Lý Hải: "Tôi không dám nhận mình là người con có hiếu"
(Dân trí) - "Tôi chưa bao giờ dám nhận mình là người con có hiếu. So với anh chị, tôi thua xa vì anh chị túc trực bên má rất nhiều", Lý Hải chia sẻ.
Cuộc đời của tôi cứ đi song song với những khó khăn đó
Cảm xúc của anh thế nào khi bộ phim " Lật mặt" để được ra rạp phải tổ chức đến 3 lần ra mắt?
Đúng vậy, đây là lần thứ 3, Lật mặt mới có thể ra mắt. Lần nặng nhất vẫn là lần trước Tết, còn lần đầu là dịp kỷ niệm 30/4 năm ngoái - cũng là lịch ra mắt ban đầu của tôi. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19 nên phải dời kế hoạch lại.
Dời lịch từ 30/4 đến cận Tết hơi xa nên tốn chi phí ít, nhưng khoảng thời gian cận Tết nặng vì còn 3 ngày nữa chiếu thì nhận thông báo các rạp phim đóng cửa. Lúc đó, ngoài chi phí quảng bá cho bộ phim, điều quan trọng nhất là toàn bộ tinh thần của ê kíp đều "sụp" hết.
May mắn là bây giờ phim đã có thể trình chiếu, bao nhiêu công sức, sự căng thẳng và sự chờ đợi cả năm trời được đáp lại bằng sự yêu thương của khán giả.
Hiện tại, phim Việt đã có phim đạt được doanh thu kỷ lục, hơn 400 tỷ đồng, anh có xem đó là điều mình phải vượt qua hoặc bị áp lực về doanh thu?
Tôi không có thời gian nghĩ đến việc đó. Dịch bệnh dập tới dập lui làm chúng tôi "lên bờ xuống ruộng", hoang mang cỡ nào rồi. Bây giờ, phim được chiếu là hạnh phúc lắm rồi chứ còn nghĩ đến phải bằng người này người kia làm gì.
Thật ra, điều đó cũng không hợp lý bởi thời gian trình chiếu của các phim đều khác nhau hoàn toàn. Phim của tôi cũng khác người khác nên không tạo áp lực cho bản thân mình phải giống anh này chị kia. Làm sao để phim mình tốt hơn phim trước, phần 5 tốt hơn phần 4 bởi chính sự nỗ lực của mình và ê kíp, đó đã là hạnh phúc rồi. Doanh thu của Lật mặt phần 4 là 120 tỷ.
Anh có tự tin phần 5 sẽ vượt qua phần 4?
Với chất lượng và sự đầu tư của phim này, tôi nghĩ chất lượng sẽ vượt phần 4 và nhận được nhiều phản hồi tích cực hơn. Tôi nghĩ có khả năng mình sẽ chạm mốc doanh thu như phần 4. Đó là ước mơ mà ước mơ không mất tiền, làm người ai cũng có quyền ước mơ.
Thật ra, phim huề vốn là cả niềm hạnh phúc cho ê kíp rồi. Sau phim Lật mặt: 48h sẽ có mấy bộ phim nữa ra mắt nên đường đi về sau càng hẹp dần đi, cơ hội thu hồi vốn khó khăn lắm chứ không phải một mình trên con đường thênh thang trải thảm.
Lý Hải có nghĩ thành công hay không cũng một phần do may mắn?
Đúng rồi, nỗ lực bao nhiêu con người để tạo nên một tác phẩm điện ảnh như thế, nếu thành công phải ít nhiều có sự may mắn nào đó. Cái may mắn đầu tiên mà tôi cảm nhận được qua các phần phim, đó là sự yêu thương của mọi người dành cho Lý Hải. Tôi rất cảm ơn các fan của mình, lượng fan hùng hậu luôn theo chân tôi từ lúc còn là ca sĩ với những ca khúc hay album Trọn đời bên em và đến giờ, khi tôi đã bước sang lĩnh vực điện ảnh họ vẫn bền bỉ ủng hộ.
