Khó khăn của hãng phim truyện Việt Nam là tất yếu!

(Dân trí) - "Để thoát khỏi tình trạng khó khăn, các cán bộ nghệ sỹ của hãng cần được cập nhật thông tin đầy đủ về hoạt động và hiện trạng cụ thể của hãng. Tôi nghĩ, có thể vì nhiều nguyên nhân, mà các nghệ sỹ đang thờ ơ với hãng", ông Lê Đức Tiến - tân “chủ nhân” của hãng phim truyện Việt Nam cho biết.

Trước khi về Hãng phim truyện Việt Nam, anh có nghe nói về những khó khăn, và “biến loạn” ở hãng phim này những năm vừa qua? 

 

Trước khi được Bộ VHTT điều động làm Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, tôi là Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, và trước đó là đạo diễn của hãng. Hàng ngày, tôi vẫn có thời gian theo dõi những bước đi của bạn bè, đồng nghiệp ngoài Hà Nội.

 

Tôi nghĩ khó khăn của Hãng phim truyện Việt Nam là tất yếu, vì nằm trong  khó khăn chung của Ngành Điện ảnh trong quá trình chuyển đổi cơ chế. Còn việc cổ phần hoá, đó là bước đi tất yếu của toàn ngành. Tuy vậy, tôi nghĩ tiến trình cổ phần hoá ở Hãng phim truyện Việt Nam sẽ chậm hơn so với Giải Phóng bởi hãng Giải Phóng đã có mấy năm bươn trải trong cơ chế thị trường. 

 

Bản thân anh suy nghĩ như thế nào khi đứng trước những khó khăn của hãng phim truyện Việt Nam?

 

Mấy năm qua, Hãng phim truyện Việt Nam không còn là đơn vị dẫn đầu: nhà xưởng xuống cấp, máy móc thiết bị kỹ thuật thiếu thốn, đội ngũ nghệ sỹ phân tán, qui chế, nội quy lỏng lẻo, doanh thu giảm, lương và thu nhập của CB-CNV thấp... ngay cả trụ sở chính của Hãng ở số 4 Thụy Khuê cũng chưa ổn định. Còn văn phòng Đại diện của hãng tại TPHCM cũng đang có nguy cơ bị người khác chiếm đoạt...

 

Để thoát khỏi tình trạng này, cán bộ nghệ sỹ của hãng cần được cập nhật thông tin đầy đủ về hoạt động điện ảnh nói chung, và hiện trạng cụ thể của hãng. Cần có sự dân chủ trao đổi bàn bạc của anh em trong toàn hãng, cần sự sáng suốt, tinh thần trách nhiệm và tính quyết đoán của Ban giám đốc nhằm tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài.

 

Trách nhiệm của tôi là khơi gợi những tiềm năng của cán bộ nghệ sỹ, niềm tự hào của một thương hiệu có bề dày truyền thống với nhiều thành tựu trong quá khứ.

 

Những khó khăn của hãng phim truyện Việt Nam cũng giống với hầu hết những khó khăn của các hãng phim nhà nước khi chuyển sang cổ phần hóa. Xin hỏi, hãng phim Giải phóng đã vượt qua những khó khăn như thế nào?

 

Hãng phim Giải Phóng trải qua mấy năm bươn trải trong cơ chế thị trường, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng tương lai của Hãng đã ổn định. Trường quay Điện ảnh và Truyền hình hiện đại, 3 rạp chiếu phim mới sẽ hoàn tất và đi vào hoạt động vào cuối năm 2007. Máy móc trang thiết bị tiền kỳ và hệ thống âm thanh hiện đại đang được đầu tư, đội ngũ cán bộ nghệ thuật, kỹ thuật đã từng bước vững vàng, làm chủ kỹ thuật và công nghệ làm phim mới.

 

Bộ phim “Chuông reo là bắn” của hãng Giải phóng sản xuất năm 2006 đã phải đối mặt với chỉ trích về chất lượng của phim. Phải chăng, để thoát hiểm, các hãng nhà nước cần phải có những bộ phim như… “Chuông reo là bắn”?

 

Tôi không nghĩ vậy. Vì chỉ có vài người bất bình còn rất nhiều người bỏ tiền ra mua vé xem phim. Doanh thu bán vé là câu trả lời thuyết phục nhất. Không nên đánh giá người xem thấp như vây, họ là những khách hàng, những vị “thượng đế”. Chuông reo là bắn là một hướng tìm tòi đúng đắn trong việc đưa những bộ phim có tính tư tưởng, có ý nghĩa xã hội, giáo dục, lại vừa có tính nghệ thuật, hấp dẫn tới khán giả.

 

Cảm ơn anh!

 

Chúng tôi đã liên lạc với một số đạo diễn, diễn viên của hãng phim truyện Việt Nam với mong muốn có thể tập hợp ý kiến của họ khi hãng phim có Giám đốc mới. Song, rất ngạc nhiên, hầu hết các đạo diễn và diễn viên đều từ chối trả lời. Dưới đây là hai trong số ít ý kiến của các nghệ sỹ đã đồng ý trả lời.

 

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: “Thời gian gần đây quả thực tôt rất bận với công việc làm hậu kỳ cho bộ phim Vũ điệu tử thần, tôi không có thời gian tham gia họp giao ban nên chưa nắm được tình hình mới khi anh Tiến chuyển về làm Giám đốc của hãng. Nhưng tôi biết hãng phim Giải phóng những năm gần đây làm việc rất năng động.

 

Bộ phim Gái nhảy do hãng sản xuất là bộ phim thuộc dòng phim giải trí đầu tiên ra rạp và gây sốt vé. Không thể phủ nhận, Gái nhảy đã làm bùng nổ trào lưu đưa phim Việt trở lại rạp. Điều đó đã chứng tỏ sự linh hoạt của hãng phim Giải phóng. 

 

Tôi chỉ nghĩ rằng, một hãng phim có bề dày truyền thống, có đội ngũ những người làm phim tốt như hãng tôi cần một người chèo lái tốt. Hy vọng, anh Tiến sẽ chứng tỏ được điều ấy!”.

 

Đạo diễn Bùi Trung Hải: “Tôi thì đã bắt đầu nhận thấy những đổi mới đầu tiên ở hãng tôi. Ví dụ như, dãy nhà dành cho đoàn làm phim ngày xưa, cơ quan định cho thuê nhưng giám đốc mới đã quyết định không cho thuê nữa và chuyển máy móc vào đó.

 

Thực ra cho thuê cũng chẳng được bao nhiêu tiền, nên để cho anh em có phòng làm việc thì tốt hơn. Anh Tiến mới chuyển về, nói gì bây giờ cũng là quá sớm, với riêng cá nhân tôi thì chỉ hy vọng, mọi việc sẽ tiến triển tốt hơn!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ly Lan