Lễ ra mắt bộ phim "Đền Hùng - Linh thiêng nguồn cội"
(Dân trí) - Sáng nay (28/12), tại Tp Việt Trì đã tổ chức Lễ ra mắt bộ phim song ngữ có yếu tố 3D "Đền Hùng - Linh thiêng nguồn cội" với mong muốn quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và Đền Hùng - nơi hội tụ và tỏa sáng tinh thần đồng thuận, cốt lõi của sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt Nam đến với đông đảo đồng bào trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Phim do Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các đơn vị liên quan sản xuất với sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS).
Với cách thể hiện mới mẻ, sinh động, hấp dẫn, kết hợp hình ảnh thực địa với đồ họa kỹ xảo 3D để mô tả, mô hình hóa và tái hiện về Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, phim sẽ được phát sóng trên các kênh Truyền hình quốc gia VOV, VTC và Nhân dân TV trước thềm năm mới 2019. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền quảng bá về Đền Hùng và di sản văn hóa phi vật thể "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và tới đông đảo đồng bào, kiều bào và bạn bè quốc tế nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019.
Bộ phim song ngữ có yếu tố 3D "Đền Hùng - Linh thiêng nguồn cội" có thời lượng 10 phút đã tái hiện, phục dựng lại cách thức thực hành tín ngưỡng của người Việt từ thời xa xưa. Ngược dòng thời gian, bộ phim giúp người xem hình dung ra cả một thời huyền sử của dân tộc. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai. Sau đó, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng.
Bộ phim được công chiếu rộng rãi trước đại điện các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và các em học sinh
Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt. 18 đời vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ tưởng niệm (khu di tích lịch sử đền Hùng) trên núi Nghĩa Lĩnh và lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ. Từ trung tâm thờ tự đầu tiên này, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần lan tỏa, có sức sống lâu bền từ đời này qua đời khác, từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra nước ngoài. Đất nước có lúc thịnh lúc suy, có lúc bị giặc ngoại xâm thống trị nhưng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được các thế hệ duy trì đến tận ngày nay và còn mãi đến muôn đời sau.
Nhân dịp này, đại diện ban tổ chức đã phát biểu và tặng hoa cảm ơn đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS) đã đồng hành cùng chương trình.
P.V