Hay mới đây nhất là khi phim của tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ tích cực thì cũng có những group trên facebook đi ngược lại điều đó. Nhưng nếu ai thường lên mạng xã hội sẽ biết có một sự máy móc, dàn xếp. Tôi không biết mục đích để cạnh tranh hay phá phim nhưng nếu mọi người tinh mắt, sẽ thấy đó là những comment chỉ để gây sự chú ý.
Vậy anh cho rằng những phản hồi tiêu cực về phim của mình là có chủ đích?
Từ trước tới nay, tôi không quan tâm những vấn đề đó. Đây là lần đầu tiên tôi biết, bởi tôi chỉ biết cố gắng làm sao để tạo nên một tác phẩm tốt nhất đưa đến khán giả, để họ xem xong sẽ cảm thấy hài lòng.
Nhiêu đó là tôi vui rồi chứ không quen chiêu trò. Thật ra, nếu ai quan tâm và theo dõi gia đình Lý Hải từ lâu sẽ biết, mấy chục năm nay chúng tôi chưa bao giờ dùng chiêu trò để PR cho sản phẩm, không bao giờ có.
Nhân tiện anh có thể chia sẻ rõ hơn về câu chuyện gây tranh cãi của Trấn Thành gần đây?
Tôi nghĩ đó chỉ là một sơ suất, nhiều khi Trấn Thành vô tư không để ý thôi. Chứ anh em đứng chung sân khấu với nhau bao nhiêu năm trời. Đó là còn chưa tính cả hai từng học chung trường, mối quan hệ đồng nghiệp như thế thì ai nỡ làm vậy, không có đâu.
Lúc xảy ra sự cố đó, Thành có nhắn tin với tôi kể lại đầu đuôi sự việc. Tôi cũng nhắn lại với Thành là không sao đâu, "Anh em mình sống với nhau thế nào, tính anh cũng không để ý mấy chuyện lặt vặt đó. Anh cũng không giận hờn trách móc gì đâu".
Nhưng điều đó có vô tình khiến Lý Hải buồn không bởi lúc Trấn Thành ra mắt phim, anh có đi xem và quảng bá cho phim tích cực nhưng Trấn Thành thì không?
Chuyện đó cũng không có gì đâu. Bản thân tôi nhiều lúc cũng được mời đi dự ra mắt phim nhưng phút chót xảy ra tình huống bất khả kháng không đi được, tôi cũng nhắn tin xin lỗi. Qua hôm sau, tôi sẽ đi mua vé xem phim rồi review lại cho họ. Đó cũng là một cách quảng bá mà.
Trong mắt bạn bè, tôi giống như người "sống để ở đâu" không thôi, ai muốn làm gì làm. Tôi không bận tâm những chuyện khác. Bản thân tôi nghĩ rằng trong cuộc sống, tôi không làm điều gì phật ý mọi người và đồng nghiệp nên không ai làm gì với tôi đâu.
Tôi sợ chạy xe máy sau tai nạn gãy 2 xương sườn
Các phim của Lý Hải được đầu tư rất lớn, đặc biệt là về kỹ xảo cũng như những pha đánh đấm. Anh có đặt nặng những yếu tố này hơn nội dung?
Tôi quan niệm bộ phim thắng, đầu tiên phải có câu chuyện hấp dẫn dù nó phức tạp, lật tới lật lui ra sao. Cốt lõi của một người đạo diễn là muốn kể câu chuyện sao cho người xem dễ hiểu và câu chuyện đó chạm đến trái tim của khán giả. Đó là thắng.
Bạn viết một câu chuyện không đâu ra đâu, cứ nghĩ đập phá hay vẽ vời nhiều mà không xây được nền tảng cốt lõi - tức kịch bản; không xây dựng tuyến nhân vật tốt thì có đầu tư trăm tỷ vẫn chết.
Vậy với phim này, ý tưởng và thông điệp anh đưa ra là gì?
