ở đình làng Dương Nổ (huyện Phú Vang) - quê ấu thơ của Bác Hồ
Lá nêu thường dùng màu đỏ đậm, được kết từ một dải lụa dài chừng 3-5m. Nhiều nơi có lá nêu dài quá thì buộc vào thân, lá các cây xung quanh cho gọn ghẽ. Từng vùng có thời gian riêng cho việc dựng nêu lên và hạ nêu xuống. Thông thường thì bắt đầu sau khi đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp) là nêu được dựng. Và khoảng từ mồng 10 đến 15 tháng Giêng (đoạn sau Tết Nguyên Tiêu) thì hạ nêu.
Tuy nhiên cũng vì lý do lưu luyến ông bà, tổ tiên, muốn mọi người ở lại ăn Tết với người dương thế lâu hơn mà có khi nêu đến đầu tháng 2 mới được hạ xuống.
Theo nhiều truyện cổ dân gian Việt Nam mà tôi đọc lúc nhỏ, ngày xưa con người còn ít, quỷ rất nhiều, để phân định ranh giới của mình và đón người đã quá cố về ăn mỗi dịp tết, người cõi dương có tục cắm một cây nêu làm từ tre - trên có buộc dải cờ đào (hay cờ đỏ) ở đầu ngõ xóm. Bà con thấy cây nêu là dấu hiệu bèn lần theo đó mà về sum tụ với gia đình. Sau vài trăm năm, lãnh thổ của con người ngày càng nhiều, lấn át lũ quỷ.
Đến đâu, con người lại treo nêu báo hiệu đất của mình. Quỷ dần dà bị khuất vào bóng tối và ở những vùng xa xôi trên trái đất. Vì tức giận nên quỷ quyết tâm đòi lại bằng được. Ngày tết, quỷ hóa trang vào bà con của con người đến đất con người ở. Vừa đến chỗ có nêu, bỗng nhiên bị một luồng ánh sáng từ trên trời hắt xuống cây nêu, phân định ranh giới không được vào. Nhiều quỷ bị bỏng do dính ánh sáng từ cây nêu, la thét om sòm, sợ hãi quá bèn bồng bế nhau về lại bóng tối. Kể từ đó, thấy cây nêu đâu thì quỷ không dám tới nữa. Và quỷ xem đó là vùng đất của con người ở. Cây nêu đã trở thành một vật biểu tượng cho con người, và là nơi làm dấu cho người âm về quê ăn tết với bà con dịp Tết.
Hãy cùng Dân trí đến các vùng quê ở Huế và ngắm nêu đầu năm - một nét văn hóa cổ truyền của dân tộc:
Cây nêu vắt qua bến nước trước 1 miếu thờ mẫu ở huyện Phú Vang
Bên 1 con đường về biển Thuận An
Bên 1 đình làng
Trước ngõ xóm
cạnh cột điện
Bên cây cầu
Tỏa bóng cùng cây cổ thụ
No gió trên mái đình làng cổ
Cận cảnh cây nêu với màu xanh - đỏ
Giữ bóng tâm linh
Bên lá bàng
cùng thân sứ
và phượng vàng
1 nhà dựng nêu sát 2 am thờ
1 cây nêu dựng sát công sở
Hay ở vùng hoang vu
Nhiều "thế hệ" nêu được đặt lại sau mỗi mùa Tết bên bến nước xưa
Vương vấn
Đại Dương - Ngọc Nghĩa