1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ:

Không muốn mang ký ức chiến tranh ra “ăn dần”…

(Dân trí) - Được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây với cuốn tiểu thuyết “Thất huyền cầm”, Nguyễn Văn Thọ - một nhà văn Việt Nam hiện đang sinh sống tại Đức dường như đã đạt được những thành công nhiều hơn mong đợi về tác phẩm của mình.

Đọc “Thất huyền cầm” của anh, nhiều người có cảm giác đôi chỗ cảm thấy hơi lạc giọng, không giống như một Nguyễn Văn Thọ của “Nhà ba hộ”, “Trong bão tuyết”… đã được đọc trước đó. Anh nghĩ sao về nhận xét này?

 

Văn chương mỗi tình huống sống phải mang mỗi giọng điệu khác nhau, và mỗi câu chuyện trong “Thất huyền cầm” mang một màu sắc khác nhau. Tất cả các mảng đề tài  muôn thuở trong văn tôi như chiến tranh, cuộc sống, người Việt ở nước ngoài… đều được phủ ra ngoài một giọng điệu khác nhau, như truyện về phố phường thì phải nhí nhảnh tuổi mới lớn, về chiến tranh thì phải trầm vì đó là giọng của những người già. Điều đó cũng giống như một mâm cơm muốn ngon thì phải có thêm món nước chấm này, quả ớt cay nọ thì mới làm nên được vị khác biệt.

 

Trong tác phẩm “Vàng xưa” với những cảnh chết đói, chết đạn lạc, chết voi giày, chết đuối, muốn chết mà không được chết... nhưng người ta vẫn thấy khát khao sống của những chàng lính. Anh có thấy mình quá nặng lòng với chiến tranh không?

 

Tôi là một hạt cát trong văn học Việt Nam nên chỉ cố gắng làm mọi điều để níu kéo độc giả đến với văn chương. Tôi nặng lòng với chiến tranh bởi đó là một phần đời trai trẻ của tôi đã đi qua, đã đánh mất cùng những yêu thương, hờn ghét mà nay không thể lấy lại được. Những gì tôi viết ra là những điều yêu ghét chia sẻ nay được tái hiện lại với người đọc. Không có một phần đời về chiến tranh thì có lẽ tôi đã không trở thành nhà văn như ngày hôm nay.

 

Nói như vậy không có nghĩa là tôi sẽ chỉ toàn viết về chiến tranh, mang ký ức chiến tranh ra “ăn dần”, mà văn chương của tôi sẽ phải có đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố với những gương mặt của cuộc sống. Đó là cái đích văn chương đích thực của tôi, và tôi đang hướng tới.

 

Theo anh thì chúng ta có tìm được những tác phẩm “văn chương đích thực” ở thế hệ trẻ hiện nay không?

 

Các nhà văn trẻ của chúng ta hiện nay nặng về tính chất cá nhân. Tự lăng-xê mình không phải là xấu, nếu như không tạo nên một giá trị nào. Văn chương cũng là một sản phẩm như mọi sản phẩm khác, và nó chỉ trở thành nghệ thuật khi đạt đến giá trị tinh tuý. Bây giờ, chúng ta có sản phẩm thì nhiều, nhưng để đạt đến cái gọi là “văn chương đích thực” thì còn là một khoảng thời gian dài chờ đợi và hy vọng nữa.

 

Xin cảm ơn nhà văn!

 

Hương Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm