Lối đi nào cho truyện tranh Việt Nam?

(Dân trí) - Hơn 10 năm nay, truyện tranh thế giới thống lĩnh thị trường truyện tranh Việt Nam, nhất là truyện tranh Nhật Bản. Và dễ thấy truyện tranh Việt Nam hầu như không sống nổi trước sức ép của truyện tranh thế giới, ngoài trường hợp hy hữu của bộ truyện tranh “Thần Đồng Đất Việt”.

Điêu đứng truyện Việt

 

Truyện tranh là một trong những loại hình xuất bản phẩm chủ lực của các nhà xuất bản (NXB) lớn hiện nay. Thế nhưng, đến các gian hàng truyện tranh tại tất cả các nhà sách trên cả nước, bạn có thể thấy cảnh này: truyện tranh thế giới giăng đầy, nhất là truyện tranh Nhật Bản. Còn truyện tranh Việt Nam (TTVN) thì sao? Chỉ lèo tèo vài đầu sách như: Thần đồng đất Việt, Lịch sử Việt Nam bằng tranh… Thế là đã may! Có nơi còn không có quyển nào.

 

Tại tiệm cho thuê truyện lớn nhất Làng Đại Học (Linh Trung, Thủ Đức, TPHCM) cũng thế. Giăng giăng khắp nơi là truyện Hàn, truyện Nhật và truyện Tàu. Truyện Việt? Lẻo tẻo lèo tèo vài cuốn mà cũng không ai đọc.“Không ai đọc thì mua về làm gì? Cho thuê truyện thì cũng phải tính đến yếu tố khách hàng chứ. Mỗi cuốn phải có ít nhất 15 người đọc mới lấy lại vốn mà”- chị Thúy, chủ tiệm cho biết.

 

Đối tượng cho thuê của tiệm này là sinh viên tại Làng Đại Học, họ đều đủ lớn để có ý thức bảo tồn những giá trị văn hoá dân tộc. Vậy tại sao hầu như họ vẫn rất  ít đọc TTVN? Vấn đề đó thật đơn giản để giải thích: do nhu cầu hướng tới cái hay, cái đẹp chi phối. Mà TTVN vừa có nội dung hay, vừa có hình vẽ đẹp thì rất hiếm.

 

Bà Việt Tiến - nguyên Trưởng ban Truyện tranh, NXB Trẻ, TPHCM, cho rằng: “TTVN còn quá yếu về kịch bản và cả hình vẽ. Điều đó cũng dễ hiểu. Vì chúng ta không thể đầu tư quá nhiều cho 1 tập truyện tranh. Như bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh, NXB Trẻ phải bù lỗ để làm. Nhưng cuối cùng cũng không thể thu hút được độc giả. Vì không đủ sức để chịu lỗ quá lớn”.

 

Một họa sĩ truyện tranh tâm sự: “Ở nước ngoài, họa sĩ vẽ 1 cuốn truyện tranh thì nhuận bút đủ ăn trong 1 năm. Còn ở ta, nhuận bút 1 cuốn có khi còn không đủ cho tác giả ăn trong nửa tháng (1 cuốn in 2000 bản, nhuận bút chừng hơn 2 triệu đồng, chi phí này nọ thì dư ra không tới 2 triệu). Vậy thì làm sao đòi hỏi tác giả đầu tư cho hình vẽ, cho kịch bản? Ở nước ngoài, mỗi ngày họa sĩ đầu tư vẽ chừng 2 trang truyện là nhiều. Còn ở ta, mỗi ngày vẽ dưới 10 trang thì có mà… húp cháo”.

 

Những nguyên nhân đó khiến cho TTVN điêu đứng suốt mười mấy năm trời. Gần 5 năm len lỏi tìm chỗ đứng ngay trên thị trường trong nước cũng chưa có mảnh đất đặt chân.

 

Từ năm 2003, giới xuất bản bắt đầu chú ý đến việc khôi phục nền truyện tranh Việt Nam (TTVN), nhưng con đường trước mắt vẫn đầy khó khăn. Nhìn bản in cũng đủ biết, truyện tranh nước ngoài thì mỗi quyển in từ 10.000 đến 20.000 bản, "bết" lắm là 5000. Còn TTVN? 2000 bản đã là nhiều, 5000 thì là kỷ lục.

Khó khăn chồng chất

 

Những năm gần đây, các NXB lớn như Kim Đồng, Đồng Nai, NXB Trẻ… đều cố khôi phục và phát triển TTVN. Như NXB Trẻ đã lập hẳn một phòng sản xuất truyện Lịch sử Việt Nam bằng tranh, NXB Đồng Nai thì đeo bám bộ Cô tiên xanh… Nhưng ngoài bộ Thần đồng đất Việt của công ty Phan Thị liên kết với NXB Trẻ được đánh giá là thành công, các bộ truyện tranh khác đều “chết yểu” vì NXB không thể bù lỗ, như các bộ: Đá và Nấm, Tam quy truyện… 

 

Còn một điểm then chốt nữa khiến TTVN không “lên” nổi là khâu bản quyển. Bà Việt Tiến cho biết: “Khi công ước Bern có hiệu lực, chúng tôi tưởng mọi chuyện sẽ khá hơn. Vì các NXB nước ngoài buộc ta mua bản quyền thì nhiều NXB sẽ dùng tiền mua bản quyền đó đầu tư cho TTVN. Nhưng không phải thế. 

 

Công ước Bern chỉ làm khó các NXB làm ăn chân chính. Còn các “đầu nậu” vẫn “xào” truyện nước ngoài để bán. Họ vừa không mất tiền bản quyền, lại khiến mảng truyện tranh của chúng tôi lụn bại. Vì chúng tôi không thể cạnh tranh nổi với họ về giá và lợi nhuận. Trước đây, chúng tôi lấy tiền lời từ truyện tranh nước ngoài để đầu tư cho TTVN. Nay nguồn phí này ngày càng eo hẹp dần, TTVN càng có nguy cơ biến mất”.

 

Bà Tiến nói thêm: “Muốn vực dậy nền TTVN, ngoài NXB, tác giả… các ban ngành cũng cần có sự hỗ trợ để đào tạo họa sĩ giỏi, tác giả kịch bản tài ba và đầu tư cho những bộ truyện có tranh đẹp, kịch bản hay”.

 

Thiết nghĩ, hoàn toàn có thể lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa, lối sống cho giới trẻ vào sự phát triển của TTVN. Vì truyện tranh là một loại hình tuyên truyền rất tốt trong giới trẻ…

 

Tùng Nguyên