Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu mang tình yêu Tây Nguyên vào 65 bức tranh sơn mài

Quỳnh Tâm

(Dân trí) - Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đặt tên triển lãm là "Nghe kể chuyện làng mình" vì bà xem Tây Nguyên đích thực là làng mình sau 40 năm gắn bó.

Triển lãm tranh sơn mài "Nghe kể chuyện làng mình" của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, từ ngày 6/9 đến 15/9. Triển lãm trưng bày hơn 65 bức tranh, mang chủ đề về Tây Nguyên. 

Là người con gốc Huế nhưng họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu (sinh năm 1960) lại có một tình yêu nồng nàn với vùng đất Tây Nguyên. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế, bà lên Pleiku (Gia Lai) nhận nhiệm vụ. Từ đây, bà bắt đầu hòa nhập và trao trọn tình yêu cho vùng đất mới, đến nay đã gần 40 năm.

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu mang tình yêu Tây Nguyên vào 65 bức tranh sơn mài - 1

Tranh mẹ địu con trên lưng (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Họa sĩ tâm sự: "Tây Nguyên chạm, thấm vào trái tim tôi một cách chân thực, tự nhiên, để rồi việc tôi vẽ con người nơi đây cũng tự nhiên như vậy. Tôi yêu thương và thấy được cái đẹp ở khắp vùng đất mới, từ cuộc sống bình dị đến văn hóa, tín ngưỡng, hồn cốt".

Bà gọi tên triển lãm lần này của mình là "Nghe kể chuyện làng mình", bởi bà xem đây là câu chuyện của chính làng mình, chứ không còn là chuyện làng Tây Nguyên trong mắt một cô gái Huế. 

Họa sĩ chia sẻ tại triển lãm: "Tôi gom nhặt tình yêu Tây Nguyên qua những âm thanh len lỏi trong núi rừng, đời sống của người dân nơi đây. Đó là hình ảnh thân thương của các cụ già bên bếp lửa hồng, nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ được mẹ địu trên lưng, tiếng cồng chiêng đầy cảm xúc...

Vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc, đầy yêu thương, đầy tính nhân văn đã cho tôi nguồn cảm hứng để hình thành những tác phẩm của mình".

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu mang tình yêu Tây Nguyên vào 65 bức tranh sơn mài - 2

Khách mời xem tranh của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, họa sĩ cho biết để thực hiện được triển lãm này, bà từng trải qua những giai đoạn khó khăn khác nhau. Đôi khi vì bận rộn công việc kinh doanh, bà phải gián đoạn lại quá trình sáng tác của mình. Tuy nhiên, thời điểm sau Covid-19, bà chuyên tâm hơn cho việc sáng tác nghệ thuật nên các bức tranh cũng được hoàn thiện đều đặn. 

Nhiều năm gắn bó với cảnh sắc Tây Nguyên, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu gần như khó tìm được cảm xúc với vùng đất mới.

Bà nói: "Khi bắt tay thực hiện triển lãm này, ban đầu tôi dự tính sẽ vẽ cái khác, tuy nhiên bước vào thực hiện thì trong đầu tôi chỉ gợi đến Tây Nguyên. Cảm xúc đó đến thế nào tôi cũng không biết nữa, có thể từ trong tâm ra". 

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu mang tình yêu Tây Nguyên vào 65 bức tranh sơn mài - 3

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Theo họa sĩ, màu sắc trong tranh được bà sử dụng một cách tự nhiên, cảm nhận lúc đó thế nào thì vẽ thế đó. Màu sắc của tranh sơn mài là son, vàng, then… từ truyền thống, nhưng khi vẽ, bà đã chạm vào trái tim mình và thể hiện điều cảm nhận được.

Không phải câu nệ sự đúng sai của màu sắc, bố cục, vì sự ấm áp trong tranh cũng là sự ấm áp của chính tình thân, của chính câu chuyện làng mình. Với bà, vẽ thuận mắt và chạm vào trái tim là đủ.

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại Huế. Bà là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai. 

Từ năm 2004 đến nay, bà đã có 4 triển lãm cá nhân sơn mài: Sắc màu Tây Nguyên tại Hội Mỹ thuật TPHCM (2004); Hai nữ họa sĩ Huế: Hồ Thị Xuân Thu & Dương Tuyết (2005); Sắc màu Tây Nguyên tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Hà Nội (2012); Nghe kể chuyện làng mình (2024).