Lan Hà - Sức vươn dậy của một trái tim bé bỏng

(Dân trí) - Sinh ra trong một gia đình đổ vỡ, Lan Hà lớn lên chưa một lần biết mặt cha. Mẹ dạy học ở Quảng Trị, Lan Hà về Huế sống cùng ông bà ngoại...

12 tuổi, cô bé có đôi mắt to đen, lóng lánh được đạo diễn Thanh Vân mời đóng một vai phụ, vai bé Gianh (con gái của vai nữ thứ chính Hạnh do Hồng Ánh diễn xuất) trong phim Đời cát. Với vai bé Gianh, cô bé người Huế chưa hề biết gì về điện ảnh đã đoạt giải Bông sen vàng ở hạng mục giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại LHP 13.

LHP quốc gia lần thứ 16 tiếp tục ghi danh Lan Hà ở hạng mục dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai Mai trong phim Trái tim bé bỏng của đạo diễn Thanh Vân. Chưa một lần học về điện ảnh, chỉ với 2 vai diễn, cô bé người Huế- Lan Hà đã đoạt được những giải thưởng điện ảnh danh giá nhất, những giải thưởng khiến bất kỳ diễn viên chuyên nghiệp nào cũng phải mơ ước.

 

Điện ảnh và ước mơ bé bỏng

 

LHP 15, Bông Sen Vàng dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thuộc về Ngô Thanh Vân và Đỗ Hải Yến. Trong đó, Hải Yến xuất thân từ nghề múa. Ngô Thanh Vân vốn là một người mẫu. LHP 16, Bông Sen Vàng thuộc về Lan Hà- một sinh viên khoa Sư phạm Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Huế... Nghĩa là, điện ảnh suốt 5 năm nay, giải thưởng quan trọng nhất về diễn xuất đều dành cho những cái tên nghiệp dư.  Theo Hà, đó có phải là điều đáng buồn cho những diễn viên luôn tự xưng mình là chuyên nghiệp?

 

Theo tôi, chúng ta chưa có gì phải buồn vì đâu phải lúc nào diễn viên nghiệp dư cũng nhận được giải thưởng. Như chị nói, mới chỉ là 5 năm thôi, đúng không?


Lan Hà - Sức vươn dậy của một trái tim bé bỏng - 1
Một cảnh trong phim Trái tim bé bỏng

 Được biết, Lan Hà đến dự LHP 16 khá vội vàng, thậm chí không kịp có mặt để lên nhận giải thưởng Bông sen vàng vinh dự. Phải chăng, khi nghe tin mình đoạt giải Lan Hà mới xếp lịch bay vào Tp HCM? LHP 16 diễn ra với những hội thảo, những bàn tròn, những tranh cãi về điện ảnh hiện đại, về điện ảnh hội nhập... Hà không quan tâm?

 

Thật sự, tôi không có ý định vào vào TP HCM dự LHP 16 vì lúc đó tôi đang bận thi học kỳ. Nhưng đến đêm bế mạc và trao giải, chú Vân (đạo diễn Thanh Vân) đã gọi điện khuyên tôi nên vào, nên sau khi thi xong, tôi mới vội vã bay vào và đến tận lúc gần tới nhà hát Hòa Bình, tôi mới biết mình đoạt giải Diễn viên chính xuất sắc nhất. Trước đó tôi không biết gì cả.

 

Không học về điện ảnh, không quan tâm nhiều đến điện ảnh, vậy một giải thưởng lớn về diễn xuất (điều mơ ước của tất cả các diễn viên chuyên nghiệp) có ý nghĩa như thế nào với một cái tên nghiệp dư như Lan Hà?

 

Đích đến của tôi không phải là điện ảnh. Tôi ước sẽ trở thành một cô giáo dạy nhạc. Nhưng không vì thế mà tôi không quan tâm đến điện ảnh. Tôi rất mê xem phim, đã xem rồi là dán mắt vào chứ không chịu rời nên bị ngoại mắng hoài. Thỉnh thoảng, tôi cũng lên mạng đọc tin tức về các diễn viên, về các bộ phim sắp quay, phim sắp chiếu trên truyền hình, cả những bộ phim rạp nữa. Nhưng ở Huế không giống như ở các thành phố lớn là, phim nào đang “hot” thì được trình chiếu, mà chỉ chiếu những phim người ta đã xem chán cả rồi.

