Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy:

“Không có hoa nở, cỏ dại sẽ mọc đầy”

“Không nên đổ lỗi cho thị hiếu khán giả bây giờ kém hay ca sĩ thích chọn bài “gây sốc”, mà thật sự là chúng ta đang thiếu trầm trọng ca khúc có ca từ đẹp, giai điệu dễ hát để dễ đến gần với công chúng hơn”, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Nhất Huy nói.

Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Nhất Huy là một trong vài cây bút sáng tác hoạt động năng động và có nhiều tác phẩm phổ biến trên thị trường âm nhạc VN từ năm 2000 đến nay, từng đoạt nhiều giải thưởng "Nhạc sĩ có ca khúc được yêu thích" Làn sóng xanh. Phóng viên đã có cuộc chuyện trò với anh quanh chuyện sáng tác hiện nay.

 

Là một nhạc sĩ trẻ, cảm giác của anh như thế nào khi nghe các sáng tác “gây sốc” của các nhạc sĩ trẻ hơn hiện nay?

 

Cảm giác của tôi lúc đầu cũng hơi bị sốc và chỉ nghĩ đó là một vài nhạc sĩ không chuyên “viết chơi”, và bây giờ thì đã thật sự bàng hoàng vì các ca khúc đó không còn là thiểu số hay chỉ một vài bài cá biệt nữa mà đã có “thị phần” rất lớn trong đời sống âm nhạc. Có thể nói là nền âm nhạc bị “ô nhiễm” trầm trọng làm ảnh hưởng chung đến cả mặt bằng văn hóa.

 

Là một người hoạt động lâu năm trong thị trường âm nhạc, anh có thể lý giải tại sao các ca khúc “gây sốc” lại xuất hiện ào ạt ngay thời điểm này?

 

Theo tôi được biết, lúc đầu chỉ có một vài người sáng tác trẻ muốn thể nghiệm nên đưa văn nói vào ca từ, sau đó thấy “ăn” và nhiều ca sĩ đã sớm nổi tiếng nhờ các ca khúc dạng này thì ca sĩ tìm người sáng tác để đặt hàng nhiều hơn, làm nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp cũng nhảy vào “thị trường” béo bở này.

 

Và các nhà sản xuất cũng thi nhau đưa những sản phẩm loại này ra thị trường hình thành một “dây chuyền công nghệ” chuyên sản xuất, ghi âm và phát tán các ca khúc “gây sốc” đến mọi ngõ ngách của đời sống. Các nhà sản xuất làm điều đó vì mục đích kiếm tiền; còn ca sĩ, nhạc sĩ vì muốn sớm được nổi danh nên đã phá bỏ những chuẩn mực thẩm mỹ trong sáng tác. Có thể gọi đây là những “kẻ đốt đền” trong nền âm nhạc.

 

Anh có đề xuất gì để ngăn chặn?

 

Các ca khúc “gây sốc” hiện nay là những ca khúc được phép phổ biến vì không có vấn đề sai phạm chính trị thì không thể nào chúng ta gọi là “ngăn chặn” được.

 

Vấn đề chính ở đây là tính thẩm mỹ, không nên đổ lỗi cho thị hiếu khán giả bây giờ kém hay ca sĩ thích chọn bài “gây sốc”, mà thật sự là chúng ta đang thiếu trầm trọng ca khúc có ca từ đẹp, giai điệu dễ hát để dễ đến gần với công chúng hơn.

 

Nhiều nhạc sĩ có đủ trình độ chuyên môn, thẩm mỹ thì lại viết những ca khúc... quá khó hát hoặc theo đuổi những dự án âm nhạc “bác học” mà quên đi mảng ca khúc phổ thông và bỏ mặc cho các nhạc sĩ... tay ngang “một mình một chợ”. Và cũng như là một qui luật tự nhiên, khi không có hoa nở thì cỏ dại sẽ mọc đầy. Nếu nền âm nhạc của ta nở đầy “hoa” thì “cỏ dại” sẽ không còn đất sống.

 

Theo Trung Nghĩa

Tuổi Trẻ