Kinh doanh thời trang: “Thương hiệu phải luôn lớn hơn nhà thiết kế”
(Dân trí) - Nhà thiết kế Phương My cho rằng mỗi thiết kế chị làm ra là cả một câu chuyện dành cho người phụ nữ mặc chúng. Chị muốn mang đến sản phẩm tốt nhất cho khách hàng của mình, nhưng nó không dành cho số đông.
Từ một học sinh chuyên toán tại Mỹ, Phương My lại bén duyên với ngành thời trang. Cô từng chiến thắng cuộc thi "Are You Runway Ready" (New York, Mỹ), rồi góp mặt ở các sân chơi danh giá như New York Fashion Week 2010, Macy's Fashion Night Out 2010, Black V Fashion Show 2011 (San Francisco), Tokyo Fashion Fuse 2011, New York Fashion Week Spring 2012...
Không chỉ theo đuổi được đam mê, Phương My còn gây dựng được thương hiệu thời trang mang tên chính mình với dòng sản phẩm cao cấp, đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới với khoảng 30 cửa hàng. Năm 2015, Phương My được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi tại Việt Nam.
Đi làm cho người khác để được quyền làm sai
- Từ học toán, rồi theo đuổi đam mê thời trang. Nhiều người nói rằng theo đuổi đam mê đã khó, chị còn khởi nghiệp thành công với chính đam mê của mình. Không phải ngẫu nhiên mà từ một người làm nghệ thuật, chị lại thành công trong kinh doanh?
- Khi đang đi học đến năm thứ ba đại học, tôi luôn nghĩ học xong mình sẽ làm gì. Tôi nghĩ rằng không thể đợi đến khi ra trường mới đi xin việc. Nếu như vậy, có việc gì thì tôi phải vội vàng nhận việc đó, có rất ít lựa chọn dành cho bản thân. Tôi muốn đi xin việc trước, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Lúc đó, mỗi ngày tôi email cho 10 người, một tuần được 70 người, hy vọng một tháng mình email được 300 người. Trong 300 người đó chỉ cần một người trả lời mình là có một lựa chọn trong cuộc sống.
Lúc đầu chỉ có 1-2 người đồng ý nhận và khi làm bất kỳ công việc gì, tôi đều làm đến nơi đến chốn. Mình phải học được điểm mạnh của mình, và mình làm được gì cho người khác, rồi mới được quyền đòi hỏi. Phải biết cho đi trước khi nhận lại.
Đi làm cho người khác, được trả tiền để được làm sai. Còn hơn là muốn một cái gì đó của riêng mình quá nhanh, những lỗi sai của bạn, bạn phải tự bỏ tiền trả cho những sai lầm đó.
- Giống như các công ty khởi nghiệp khác, khoảng thời gian bắt đầu thường rất khó khăn. Khởi nghiệp với thời trang lại càng khó khăn hơn?
- Tôi nghĩ càng làm sẽ càng khó hơn, mỗi ngày mình phải giỏi hơn thôi. Với ngành thời trang, bạn sẽ khởi đầu với tất cả đam mê, ước mơ và hy vọng. Tuy nhiên, càng làm sẽ thấy càng khó hơn.
Khi bước vào một ngành nghề, ngoài đam mê, bạn phải tính đến kinh doanh, lời lỗ, quản trị con người… Không phải lúc nào mình cũng được đi làm với đam mê, tình yêu của ngày đầu tiên. Sẽ có những ngày khó hơn ngày đầu rất nhiều. Chỉ là mình có giỏi hơn mỗi ngày không và làm sao để đi làm mỗi ngày đều như ngày đầu tiên mình bước vào nghề.
- Giữa làm kinh doanh và làm thời trang, chị thấy cái gì khó hơn?
- Thời trang khó ở điểm cái đẹp của mình không phải cái đẹp của mọi người. Cách mình nhìn nhận về vấn đề không phải là cách người ta nhìn nhận.
Thời trang cứ 6 tháng là phải thay đổi. Có thể 6 tháng này mình thành công, nhưng 6 tháng sau mình ra một bộ sưu tập “trật” thị hiếu thì không thể thành công. Do đó phải thay đổi mỗi ngày, và mình luôn luôn phải khắc phục điểm yếu của bản thân. Phải học và cập nhật mỗi ngày rất nhanh. Đó là một trong những thử thách lớn nhất của thời trang.
Khi làm thời trang, được thiết kế, được làm điều mình thích, theo tôi, chỉ chiếm khoảng 1% thời gian trong năm thôi. 99% thời gian còn lại là những cái khác ngoài thời trang. Đó là kinh doanh, quản lý con người, bài toán tài chính, mở rộng thương hiệu. Tôi nghĩ kinh doanh là một phần rất lớn khi làm thời trang. Không thể làm thời trang mà không biết kinh doanh.
- Tệp khách hàng mục tiêu của chị không quá đông. Làm thế nào để mở rộng thương hiệu, gia tăng lượng khách hàng?
- Phương My đang bán trên 20 nước, 30 cửa hàng trên thế giới. Tôi không bao giờ hy vọng tất cả mọi người đều yêu mình. Khi một người được tất cả mọi người yêu, thì thực ra không ai yêu người đó.
Thương hiệu Phương My rất khó để nhắm đến số đông, phải gói gọn những người đang mặc thương hiệu của mình, họ thấy đó là một niềm tự hào.
Bạn bước vào tiệc và thấy một người phụ nữ mặc đồ Phương My, bạn có thể thấy người phụ nữ đó giàu nhất nhì bữa tiệc, bởi vì họ đang mặc đúng bộ đồ không phải ai cũng có thể mua được.
Điểm chạm của thương hiệu phải đúng, phải biết khách hàng đang thích gì, không được lan man. Tất nhiên, ở đâu thì lượng người giàu cũng chỉ gói gọn trong một phần nào đó thôi. Để phát triển thương hiệu cần phải đi qua nước khác, thành phố khác.
- Tại sao nhiều thương hiệu Việt khó vươn ra nước ngoài, Việt Nam vẫn là “xưởng gia công” lớn của thế giới?
- Tôi nghĩ ước mơ ai cũng có, muốn ai cũng muốn, nhưng nếu chưa làm được thì chỉ là chưa đủ muốn, chưa đủ quyết tâm làm. Khi đủ quyết tâm thì sẽ làm được việc đó. Khi chưa làm được, mình sẽ có rất nhiều lý do để khỏa lấp.
Để Phương My thành công được 10 việc trong một năm thì thất bại 90 việc khác. Thất bại là cái không ai nhìn thấy, vì mọi người chỉ ca ngợi 10% của mình. Mọi người thường ca ngợi thành công vì may mắn, nhưng 90 thất bại kia, không ai nói tới cả.
Và không có 90 thất bại thì sẽ không có 10 việc thành công. Quan trọng là mình có dám làm 100 việc, thất bại 90 việc chỉ để thành công 10 việc hay không. Nếu chỉ làm 1-2 việc, thì thất bại là hiển nhiên.
“Bỏ cuộc là lựa chọn dễ nhất”
- Ở Việt Nam, khởi nghiệp luôn là thử thách lớn dành cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ. Theo chị, điều gì là quan trọng nhất để khởi nghiệp thành công?
- Có nhiều đối tác đến gặp và nói với tôi rằng con của họ rất thích thời trang, họ sẽ ủng hộ để con họ làm nghề này. Nhưng tôi nói không, nếu con tôi thích thời trang, tôi cũng sẽ không ủng hộ. Ngày xưa tôi không có sự ủng hộ từ gia đình bởi ba mẹ tôi không thích con làm nghệ thuật.
Mình phải vượt qua được tất cả sự không đồng tình thì mới có thể sống được với nghề. Bởi gia đình, bạn bè không ủng hộ mà mình không vượt qua được, thì vào xã hội, còn khó gấp hàng trăm lần.
Khi bắt đầu một việc, khó khăn là hiển nhiên, phải chấp nhận với khó khăn đó. Mình phải vượt qua được để thể hiện bản lĩnh của mình. Bỏ cuộc là lựa chọn dễ nhất. Khi đã vượt qua, và thành công thì bạn mới thấy xứng đáng nhận được thành công đó.
- Được mời mở màn tuần lễ thời trang Canada, chị cảm thấy như thế nào? Xin hãy chia sẻ một chút kinh nghiệm cho những nhà thiết kế trẻ muốn tham gia vào sân chơi chuyên nghiệp mang tầm quốc tế?
- Phương My là thương hiệu mở màn cho tuần lễ thời trang Canada. Trước đó, tôi cũng có nhiều show diễn ở New York, Tokyo, Singapore, Australia, Dubai… Thực sự đó cũng là một may mắn của tôi.
Ở nước ngoài, họ rất thích cách định vị thương hiệu, và họ chú ý đến Phương My. Đồ của chúng tôi hiện đại, quốc tế, nhưng mang hơi hướm của người phụ nữ Á Đông nên nước ngoài rất thích.
Tôi ít khi từ chối một cơ hội nào đó, thường nhận lời, nhưng xin được mở màn hoặc đóng màn. Tất nhiên họ có thể từ chối, nhưng chúng tôi cũng xin một khung giờ nào đó thuận lợi cho mình, bởi khi mình ra nước ngoài không chỉ mang một thương hiệu mà mang cả một đất nước đằng sau mình. Một nhà thiết kế Việt Nam xứng đáng được mở màn tuần lễ thời trang nước ngoài.
Xin cám ơn Phương My về buổi chia sẻ!
C.Minh