 

Những giải thưởng lớn về điện ảnh có thể khiến những diễn viên chuyên nghiệp đổi đời. Sự nổi tiếng, sự mời chào của hàng trăm dự án phim, những chuyến du ngoạn nước ngoài, mức cát-sê kếch xù... Ai theo nghiệp diễn của mong có sự đổi đời ấy. Lan Hà thì sao?

 

Nghề diễn viên đối với tôi chỉ đơn giản là một nghề mà lúc nhập vai ta không phải              là ta nữa mà là một người khác, vậy thôi. Và nổi tiếng chỉ là sự ghi nhận của mọi người về một người nào đó để khi nhắc đến tên hoặc công việc là người ta nhớ ngay đến. Ở Huế, điện ảnh không được chú ý nhiều như ở Hà Nội hay thành phố HCM, ở đây, chỉ có những ai quen biết mới biết tôi là diễn viên và từng đóng phim.


Nhưng trên hết, tôi thấy mình là người may mắn. Tôi may mắn khi được gặp chú Vân, may mắn được diễn với những kịch bản tốt, và may mắn cả khi nhận được các giải thưởng lớn mà bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

Điều đầu tiên tôi nghĩ tới khi biết mình đoạt giải là, “Trời ơi, không thể tin được!” (cười) . Và lúc ấy tôi nghĩ đến gia đình...

 

Lan Hà - Sức vươn dậy của một trái tim bé bỏng - 2

Poster phim Trái tim bé bỏng

“Chưa bao giờ mặc cảm...”

 

Được biết, Lan Hà sinh ra và lớn lên với quãng tuổi thơ không may mắn. Ba mạ sớm chia tay... Đã bao giờ Hà có ý định đi tìm ba?

 

Tôi không muốn trả lời câu hỏi này...

 

Đạo diễn Thanh Vân đã nhận ra Lan Hà có đôi mắt u buồn, đầy cảm xúc... Như cách nói văn chương, Lan Hà đã cất giấu những năm tháng đau buồn vào trong mắt?

 

Tôi sống với ngoại từ khi mới lọt lòng mẹ, và chưa một lần biết mặt cha... Mẹ tôi là giáo viên cấp II ở Quảng Trị. Mỗi kỳ nghỉ hè hoặc nghỉ Tết tôi mới ra Quảng Trị thăm mẹ. Có lẽ, vì biết tôi phải chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm, nên ngay cả khi điều kiện kinh tế gia đình không đầy đủ, ông bà ngoại và mẹ không bao giờ để tôi phải thiếu thốn bất cứ thứ gì. Ngoại và mẹ đã dồn hết tình thương yêu cho tôi. Bởi vậy, tôi đã lớn lên cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khác, chẳng bao giờ tôi phải mặc cảm vì mình đã không có một gia đình hoàn hảo.


Lan Hà - Sức vươn dậy của một trái tim bé bỏng - 3
Lan Hà (thứ 4 từ trái sang) hạnh phúc tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2007

 Năm 2009 nhiều thành công của Lan Hà đã sắp khép lại. Tết là những ngày để gia đình đoàn viên, đoàn tụ. Lan Hà thích gì nhất ở Tết?

 

Tôi đang sống với bà ngoại, ông ngoại đã mất được một năm rồi. Những ngày Tết, bà ngoại thường làm bánh xoài thơm phức. Chiếc bánh nào bà vừa làm xong tôi vội vã ăn liền, vừa thơm vừa nóng... Huế có rất nhiều món bánh ngon và ngoại tôi nấu ăn rất giỏi. Tết, tôi sẽ dành thời gian về Quảng Trị thăm mẹ...
 
Năm mới đã bắt đầu với nhiều niềm vui mới, nhiều hứa hẹn mới. Tôi mong bà ngoại luôn khỏe mạnh. Tôi mong mẹ sẽ thành công hơn trong công tác giảng dạy. Tôi mong mình đóng phim nhiều hơn... Mong một năm mới tốt lành sẽ đến với cả nhà.
 

Vy Ly