Từ khi có gia đình và có con, tôi luôn nghĩ đến tổ ấm của mình mỗi khi xây dựng kịch bản. Lật mặt: 48h muốn truyền tải thông điệp rằng dù bạn là ai, có hoàn cảnh ra sao, hãy nhớ gia đình luôn là số 1 và phải bảo vệ nó.
Trong bộ phim lần này có nhiều cảnh quay ở miền Tây, có phải dụng ý của anh muốn quảng bá hình ảnh cho quê nhà của mình?
Đó là một trong những ý tưởng đầu tiên của tôi khi đặt bút viết kịch bản. Tôi có hỏi vài người bạn đạo diễn ở nước ngoài, nói với họ rằng bản thân muốn đưa một bộ phim trình chiếu ở nước ngoài cần những yếu tố gì để khán giả chấp nhận. Họ cũng chỉ cho tôi có 2 thể loại dễ mang ra nước ngoài là hành động và kinh dị.
Bên cạnh đó, là yếu tố văn hóa vùng miền. Ở Việt Nam có văn hóa, yếu tố vùng miền nào nổi bật, bạn nên mang nó ra nước ngoài để bạn bè quốc tế biết đến bởi họ rất thích xem. Sau đó, tôi phân tích và thấy đúng vì nhiều phim Hollywood, phim Hàn hay bom tấn thế giới có thể có những cảnh quay tòa tháp chọc trời, nhà lầu xe hơi.
Việt Nam mình đang thiếu những bối cảnh như thế và muốn quay cũng không được, vậy tại sao mình không tìm những bối cảnh đơn giản đời thường nhất để quay? Ví dụ người nước ngoài đã quen ăn món Tây rồi, bây giờ mình đừng dọn những món đó nữa sẽ ngán. Tôi sẽ dọn cá kho tộ, canh chua đặc sản của Việt Nam. Trong phim tôi muốn làm điều đó, mang văn hóa vùng miền vào.
Ở bối cảnh quay, anh có được địa phương hỗ trợ không?
May mắn cho đoàn phim là chúng tôi được hỗ trợ để thực hiện các cảnh quay. Đặc biệt, tôi về miền Tây rất được yêu thương, có thể xem là con cưng. Những bối cảnh các bạn thấy trong phim rất khó quay chứ không hề dễ.
Ví dụ như bến phà, ở đó người ta qua lại, để tìm một chuyến phà đậu rồi quay phim là cả một vấn đề. Phim nước ngoài sẽ có phim trường để dựng nên những bối cảnh như thế hoặc thậm chí nhiều tiền, họ sẽ đóng hẳn một chiếc phà. Nhưng ở Việt Nam mình rất khó khăn, từ trang giấy đưa ra thực tế là cả một vấn đề không phải ai cũng làm được.
Hoặc như tôi muốn thực hiện một cảnh đánh đấm rượt đuổi trong siêu thị như phim Thành Long đi, có cảnh đu dây đủ thứ, mình sẽ không bao giờ làm được bối cảnh đó bởi không ai cho bạn quay phim trong siêu thị cả. Nói vậy để các khán giả thấy được cái khó của một người làm phim ở Việt Nam. Khó cực kì, quay mà không đủ tiền thì không thể dựng nên cái chợ như thế và cần phải hợp tác.
Khó khăn như thế, Lý Hải có nản lòng?
Nếu nản, tôi sẽ không thực hiện được Lật mặt: 48h. Khi xem, các bạn sẽ thấy được cả một ê kíp quá cực khổ, làm việc người khác dù muốn nhưng rất khó làm. Một cảnh rượt đuổi trên sông lên phim tích tắc vài ba phút nhưng ở ngoài, chúng tôi phải mất cả tháng trời rồi quay 7 góc máy, hàng trăm con người mới làm được.
Quay trên bờ rất dễ về việc đặt máy móc nhưng quay trên sông sẽ gặp tình trạng rung lắc, rung lắc từ diễn viên đến máy móc. Rất khó, những chiếc cano đặt máy boom (cẩu quay phim - PV) rượt theo quay cảnh hành động có thể lật bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm.
