Một "mặt khác" của phố cổ Hà Nội thông qua các tác phẩm mặt nạ độc đáo

An Phi

(Dân trí) - Nghệ sĩ Đinh Công Đạt, Lê Thiết Cương và Nguyễn Việt Hà mới đây cùng thực hiện một dự án nghệ thuật nhằm tôn vinh di sản văn hóa Hà Nội.

Triển lãm Mặt khác - Otherwise diễn ra từ ngày 13/9 đến ngày 11/10, trưng bày hơn 150 tác phẩm mặt nạ được tạo nên từ các chất liệu truyền thống như gốm, giấy bồi và vàng. Sự kiện mang ý nghĩa tôn vinh di sản văn hóa Hà Nội thông qua góc nhìn nghệ thuật của 3 nghệ sĩ gạo cội: Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà văn Nguyễn Việt Hà.

Sau 3 thập kỷ gặp gỡ và trở thành những người bạn thân thiết, 3 nghệ sĩ nhận thấy cần làm điều gì đó cùng nhau. Thay vì bắt đầu bằng một hình thức nghệ thuật, họ lựa chọn truyền tải thái độ sống và tình cảm dành cho Hà Nội - thành phố gắn liền với tuổi thơ, sự nghiệp của họ.

Một mặt khác của phố cổ Hà Nội thông qua các tác phẩm mặt nạ độc đáo - 1

Không gian triển lãm "Mặt khác - Otherwise" tại Hà Nội (Ảnh: An Phi).

Với 150 tác phẩm mặt nạ từ 3 khuôn hình của chính các nghệ sĩ, được làm từ các chất liệu giấy bồi, gốm và những hoa văn truyền thống, tên các con phố, khu chợ, các câu kinh, câu văn…, mỗi nghệ sĩ đều mong muốn đưa ra một thông điệp. Đó là Hà Nội không chỉ là những con phố và công trình kiến trúc, mà còn là linh hồn của những con người đã và đang sinh sống tại nơi đây.

3 nghệ sĩ với 3 cách thể hiện khác nhau đã tạo ra 3 chủ đề chính cho triển lãm: "Mặt Phố", "Mặt Chùa", "Mặt Chợ".

Theo đó, nhà văn Nguyễn Việt Hà chọn "Mặt Phố" từ chính tình yêu dành cho những ngõ phố Hà Nội - nơi khơi nguồn cảm hứng bất tận của anh trong văn học. Với anh, các mặt nạ được khắc họa không chỉ là những khuôn mặt, mà còn là những mảnh ghép của cuộc sống nơi phố phường Hà Nội.

Đối với họa sĩ Lê Thiết Cương, "Mặt Chùa" là lựa chọn tự nhiên từ sự gần gũi với Phật giáo, đức tin đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách nghệ thuật và con người của anh.

Còn với nhà điêu khắc Đinh Công Đạt - người lớn lên giữa những khu chợ Hà Nội, mang vào tác phẩm của mình sự lộn xộn và nhộn nhịp của những khu chợ xưa - đã chọn "Mặt Chợ" như cách để gợi nhớ lại bầu không khí thân quen và hỗn loạn của phố cổ.

Một mặt khác của phố cổ Hà Nội thông qua các tác phẩm mặt nạ độc đáo - 2

Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt và họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ về ý tưởng thực hiện triển lãm (Ảnh: An Phi).

Triển lãm Mặt khác - Otherwise không tạo ra những ý tưởng nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ. Thay vào đó, các nghệ sĩ sử dụng lại những yếu tố truyền thống để truyền tải thông điệp của mình.

Nguyễn Việt Hà đã viết lại những câu văn kinh điển từ sách của mình lên mặt nạ. Trong khi đó, Lê Thiết Cương dùng những câu kinh Phật, còn Đinh Công Đạt sử dụng tên những con phố, khu chợ, món ăn quen thuộc của Hà Nội.

"Tôi thích làm dự án nghệ thuật về Hà Nội. Chúng tôi bàn bạc đã từ lâu và vì nhiều lý do nên kế hoạch bị trì hoãn. Ban đầu, dự án có tên "Vỉa hè" nhưng rồi lại thay đổi. Khi anh Đạt làm xong mặt nạ, từ những gì tôi đã viết, chủ yếu trong những tập tản văn, tôi trích câu ngắn vừa khuôn khổ của mặt nạ với chủ đề đậm đặc về Hà Nội", nhà văn Nguyễn Việt Hà chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, mặt nạ có hai chất liệu chính là giấy bồi và gốm Bát Tràng. "Trong đó, anh Đạt nặn mặt nạ theo khuôn mặt của chúng tôi, tôi vẽ lên mặt nạ, còn anh Hà viết chữ", nam họa sĩ nói.

"Tôi đã viết tên phố cổ, món ăn vỉa hè. Tại sao lại vậy? Vì tôi sinh sống và lớn lên ở phố cổ Hà Nội. Ngày xưa có những người gắn tên của họ với tên của con phố nên tôi muốn thực hiện theo cách giản dị", nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cho hay.

Một mặt khác của phố cổ Hà Nội thông qua các tác phẩm mặt nạ độc đáo - 3

Các tác phẩm mặt nạ được làm từ giấy bồi và gốm Bát Tràng với chủ đề "Mặt Phố", "Mặt Chùa", "Mặt Chợ" (Ảnh: An Phi).

Hơn 150 tác phẩm mặt nạ hiện được trưng bày tại Hội quán Quảng Đông, Hà Nội. Đặc biệt, triển lãm lần này không chỉ để giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật mà còn truyền tải giá trị nhân văn và kết nối cộng đồng.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán các tác phẩm trong thời gian diễn ra triển lãm sẽ được gây quỹ từ thiện, góp phần giảm bớt nỗi đau và thiệt hại mà bão Yagi đã gây ra. Họa sĩ Lê Thiết Cương tiết lộ, trước khi diễn ra triển lãm, 70 chiếc mặt nạ đã được đặt mua.

Đinh Công Đạt (SN 1966, Hà Nội) là nhà điêu khắc với gần 30 năm sự nghiệp. Ông đã có nhiều triển lãm trong nước và quốc tế như Cheap, Chick, Chicky tại Viện Goethe (2011), Dinh Cong Dat's Sculpture tại Nhật Bản (2010)... Ngoài điêu khắc, ông còn tham gia chương trình truyền hình, sự kiện với tư cách đạo diễn hình ảnh, sân khấu.

Lê Thiết Cương (SN 1962, Hà Nội) là họa sĩ với hơn 30 năm theo đuổi phong cách hội họa tối giản. Ông có nhiều triển lãm trong nước và quốc tế như Về bến lạ tại L'Espace, Hòa Bình tại Tokyo, Nhật Bản (2009), Đối thoại không lời tại New York, Mỹ (2003). Tranh của ông cũng được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM) và nhiều nơi khác. Lê Thiết Cương còn được biết đến với vai trò giám tuyển, tổ chức và giám khảo các triển lãm ảnh.

Nguyễn Việt Hà (SN 1962, Hà Nội) là cây bút nổi bật với các tiểu thuyết như Cơ hội của chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người và các tạp văn với phong cách riêng như Nhà văn thì chơi với ai, Con giai phố cổ... Ông giành được "Giải Tiểu thuyết" cho tác phẩm Tuyệt không dấu vết (2024), "Giải thưởng Văn học" cho tác phẩm Thị dân tiểu thuyết (2019)...