Huế:

Lại xuất hiện “vua giả” trong lễ tế đàn Nam Giao 2012

(Dân trí) - Ngày 14/3, thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế vừa ban hành văn bản về việc thay đổi hình thức tổ chức tế lễ đàn Nam Giao sẽ được tổ chức vào ngày 8/4 sắp tới. Theo đó, “vua giả” sẽ lại xuất hiện nhằm phục vụ du khách và người dân.

Trước đây, tại kết luận số 31 của thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế ban hành ngày 7/2/2012 đã thông báo về việc lễ tế đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao năm 2012 sẽ do ông Trần Phùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế thay mặt tỉnh làm chủ lễ. Phương án này đã được Ban tuyên giáo Trung ương thông qua.

Vào khuya 8/3, rạng sáng ngày 9/3, lễ tế đàn Xã Tắc đã được tiến hành theo đúng nghi lễ lúc xưa với chủ tế là người đại diện nhân dân cả tỉnh (chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh). Đã không có “vua giả” trên đàn tế Xã Tắc như từng xuất hiện bấy lâu nay.

Tuy nhiên, vào ngày 14/3, thường vụ tỉnh ủy đã có văn bản thay đổi hình thức tế lễ đàn Nam Giao. Theo đó, lễ tế sẽ được diễn ra như các năm trước với hình thức quảng diễn, có đoàn ngự đạo và có “vua giả”. Lý giải cho việc này, thường vụ tỉnh ủy cho rằng vì thời gian của lễ tế đàn Nam Giao nằm trong chương trình Festival Huế 2012 là không đúng ngày và mùa như lúc xưa nên quyết định không tế như lúc xưa và như lúc tế đàn Xã Tắc ngày 8/3 vừa qua (làm theo như các vua thời Nguyễn tế) mà sẽ làm quảng diễn như mọi năm và có “vua giả”.

Lại xuất hiện “vua giả” trong lễ tế đàn Nam Giao 2012
"Vua giả" tại lễ tế đàn Nam Giao 2010 - chương trình năm trong Festival Huế 2010.

Theo kế hoạch, lễ tế đàn Nam Giao sẽ được tổ chức vào khuya ngày 8/4, rạng sáng ngày 9/4 dương lịch. Gồm 2 phần: Rước 34 bài vị (bài vị thờ trời đất, núi sông, các vị thần linh, lịch đại đế vương, lịch đại nhân kiệt...) từ Trai cung sang Đàn tế để đưa lên các bàn án ở Đàn. Và tổ chức một lễ tế tại đàn gồm 3 bước: Nghênh thần tại phương đàn - Tế tại Viên đàn - Tống thần tại phương đàn.

Sẽ có khoảng 1.000 người tham gia lễ. Toàn bộ phần nghi lễ và nhạc múa được nghiên cứu và dàn dựng rất công phu. Nhất là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục hồi thành công 128 bộ trang phục vũ công dành cho múa Bát dật Văn và Bát dật Võ để phục vụ lễ tế. Việc đóng các hương án, long đình, ngự liễn, may cờ quạt, làm đèn lồng… sử dụng trong lễ tế cũng được tiến hành theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Ngoài ra, còn có sự tham gia của 8 làng xã có truyền thống văn hóa tiêu biểu tại Thừa Thiên Huế, đại diện cho nhân dân cả nước trực tiếp thực hiện các nghi lễ tế cúng tại 8 án thờ các vị Thần linh đặt tại 4 góc của tầng Phương Đàn (tầng 2) của đàn Nam Giao.

Đại Dương