Bản thân tôi chạy chiếc vỏ lãi chở Võ Thành Tâm và Mạc Văn Khoa từng lật không biết bao nhiêu lần, rớt xuống nước rất nguy hiểm chứ không đơn giản.
Trong thời gian tới, Lý Hải có tiếp tục làm những bộ phim hành động mà có mình tham gia?
Tôi rất thích làm phim hành động nhưng việc tham gia thì chưa dám hứa. Bởi lần quay Lật mặt phần 2, tôi gãy 2 cái xương sườn đến bây giờ vẫn ám ảnh. Lái xe trên đường, đôi lúc tôi vẫn nhớ cảnh mình bị trượt té, mở mắt ra thấy đầu xe tải. Có thời gian, tôi nằm mơ thấy hoài nên giờ chạy xe máy chậm lắm, toàn chạy sát lề.
Rồi chuyển sang lái xuồng. Lần đầu, tôi "máu" lắm, chạy nhanh nhưng lần thứ 2 giảm lại, lần thứ 3 chậm hơn.
Anh có thể chia sẻ việc mời Võ Thành Tâm từ Mỹ về Việt Nam đóng phim cho mình không?
Tôi từng hợp tác với Võ Thành Tâm ở Lật mặt phần 1 nên biết bạn có khả năng võ thuật rất tốt, ngoài ra còn dẻo dai nữa. Trong phim, Võ Thành Tâm đánh lên bờ xuống ruộng, cường độ làm việc trên phim trường 12 tiếng - chỉ có Võ Thành Tâm làm được. Mọi người xem xong gật gù, vai này chỉ có Võ Thành Tâm làm được chứ không ai khác.
Tôi không dám nhận mình là người con có hiếu
Nhắc một chút về gia đình, được biết má của anh hay quên. Nhưng bà quên anh chỉ trong một thời điểm hay thường xuyên?
Má tôi bị lẫn chục năm nay rồi chứ không phải gần đây. Ngồi nói chuyện 15-20 phút, má sẽ nhớ. Một điều đặc biệt là trong gia đình có 10 anh em, tôi là đứa út nhưng má luôn nhắc tên tôi đầu tiên. Má cứ hỏi sao lâu rồi thằng Út không về thăm má. Đến khi về nhà nói chuyện, má cứ hỏi Út là thằng nào, Hải là thằng nào...
Nếu các bạn tinh ý sẽ thấy tôi cài cắm một chi tiết rất nhỏ trong Lật mặt: 48h: 2 ông bà trong làng Chăm ngồi chờ con về. Tôi lấy ý tưởng hình ảnh má chờ con về thăm nhà để viết nên chi tiết đó.
Anh cân bằng thế nào để vừa có thể báo hiếu cho ba má vừa chăm sóc các con thật tốt?
Nếu nói có hiếu, tôi không bao giờ dám nhận vì tự thấy mình chưa thật sự là đứa con có hiếu. Từ khi ở quê lên rồi đi học đi làm, lập gia đình và có con - tôi không bao giờ cho phép mình quá 4 tuần không về thăm ba má. Ngày xưa 1 tuần về một lần, dần dần sau này nhiều việc có khi 4 tuần tôi mới về nhưng chưa bao giờ đi lâu hơn con số đó. Hoặc khi nào rảnh, tôi lập tức về thăm nhà.
Tôi hiểu rõ một điều rằng ba má sẽ không đi với mình trên một quãng đường dài được. Một ngày nào còn má bên cạnh tôi còn hạnh phúc ngày nào đó. Tôi chưa bao giờ dám nhận mình là người con có hiếu. So với anh chị, tôi thua xa vì anh chị túc trực bên má rất nhiều. May mắn gia đình đông anh em nên thay phiên về thăm má, lúc nào cũng có người túc trực bên cạnh bà.