1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Kim Thư sẽ "chơi" hết mình cho nghệ thuật

Không ngại khó khăn, vất vả, Kim Thư - cô diễn viên trẻ này đang mỗi ngày cống hiến cho điện ảnh nước nhà những vai diễn "kéo khán giả ùn ùn tới rạp".

Luôn được giao cho những vai "nóng" trong phim, chị cảm thấy thế nào bởi với cách nhìn còn đậm chất phong kiến của người VN, những hình ảnh đó trở nên không mấy hay?

Tôi từng được mọi người gọi là "quả bom sex" của điện ảnh VN. Sex ở đây là khỏa thân trong giới hạn chứ không phải sự dung tục tầm thường. Nếu như biết khai thác và không lợi dụng nó, đó sẽ là những cảnh nghệ thuật rất đẹp và nhẹ nhàng. Còn dư luận ư? Tôi biết chứ. Điều này trong giới còn khó vượt qua huống chi khán giả. Dù biết vậy nhưng không hiểu sao tôi vẫn "máu" và quên mình trong những cảnh như thế.

Khi diễn, lý trí vẫn sống hay sẽ chìm trước cảm xúc trong chị?

Cảm xúc hay lý trí tùy thuộc vào phân đoạn, bối cảnh. Chỉ biết rằng khi nhận một kịch bản, tôi luôn đặt mình vào nhân vật và tự hỏi, vì sao, tại sao. Sau đó tôi tự tìm câu trả lời cho nhân vật của mình. Còn khi diễn, hầu như tôi diễn theo cảm xúc. Để đạt đến mức diễn kỹ thuật thì quả thật tôi chưa làm được.

Sau "Khi đàn ông có bầu" chị rất hứng khởi với "Đẻ mướn", "Hồn Trương Ba - da hàng thịt". Cảnh quay nào tạo cho chị cảm giác thích thú, trăn trở và... mắc cỡ?

Một cảnh rượt đuổi trên đồi ở khu phố Phú Mỹ Hưng trong Khi đàn ông có bầu khiến tôi rất thích: có trời xanh, có ngựa, tôi và anh Phi Hùng mặc đồ trắng. Ôi, thật lãng mạn. Cũng trong phim này có những cảnh quay từ trên xuống, tôi thì thấp, anh Phi Hùng cao nghều, khi diễn tôi cứ phải đứng trên bục cao 2-3 tấc cho cân xứng. Mắc cỡ ơi là mắc cỡ.

Nhưng cảnh quay làm cho tôi khóc thật là cảnh trong Đẻ mướn. Đoàn phim mượn một đứa trẻ 4 tháng tuổi ở cô nhi viện. Trong thời gian quay chung, bé khát sữa, khi mượn người cho bé bú, như chưa bao giờ được bú, bé cứ mút ực ực. Có cảnh quay giả, tôi đưa ngực vào, bé bập ngay, một cảm giác thật thiêng liêng của tình mẫu tử bùng lên trong tôi. Lúc đó trong đoàn làm phim ai cũng ngậm ngùi. Khi đưa trả bé về cô nhi viện, tôi thấy nhớ lắm và quyết định xin bé về nuôi. Nhưng khi đến nơi đã có vợ chồng người Italy mang bé đi rồi.

Cảnh quay làm cho tôi đau đớn về thể xác nhất là cảnh trong Đẻ mướn. Trong phim có những pha hành động, tôi lại không thích cho người khác đóng thế vai vì khi đóng thế nếu nhìn kỹ vẫn phát hiện ra. Đã cố gắng đến phút cuối cùng thì không nên bỏ cuộc. Cảnh quay tôi chạy trong đêm té đến chục lần, khi té tôi muốn té thật để thể hiện sự đau đớn trên khuôn mặt. Vậy nên cứ mỗi lần chạy là mỗi lần tôi té thật. Đạo diễn thấy vậy thương quá, bảo tôi đi dép vào. Tôi nghĩ mình đã cạn kiệt đến 90% sức lực, còn 10% nữa cũng sẽ chơi tới cùng. Sau cảnh quay đó tôi bị tét cơ, ngày hôm sau toàn thân không cử động được.

Trong phim chị toàn cặp đôi với những anh chàng đẹp trai. Chị nghĩ sao về chuyện "phim giả tình thật"?

Phim là phim, không thể lẫn lộn giữa phim và đời. Khi diễn cùng với Nguyễn Phi Hùng, anh ấy thật tuyệt vời, tính cách điềm đạm, trung thực và thẳng ruột ngựa... Còn Chi Bảo, ngoài đời hai anh em rất thân nhau nên vào phim không ngại, vả lại sự mắc cỡ ở những cảnh nóng không còn lặp lại ở phim thứ 2 này nữa. Chi Bảo từng trải, có kinh nghiệm, anh ấy giống như người anh của tôi. Còn Trí Nguyễn diễn xuất rất tốt, được đào tạo bài bản ở Mỹ, anh có cách sống của con người tự do. Chung quy, các anh đều rất đẹp trai (cười).

Vào nghề muộn nhưng gặt hái được rất nhiều thành công. Bước ngoặt nào đưa chị đến với điện ảnh?

Khi chỉ là cô bé 16 tuổi thường bám đuôi theo mẹ đi các chỗ diễn, tôi cũng đôi lần mơ ước làm nghệ sĩ. Nhưng khi đó mẹ sợ cuộc đời nghệ sĩ bạc bẽo nên nói: "Nghệ thuật là sự hào nhoáng đánh lừa con người ta. Nhưng nếu con có duyên phận với nó, tự nó sẽ tới". Tôi chờ nó tới, nhưng không thấy tới. Bẵng đi một thời gian dài, tôi quên luôn. Năm 2002, tình cờ anh Phước Sang và Quyền Linh đến cửa hàng của tôi, gặp tôi. Các anh ấy nói tôi có đôi mắt làm diễn viên và giới thiệu tôi cho một số đạo diễn. Tôi đến casting tiểu phẩm, trong cái tích tắc quay mặt tự dưng mắt tôi long lanh và rơi mấy giọt nước. Từ đó cánh cửa nghệ thuật mở ra với tôi, dù muộn nhưng vẫn còn hơn không (cười).

Và bây giờ thành công đã đến với chị, muộn nhưng lại thành sớm. Chị sẽ đi theo con đường nghệ thuật đến khi nào?

Trước khi đến với điện ảnh, tôi làm kinh doanh cho thuê xe hơi. Khi mới đóng phim, nghệ thuật đối với tôi là sân chơi, là cuộc đi dạo nếu không hợp thì sẽ nhảy ra lẹ. Còn bây giờ nghệ thuật là máu thịt, là niềm vui, nỗi buồn của tôi. Những ngày không đi diễn, tôi nhớ phim trường da diết. Nhưng bên cạnh đó tôi vẫn sẽ kinh doanh. Nhờ kinh doanh ổn định tôi mới có thể "chơi" hết mình cho nghệ thuật.

Những tác phẩm chị tham gia đều được xếp vào hạng mục phim thị trường. Chị thấy thế nào?

Phim nghệ thuật hay phim thị trường điểm chung vẫn là kéo khán giả đến rạp, không nên tách biệt rạch ròi. Phim nghệ thuật mà không kéo được khán giả đến rạp thì ai biết?

Theo Thể Thao

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm