1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

“Lưỡng cực”- chương trình nghệ thuật “hớp hồn” khán giả

(Dân trí) - Bằng tài năng của các nghệ sỹ biểu diễn, sự kết nối khéo léo của những tiết mục được dàn dựng công phu, “Lưỡng cực” đã mang đến một bức tranh đầy sắc màu nhưng lại rất dung dị và đời thường với cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố…

Tối 16/3, dù thời tiết mưa và trở lạnh nhưng đông đảo khán giả vẫn đến thưởng thức chương trình “Lưỡng cực”. Đây là chương trình nghệ thuật được Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam lựa chọn để tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2018 và đã chinh phục được các nhà chuyên môn trong Hội đồng Giám khảo để giành giải thưởng Đặc biệt toàn đoàn, 05 Huy chương Vàng, 03 Huy chương Bạc được trao cho các tiết mục trong chương trình.

Được xây dựng trên nền âm nhạc nghệ thuật truyền thống vốn là thế mạnh của Nhà hát, được thực hiện bởi ê kíp đạo diễn, biên đạo, các thế hệ diễn viên tài năng; phát huy thế mạnh và ứng dụng khéo léo các chất liệu nghệ thuật, kỹ thuật hiện đại mang tính hội nhập, “Lưỡng cực” mang đến một câu chuyện về sự vận hành có tính quy luật của trái đất, của vũ trụ bao la, triết lý nhân sinh quan sinh - lão - bệnh - tử, đem lại cho khán giả một cái nhìn mới nhưng đầy sâu sắc về cuộc sống xung quanh.

múa Bản ngã - Huy chương Vàng NSUT Thanh Nam bien dao.jpg

Múa: “Bản ngã” – Huy chương vàng (Âm nhạc: Hồ Hoài Anh, biên đạo: NSƯT Thanh Nam; biểu diễn: Huy Thông, Khánh Ly, Thành Nam, Thế Hậu, Phương Nhung)

Bằng tài năng của các nghệ sỹ biểu diễn, sự kết nối khéo léo của những tiết mục được dàn dựng công phu, “Lưỡng cực” đã mang đến một bức tranh đầy sắc màu nhưng lại rất dung dị và đời thường với cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố, với những hy vọng, niềm tin vào con người, thiên nhiên và cuộc sống.

Chương trình được dàn dựng dưới dạng phức hợp với 16 tiết mục, bao gồm múa, hát (đơn ca, hát Accabella), độc tấu đàn tranh, độc tấu tam thập lục, độc tấu đàn bầu, hòa tấu… Mỗi tiết mục nói lên một câu chuyện, chuyển tại một nội dung, một thông điệp khác nhau nhưng được Tổng đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Trường Bắc khéo léo gắn kết lại, tạo thành một kịch bản thống nhất.

Tất cả các tiết mục trong chương trình đều là tác phẩm mới, trừ 4 tác phẩm “Vọng lời ru”, “Ngọn chung linh” (sáng tác: NSND Quang Vinh); Độc tấu đàn tranh “Cõi niết bàn” (âm nhạc: Đỗ Bảo); hát Acabella “Ký ức dòng sông” (sáng tác: Đức Trịnh) là đặt hàng còn lại là do các nghệ sĩ, nhạc sĩ trẻ của nhà hát sáng tác và dàn dựng.

Tiết mục mở màn “Hỗn mang” – Huy chương Bạc (Âm nhạc: Trường Bắc; Biên đạo: NSƯT Thanh Nam; Biểu diễn: NSƯT Quốc Hùng, NSƯT Văn Ngư, Xuân Anh,  Khắc Huấn, Thanh Huyền, Cao Minh Đức, Quang Huy, tập thể múa) khá ấn tượng với hòa tấu dàn nhạc và múa phức hợp.

Ê kíp thực hiện đã sử dụng những âm thanh tự nhiên, hoang sơ, huyền ảo mà tạo hóa đã ban tặng, được cất lên từ những lớp mõ trâu, tù và, cồng chiêng... với các cao độ khác nhau được sắp xếp có tính hệ thống như một giai điệu đối thoại tượng trưng cho tiếng của sông, núi, tiếng của rừng, tiếng của đất của trời cùng giao hòa...

Những âm thanh đó được các nghệ sĩ NSƯT Quốc Hùng, NSƯT Văn Ngư, Xuân Anh, Khắc Huấn, Thu Huyền & dàn nhạc .... phối hợp trình tấu nhịp nhàng, uyển chuyển.

“Nhãn giới Đông Hồ” là một tác phẩm múa có ý tưởng lạ của hai biên đạo trẻ của nhà hát là Quỳnh Dương và Phương Linh đó là tôn vinh những người nghệ nhân dân gian – những người làm công việc chạm khắc gỗ khuôn tranh Đông Hồ. Lâu nay người ta thường biết đến tranh Đông Hồ chứ ít ai chú ý đến người thợ chạm, khắc khuôn tranh. Ý tưởng độc đáo, nội dung mang giá trị nhân văn nên tác phẩm đã dành được Huy chương Bạc.

Múa Nhãn giới Đông Hồ (biên đạo Quỳnh Dương - Phương Linh) Huy chương Bạc.jpg

Tác phẩm múa "Nhãn giới Đông Hồ" giành Huy chương Bạc.

Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khoa Nhạc cụ truyền thống, do có thành tích học tập xuất sắc nên Cao Hương Giang được cử sang Nga học Thạc sĩ, trở về Việt Nam đầu quân về Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Cao Hương Giang là nghệ sĩ chơi đàn dân tộc rất giỏi, biết rất nhiều ngón đàn. Tham gia Liên hoan, Cao Hương Giang biểu diễn tiết mục độc tấu đàn tam thập lục tác phẩm “Khát vọng” (âm nhạc và dàn dựng: Quang Huy). Cô đã khai thác triệt để các ngón đàn và các kỹ thuật cao của cây đàn tam thập lục. Tiết mục được đánh giá cao về kỹ thuật và sự biểu cảm. Huy chương Vàng cho Hương Giang là hoàn toàn xứng đáng.

nghệ sĩ tài năng Cao Hương Giang.jpg

Nghệ sĩ tài năng Cao Hương Giang.

Là một biên đạo rất giỏi về khai thác chất liệu múa dân gian, nhận lời mời cộng tác của Nhà hát, NSƯT Trần Ly Ly đã chọn đề tài về thân phận người phụ nữ thời phong kiến, những người làm công việc ca hát, mua vui trong lãnh cung. “Đêm nước cuốn ả đào” đã lột tả được hết nỗi niềm của những người ca kỹ đó, họ muốn thoát khỏi lãnh cung để đi tìm chân trời mới. Tiết mục còn thể hiện sự xót xa, thông cảm với những người phụ nữ thời phong kiến. Với ý nghĩa nhân văn đó, tác phẩm đã dành được Huy chương Bạc.

Đạo diễn Trường Bắc đã “làm khó” NSƯT Ngọc Khang khi đưa ca khúc “Ngọn Chung linh” (Sáng tác: NSND Quang Vinh, thơ Ngô Xuân Bính) cho anh bởi giọng của Ngọc Khang là tenor còn “Ngọn chung linh” lại mang âm hưởng dân gian đương đại...

Múa Đêm nước cuốn Ả đào _HCB.jpg

"Đêm nước cuốn ả đào".

Múa: “Bản ngã” – Huy chương vàng (Âm nhạc: Hồ Hoài Anh, biên đạo: NSƯT Thanh Nam; biểu diễn: Huy Thông, Khánh Ly, Thành Nam, Thế Hậu, Phương Nhung): Là tiết mục múa đương đại, mang tính triết lý giống như một vòng của đời người. Trong vòng đời của một con người bản chất cuộc sống là sự phát triển, thay đổi không ngừng, chúng ta đều bị chi phối bởi quy luật phát triển của vũ trụ: sinh, lão, bệnh, tử…Sự tương tác của âm nhạc, ánh sáng đã góp phần tạo nên thành công cho “Bản ngã”.

Bản hòa tấu “Mạch nguồn” do nghệ sĩ tài năng Trường Giang sáng tác, dàn dựng và tham gia biểu diễn cùng NSƯT Văn Ngư, Thanh Hoa, Khắc Huấn, Quang Huy, Cao Hương Giang, dàn nhạc, chỉ huy: NSƯT Đỗ An) đã vẽ nên một bức tranh đẹp  về quê hương Việt Nam. NSƯT Trường Giang đã đưa vào trong tác phẩm hầu hết các nhạc cụ dân tộc truyền thống Việt Nam vào trong tác phẩm như: đàn bầu, sáo, đàn nhị, đàn tranh, tỳ bà, đàn tam thập lục, bộ trống...

 Chỉ riêng tiết mục này tất cả các nghệ sĩ tham gia đã phải tập luyện trong vòng một tháng rưỡi. Chiếc Huy chương Vàng dành cho tiết mục và những tràng pháo tay của khán giả Đà Nẵng và khán giả Thủ đô trong khán phòng tối qua là nguồn động viên quý báu đối với các nghệ sĩ. Và cũng thật sự hiếm thấy chương trình hòa tấu nào mà dường như tất cả khán giả trong khán phòng đồng loạt vỗ tay theo giai điệu bản hòa tấu.

ca khúc Chàng vinh quy do NSUT Phạm Phương Thảo sáng tác và biểu diễn đạt huy chương Vàng Liên hoan CMN 2018.jpg

Phương Thảo biểu diễn "Chàng vinh quy".

Mặc dù là tiết mục gần cuối chương trình nhưng NSƯT Phạm Phương Thảo đã có mặt ở nhà hát từ rất sớm để chăm chút cho “đứa con tinh thần” của mình trước khi giới thiệu với công chúng Thủ đô.

Chia sẻ cảm xúc trước đêm diễn Phương Thảo cho biết rất vui vì ca khúc “Chàng vinh quy” - một sáng tác mang màu sắc cổ trang, lạ lẫm thời nay với nội dung nêu cao truyền thống tôn vinh đạo học của dân tộc ta do chính cô sáng tác và biểu diễn lại được chiếm được nhiều cảm tình của cả Hội đồng Nghệ thuật và khán giả. Ca khúc này đã giúp Phạm Phương Thảo có thêm được một chiếc Huy chương Vàng nữa…

Các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vui mừng trước thành công của Lưỡng cực.jpg

Các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc vui mừng trước thành công của chương trình.

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm