Lần đầu tiết lộ về 2 người con gái đẹp nức tiếng đi qua cuộc đời nhạc sĩ Ngô Thụy Miên
Là tác giả của những bản tình ca, Ngô Thụy Miên không thiếu những bóng hồng đi qua cuộc đời, và mỗi giai nhân đều để lại cho ông những cảm xúc khó phai.
Chân dung cuộc tình tập 10 đưa khán giả đến với những bản tình ca đẹp với ca từ được trau chuốt của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên – một người nghệ sĩ sáng tác không nhiều nhưng luôn để lại dấu ấn trong lòng khán giả bao năm qua. Những bóng hồng đi qua cuộc đời ông cũng phần nào được hé lộ.
Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh năm 1948, ông nổi tiếng từ trước năm 1975. Trong cuộc đời sáng tác, ông ghi dấu ấn với trên 70 ca khúc, trong đó có rất nhiều ca khúc nổi tiếng ở trong nước và hải ngoại. Ca khúc tiêu biểu của ông được bao thế hệ người yêu nhạc thuộc nằm lòng như: Bản tình ca cho em, Bản tình cuối, Áo lụa Hà Đông, Dấu tình sầu, Mùa thu cho em, Riêng một góc trời, Niệm khúc cuối, Paris có gì lạ không em, Khúc thụy du…
Là người thể hiện thành công nhiều ca khúc của Ngô Thụy Miên, danh ca Họa Mi cho biết, mỗi khi hát nhạc Ngô Thụy Miên, bà luôn cảm thấy tác giả như nói hộ lòng mình: “Khi một mình ở Pháp, nghe ca khúc Paris có gì lạ không em, tôi thấy vô cùng gần gũi với tâm trạng mình. Lời ca khúc nói về câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, có chia tay, buồn nhưng không quá ủy mị mà rất đẹp”.
Còn ca sĩ Chung Tử Lưu thì cho biết, anh từng hát khá nhiều bài của Ngô Thụy Miên, nhưng ấn tượng nhất với anh là ca khúc Áo lụa Hà Đông và Niệm khúc cuối: “Có thời gian, đám cưới nào tôi cũng hát Niệm khúc cuối. Còn Áo lụa Hà Đông thì khiến tôi luôn nhớ tới hình ảnh người con gái Việt trong những năm tháng ở nước ngoài”.
Một đặc điểm nổi bật của nhạc Ngô Thụy Miên, theo Chung Tử Lưu, đó là, nhạc Ngô Thụy Miên là cầu nối đưa rất nhiều nghệ sĩ trở nên thành danh: “Dòng nhạc của Ngô Thụy Miên rất gần gũi với giới trẻ thời đó nên hầu như ai cũng hát, cũng thuộc. Đặc biệt, các nghệ sĩ hát bài của Ngô Thụy Miên đều rất thành công, từ Khánh Ly tới Thái Thanh, và khoảng 19 nghệ sĩ khác. Có thể nói, khó có một nhạc sĩ nào làm được như vậy”.
Theo biên tập Minh Đức, từ ca khúc đầu tiên Chiều nay không có em, đến ca khúc Riêng một góc trời ra đời 20 năm sau đó, Ngô Thụy Miên đã tạo nên một góc riêng trong âm nhạc Việt Nam. Dòng ca khúc của ông được gọi là Miên khúc – với những câu chuyện tình đặc biệt, thể hiện những chiêm nghiệm được và mất trong tình yêu. Ở đó có những mối tình từ ngây thơ, rụt rè thuở mới biết yêu, có cả những cuộc tình lỡ dở và những chiêm nghiệm khi trải qua nhiều đổ vỡ. Tất cả đều được thể hiện bằng sự trau chuốt từ nốt nhạc lời ca, đẹp buồn nhưng không ủy mị.
Nói về những người tình đã đi qua đời Ngô Thụy Miên, ca sĩ Chung Tử Lưu cho biết, anh biết một người có trong số đó, tuy nhiên không thể tiết lộ vì mọi chuyện đã qua, gia đình người đó không đồng ý, nhưng dù vậy, theo Chung Tử Lưu, đó là một người con gái vô cùng đẹp: “Từng là hoa khôi và rất hay hát nhạc Pháp”. Còn theo Minh Đức, một ca khúc vô cùng nổi tiếng của Ngô Thụy Miên là Giáng Ngọc – đây là bài hát được ông viết tặng cho một người con gái, và vì thế ca khúc được viết hoa cả hai chữ:
“Người ta mặc định đây là tên riêng của một người chứ không chỉ nói về dáng vóc người phụ nữ. Tôi cũng từng nghe ông trả lời rằng bài hát là một người con gái là nữ sinh trường Gia Long, đồng môn với ca sĩ Họa Mi. Sau này, rất nhiều người yêu thích bài hát đã lấy tên bài đặt cho con gái họ”.
Về ca khúc đình đám Riêng một góc trời, biên tập Minh Đức tiết lộ về người con gái khiến Ngô Thụy Miên yêu say đắm và quyết định định kết hôn, cũng là hình mẫu khiến ông viết ca khúc này:
“Ông có một mối tình với người con gái tên Vân, con một tài tử nổi tiếng lúc đó. Hai người rất yêu nhau, nhưng không đến được với nhau. Sau này khi gặp lại nhau ở xứ người, hai người mới thành đôi. Sau khi cưới nhau, cả hai quyết định ở một nơi rất xa xôi, nhiều mưa, có thể điều này khiến ông nảy sinh cảm xúc viết ca khúc Riêng một góc trời: tức chọn riêng một góc trời để sinh sống”.
Một điều thú vị trong nhạc của Ngô Thụy Miên, đó là không chỉ các nghệ sĩ nổi tiếng mà các ca sĩ không chuyên, đủ mọi lứa tuổi cũng rất thích các ca khúc của ông: “Nhạc Ngô Thụy Miên người trẻ thấy hay và người già cũng thấy mình trong đó. Sau này khi ông sang nước ngoài định cư, các sáng tác của ông khi ấy bị chi phối nhiều, nhiều ca khúc được phối mang kiểu thính phóng, tuy nhiên vẫn rất trẻ trung và gần gũi với các ca khúc pop, ballad thời bấy giờ”.
KM