1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

“Mẹ, con đã về”- Bài ca về khát vọng sống

(Dân trí)- Phan Huyền Thư chọn cuộc sống của những bệnh nhân xóm chạy thận làm đề tài cho bộ phim tài liệu, “Mẹ, con đã về”. Tên phim là sự trở về của hy vọng nhưng cũng tuyệt vọng… Đề tài không mới, song biết cách thể hiện mới, “Mẹ, con đã về” vẫn đầy rung cảm.

“Mẹ, con đã về” cùng với bộ phim “Cha, mẹ xin lỗi con” đã giúp Phan Huyền Thư giành cú đúp giải thưởng Cánh Diều Bạc và giải đạo diễn xuất sắc tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2007 vừa qua. Nhưng đến thời điểm này, phim mới được công chiếu, và khán giả chủ yếu của buổi chiếu hôm ấy lại chỉ là những nhân vật trong phim.

Vẫn phải nhắc trước là đề tài không mới, bởi báo chí đã có hàng loạt phóng sự viết về những cảnh đời cơ cực của xóm chạy thận nằm trên đường Lê Thanh Nghị, đối diện bệnh viện Bạch Mai. Những bệnh nhân thận đến từ khắp các tỉnh thành, thuê nhà trong khu trọ nghèo nàn, để tiện cho việc điều trị. Trong vòng 72 tiếng đồng hồ, những bệnh nhân thận phải đi lọc máu một lần để duy trì sự sống.

Đa số họ là những người nghèo. Họ phải làm đủ mọi nghề để kiếm thêm chút tiền lo trang trải thuốc men, sinh hoạt. Từ bán nước chè, bán xôi sáng, bán phế liệu, bán dưa cải muối chua… Tất cả những công việc có thể làm được, để có thêm chút hy vọng về sự sống, họ đều làm. Trong số họ, có cô gái trẻ thích đọc sách, có bà vợ góa cô độc không nơi nương tựa, có ông thương binh già với ba nấm mộ chưa xanh cỏ của ba cậu con trai (cũng mất vì bệnh thận), có cậu trai quê ở Việt Trì mồ côi cha từ lâu, có người thiếu phụ vợ liệt sỹ không được thừa nhận…

Mỗi người là một mảnh ghép đầy bi kịch làm nên không khí u trầm của xóm chạy thận. Nhưng họ vẫn làm việc, vẫn tin tưởng, vẫn không muốn trở thành kẻ vô ích trong xã hội bon chen, ồn ã. Và dù cuộc sống cực khổ, dù thần chết luôn chầu chực ở đâu đó trong mỗi ngõ hẻm mưu sinh, nhưng mỗi người trong số họ vẫn muốn yêu cuộc sống, theo cách của mình.
 
“Mẹ, con đã về”- Bài ca về khát vọng sống - 1
"Mẹ, con đã về" để các nhân vật tự kể về cuộc đời của chính mình...

Phan Huyền Thư đã lấy bối cảnh ấy để bắt đầu câu chuyện của mình. Dù, đề tài ấy đã từng được báo giới “quần thảo”, nhưng hình ảnh, cách kể chuyện, cách dẫn dắt người xem đến từng cuộc đời trong xóm chạy thận của Phan Huyền Thư vẫn có được sức mạnh riêng.

Chị đặt tên phim, “Mẹ, con đã về”. Bởi, mỗi nhân vật trong phim đều sống xa nhà, họ nhớ nhà, và luôn mong ngóng được về quê. Nhưng về quê có nghĩa là hết. Khi bệnh viện đã trả về, chỉ hôm trước, hôm sau là từ giã cõi đời. Về quê mẹ vừa là niềm nhớ mong khắc khoải, vừa là niềm hy vọng lại vừa là nỗi tuyệt vọng tột cùng của bệnh nhân chạy thận.

Bộ phim không sử dụng lời bình như theo cách “cổ điển” của thể loại phim tài liệu. Âm thanh của phim là âm thanh của cuộc sống. Tiếng động của phim là tiếng động của cuộc sống, của những công việc mưu sinh va chạm mỗi ngày.

Lời bình của phim là những lời kể chuyện, tâm sự, độc thoại của chính các nhân vật. Tác giả không lên tiếng, không bày tỏ quan điểm, không thể hiện rằng mình đang khóc suốt bộ phim, chị để tự bản thân câu chuyện nói lên tất cả, tự bản thân mỗi cảnh đời bi thương nói lên khát vọng sống của mình. Tác giả cố gắng giấu cái tôi kể chuyện một cách âm thầm, lặng lẽ, nhưng khán giả vẫn có thể nhận ra sự quyết liệt, chân thành.
 
“Mẹ, con đã về”- Bài ca về khát vọng sống - 2
Đoàn làm phim chụp ảnh cùng các nhân vật trong phim

Câu chuyện phim khép lại bằng chuyến tàu về quê của Đức- cậu trai trẻ quê Việt Trì mồ côi cha, đáp tàu về nhà với mẹ. Cậu đã điều trị chạy thận 5 năm ở Bạch Mai, và bây giờ quyết định về nhà điều trị tiếp, dù thế nào, “có mẹ, có con” vẫn hơn. Toa tàu trống hoác, và Đức ngồi lạnh lẽo, cô độc, khán giả không thế đoán biết được cậu đang hy vọng, hay đang tuyệt vọng với con tàu cuộc sống của chính mình? Nó đang lao đến nơi vô định.

“Mẹ ơi con mẹ đã về đây”, câu chuyện khép lại với nỗi ám ảnh bi thương trong từng căn phòng trọ, trong từng cuộc đời đang “ở trọ trần gian”. Ở đấy, có những căn phòng, hết người này chết lại có người khác chuyển đến. Ở đấy, có những gia đình có đến ba anh em trai chết vì bệnh thận để lại người cha già khóc than, ông chỉ mong sống thêm một thời gian nữa để kịp sang cát cho các con. Ở đấy, có những cô, cậu tuổi đời còn trẻ măng với bao ước vọng đã bị căn bệnh quái ác làm cho nghẹn ngào… Giữa cuộc đấu tranh sinh tồn ghê gớm ấy, giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết ấy, những khát vọng và niềm tin vẫn tràn đầy.

“Mẹ, con đã về” là một nỗ lực, một sự sẻ chia nặng lòng của Phan Huyền Thư. Thành công ấy còn lớn hơn giải thưởng…

H.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm