Những ngày Châu Âu tại Việt Nam:
Lời kêu cứu của các dòng sông
(Dân trí) - Viện Goethe trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của 17 nghệ sỹ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Myanma, Campuchia, Indonesia và Philipin trong khuôn khổ dự án nghệ thuật văn hóa sinh thái quốc tế về phong cảnh sông nước ở Đông Nam Á.
Có lẽ ngay từ bài học vỡ lòng, ai cũng biết sông Hồng, sông Mê kông, sông Irrawaddy và Chao Praya thuộc khu vực Đông Nam Á là mạch nguồn sống của hàng trăm triệu cư dân sống hai bên bờ sông. Không những thế, phong cảnh hữu tình những con sông này đã khắc sâu vào đời sống tinh thần của các cư dân và được khắc họa tại triển lãm nghệ thuật “Phong cảnh sông nước biển đổi” bởi phong cảnh sông nước.
Thế nhưng, trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, những con sông từng là mạch nguồn sống ấy lại đang oằn mình kêu cứu. Điều đáng nói là mạch sống và hệ sinh thái quan trọng đối với đời sống con người tại những khu vực các con sông này đang bị đe dọa nghiêm trọng do hậu quả của sự phát triển kinh tế xã hội và bây giờ là sự biến đổi khí hậu. Phong cảnh sông nước đang bị đe dọa bị phá hủy và theo đó là sự tồn tại của hàng triệu người dân.
Chính từ sự đe dọa bị phá hủy đó mà dự án nghệ thuật có tên “Phong cảnh sông nước biến đổi” đã được ra đời do Viện Goethe Việt Nam lên kế hoạch và tổ chức. Với thông điệp mở ra những khía cạnh mới về vấn đề sinh thái chủ chốt này, Viện Goethe đã mời 17 nghệ sỹ trẻ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Indonesia và Philippin, qua các tác phẩm của họ sẽ phản ánh sự thay đổi về môi trường cũng như về kinh tế, văn hóa, xã hội mà phong cảnh sông nước ở các nước này hiện đang trải qua.
Với dự án nghệ thuật này, Viện Goethe mong muốn góp phần nâng cao nhận thức về di sản văn hóa và sinh thái vô giá của phong cảnh sông nước tại Đông Nam Á, đại diện và kiến tạo ra mạng lưới gắn kết giữa các nghệ sỹ vượt qua ranh giới.
Triển lãm bao gồm các tác phẩm tranh ảnh, nghệ thuật sắp đặt và trình chiếu video, âm thanh, nghệ thuật sắp đặt các vật dụng liên quan đến cuộc sống con người những khu vực sông nước này… Các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm cũng rất đa dạng về các vấn đề sông nước mà con người phải đối mặt: tác phẩm của Aung Ko, Myanmar, với hình tượng chiếc thuyền bằng vải để tưởng nhớ những ngư dân dọc bờ Irawaddy khi họ mất nghề bởi cá bị tuyệt chủng do hậu quả của việc xây dựng đập chắn nước.
Hay như Than Sok đến từ Campuchia, giới thiệu một tác phẩm sắp đặt bằng bù nhìn vốn để bảo vệ mùa màng nay đã không còn phát huy tác dụng bởi lụt lội đã tàn phá mùa màng. Đại diện đến từ Việt Nam, Nguyễn Thị Thanh Mai đem đến tác phẩm sắp đặt tường cao khiến chúng ta nhớ đến những nạn nhân của trận lũ lụt kinh hoàng năm 1999 tại Huế. Tác phẩm của chị là 60 chiếc thùng gỗ được trưng bày các di vật tìm thấy (chủ yếu là giày dép) trên dòng sông Hương.
Còn rất nhiều những tác phẩm khác nữa được trưng bày tại triển lãm “Phong cảnh sông nước biển đổi” này với những thông điệp nhân sinh quan, môi trường gợi mở để mỗi người đến xem triển lãm có thể cảm nhận và lĩnh hội. Hiện tại, triển lãm đang được đặt tại phòng tranh CACTUS CONTEMPORARY, 17/12 Nguyễn Huy Tưởng, phường 6, quận Bình Thạnh, TP HCM, diễn ra từ 12/5 đến 26/5/2012.
Sau khi được tổ chức ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, triển lãm sẽ được trưng bày tại Băng Cốc, Phnôm-Pênh, Ja-ka-ta và Ma-ni-la.
Bình Yên