Lại Bắc Hải Đăng: “Cánh diều Vàng 2005 lộ giải, mất hay!”

(Dân trí) - Nhiều người bất ngờ khi gặp “MC có gương mặt baby nhất” - Lại Bắc Hải Đăng “vừa chạy vừa hò hét” tại lễ trao giải Cánh diều Vàng, với tư cách là đạo diễn. Bằng sự bứt phá, đạo diễn trẻ của VTV3 này sẽ còn gây sự chú ý với khán giả trong các chương trình sắp tới.

Làm một chương trình trao giải thưởng Điện ảnh, khó khăn với những “kẻ ngoại đạo” như các anh là gì?

 

Tôi là một người yêu thích điện ảnh (rất mê xem phim). Khi nhận lên kịch bản lễ trao giải Cánh diều Vàng, tôi và các anh, chị trong ê kíp thực hiện chương trình đều thực sự trân trọng, và cố gắng thể hiện sự trân trọng ấy lên chương trình truyền hình trực tiếp (đêm 18/3). Song, có một vài vấn đề đã xảy ra không như ý muốn.

 

Những “kẻ ngoại đạo” chúng tôi thì trân trọng giải thưởng là thế, nhưng khi chúng tôi gọi điện cho các nghệ sỹ (Hội viên Hội điện ảnh) mời họ tới trao giải cho các đồng nghiệp của mình thì không ít người… từ chối! Có người bận đi công tác thực sự, nhưng với nhiều người, tôi nghĩ, họ không đến là vì không hứng thú, không nhiệt tình… Một số nghệ sỹ tên tuổi thì không kịp dự lễ trao giải vì giấy mời đến quá muộn.

 

Và một vấn đề nữa khiến chương trình mất hay là hầu hết các giải thưởng Cánh Diều Vàng có vẻ đã bị lộ trước đó với các nghệ sỹ. Người đến vì biết mình được giải. Người không được giải thì không đến. Điều quan trọng nhất, hay nhất, của một đêm trao giải là sự hồi hộp. Không còn sự hồi hộp thì làm sao chương trình có thể hay được?

 

Nhiều khán giả xem xong Cánh diều Vàng không giấu nổi sự thất vọng, thậm chí, nhiều người còn thốt lên “Chán!”. Là một đạo diễn, theo anh, làm thế nào để chương trình (năm sau) có thể hay được?

 

Tôi rất hy vọng Hội điện ảnh những năm sau có thể giữ bí mật về giải thưởng tốt hơn, không nên để lộ giải như năm nay. Và theo tôi, những phim được đề cử và trao giải trong Cánh diều Vàng phải có một số tiêu chí rõ ràng, ví dụ như đã công chiếu cho khán giả xem trước đó một thời gian chẳng hạn. Khán giả không biết về bộ phim, chưa từng được xem hay nghe qua, mà “đùng một cái” ban tổ chức trao Cánh diều Vàng hay phim xuất sắc nhất thì ngang bằng thách đố khán giả! Họ sẽ thấy lạ lẫm, và thậm chí, còn không hiểu là trao giải thưởng gì? Vì sao lại có giải thưởng ấy? Nhiều giải thưởng chúng tôi không có đề cử.

 

Đáng lẽ ra, với mỗi bộ phim, mỗi nhân vật, mỗi giải thưởng- Hội điện ảnh nên chuẩn bị cho chúng tôi những đoạn phim hay nhất, độc đáo nhất, những đoạn thoại xuất sắc nhất (để trao giải kịch bản chẳng hạn) hay một bản giới thiệu (trailer) cụ thể để chúng tôi làm phóng sự đề cử. Nhưng không hề có. Chúng tôi phải tự “mầy mò”, do vậy những trích đoạn phim không được đặc sắc.

 

Vậy vai trò của những người thực hiện chương trình ở đâu khi một chương trình truyền hình trực tiếp không làm hài lòng khán giả?

 

Tôi nghĩ, tất cả những vấn đề như hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu, các tiết mục nghệ thuật chào mừng, … góp phần khá quan trọng vào thành công của chương trình. Nếu còn chưa được thì đó là vấn đề của chúng tôi. Và của tôi. Nhưng cũng phải lưu ý rằng những điều đó lại là những yếu tố rất phụ, đặc biệt là với một lễ trao giải của Điện ảnh. Chương trình Cánh diều Vàng hấp dẫn khán giả là bởi sự hiện diện sang trọng, lịch lãm, quý phái của các nghệ sỹ. Chương trình hay là bởi sự hồi hộp, đón nhận của khán giả với những bộ phim họ yêu thích được trao giải thưởng gì? Và chương trình đặc biệt là bởi sự xuất hiện và giao tiếp trước công chúng của các nghệ sỹ. Theo tôi, đó mới là những yếu tố quan trọng nhất. Và đáng tiếc, những điều quan trọng nhất thì hình như vẫn còn thiếu.

 

Có thể nói như vậy khi Cánh diều Vàng không làm hài lòng khán giả, nếu Ai là triệu phú không làm khán giả hài lòng thì anh nói sao?

 

Đó là một chương trình được khán giả yêu thích! Là một chương trình mua trọn vẹn bản quyền của nước ngoài, không “sửa chữa”, sáng tạo thêm. Chương trình luôn có sự giám sát của các chuyên gia nước ngoài, nếu chúng tôi sáng tạo thêm tức là chúng tôi vi phạm bản quyền. Với tôi, Ai là triệu phú là một chương trình được xây dựng một cách gần như hoàn hảo, bởi sự phối hợp chặt chẽ của các thành phần, từ âm thanh, ánh sáng đến các cú máy, đến sự tham gia của người dẫn chương trình và người chơi. Nếu có điều gì kém thì chỉ do chất lượng kỹ thuật của truyền hình ta chưa cao.  

 

Hiền Hương