Khai mạc triển lãm Đối thoại nghệ thuật.
(Dân trí) - Triển lãm nghệ thuật “Từ Đức tới Việt Nam - Đối thoại nghệ thuật” vừa khai mạc tối 21/06 tại Nhà triển lãm bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu tác phẩm của 3 nữ họa sĩ người Đức và 2 nữ họa sĩ Việt Nam.
"“Art in Juxtaposition” - “Đối thoại mỹ thuật” tên gọi của triển lãm mang ý nghĩa của sự xếp đặt cạnh nhau, không chỉ về kỹ thuật, chất liệu khác nhau giữa các nghệ sĩ Đức và Việt Nam mà còn cho thấy sự khác biệt trong hình thái tiếp cận vấn đề của phương Tây - sử dụng tất cả kỹ thuật, chất liệu sẵn có và chất liệu mới vào tác phẩm nhằm tạo ra một ngôn ngữ diễn đạt mới và tư duy phương Đông về sự khám phá thế giới nội tâm chủ thể, cũng như những đối đầu với thế giới bên ngoài. Đó là một quá trình mà trong đó giá trị tư tưởng chiếm vị trí tối thượng, thông qua nghệ thuật là công cụ biểu đạt quan điểm cá nhận và thẩm mỹ của người nghệ sĩ", BTC giới thiệu về triển lãm.
Theo đó, nội dung chính của cuộc triển lãm này chính là nêu bật lên sự khác biệt cơ bản giữa các nền văn hóa. Sự khác biệt này tuy vậy vẫn bao hàm tính kết nối, tạo nên tính chất đặc biệt của nghệ thuật, thúc đẩy sự phát triển các mối liên hệ với mỹ thuật và vượt ra ngoài mỹ thuật.
Thông qua cuộc triển lãm này, các nghệ sĩ có cơ hội được đối thoại, được thể hiện tiếng nói của riêng mình qua chủ đề tư tưởng, kỹ thuật và đa dạng chất liệu. Chính nhờ cuộc đối thoại của các nghệ sĩ mà những người xem triển lãm cũng có được cái nhìn rõ nét hơn về quan điểm mỹ thuật của hai nền văn hóa Đông - Tây trong xã hội toàn cầu hóa hiện nay.
Các tác phẩm của Traude Linhardt là mô hình những chiếc áo có bộ khung làm bởi những sợi kẽm đan, được lấp đầy bởi sáp ong, sợi cói và những tờ báo châu Á. Những bộ giáp này thể hiện những di chỉ của các nền văn hóa cổ xưa. Những chiếc áo giáp với các kích cỡ khác nhau được lồng vào nhau, tạo ra tính chất cơ bản của sự đầy - vơi - tan rã. Các cặp đôi khái niệm “rỗng - đặc”, “trong - ngoài”, “bảo vệ - che đậy” cũng được thể hiện thông qua bản chất và hình thức của chính đối tượng và chất liệu sáng tác là chếc áo giáp với các nguyên liệu tưởng chừng như vô dụng.
Với họa sĩ Hertha Miessner, các tác phẩm của bà thể hiện sự dày công nghiên cứu về màu sắc, ánh sáng, không gian trng hội họa và áp dụng nó một cách sáng tạo vào nghệ thuật nhiếp ảnh. Tranh của bà là thành quả của sự kết hợp đa phương tiện: bản chất nguyên bản của chủ thể, sự xếp đặt hình ảnh của chúng dưới góc độ chính xác của nhiếp ảnh, sự hợp nhất về mặt vật chất, sự phân cấp của màu sắc và toàn bộ hình thù tuyệt đối của chúng trong những đường gấp và nếp xếp.
Bà chia sẻ, để thực hiện những tác phẩm này, bà đã phải chụp rất nhiều dải màu khác nhau, rồi đến cuối cùng, xếp chồng chúng lên nhau để tạo nên tổng thể bức ảnh hoàn chỉnh sau khi đã qua xử lý photoshop.
Không giống với 2 họa sĩ kể trên, Susanne Wackerbauer lại tìm đến những tác phẩm thí nghiệm. Bà thường có những cuộc khảo sát với những bảng câu hỏi để có con số thống kê, từ đó kết hợp với không gian kiến trúc, trình bày tác phẩm của mình.
Susanne cũng trưng bày 3 tác phẩm minh họa một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Geothe về câu chuyện cây cà độc dược. Những tác phẩm này khi được trưng bày tại Munich - Đức, bà đặt chúng ở ngoài trời, trong một khung cảnh gần tương tự như khung cảnh “ma quái” trong bài thơ mà nhà thơ Geothe nói đến, phía sau tác phẩm là những câu thơ minh họa cho bức tranh.
Thông qua các chất liệu khác biệt, các tác phẩm của bà gợi một sự liên tưởng, những hồi ức, đôi khi là những thông điệp cá nhân, đồng thời cũng là phương tiện giúp bà trình bày ý tưởng về sự đối kháng giữa các “đặc tính nhất thời” và ước mơ về tính bền vững. Sự chọn lọc trong chất liệu sử dụng như chì màu, acrylic trên giấy dán tường, sơn trên kẽm … trong các tác phẩm tạo ấn tượng đặc biệt cho người xem.
Các tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Trần Thùy Linh đầy màu sắc sống động. Chủ đề trong các tác phẩm của bà là “Chúng ta là giới hạn của chính mình”. Tiếp nối các sáng tác trước đây như trong Thiền (2010), Rong chơi và Ký ức (2011), các tác phẩm lần nà là những chiêm nghiệm của họa sĩ về các vấn đề của cuộc sống đương đại: những ranh giới hữu hình và vô hình tồn tại trong thiên nhiên, xã hội và giữa các nền văn hóa.
Trong các tác phẩm của Trần Thùy Linh, yếu tố Ngũ hành được thể hiện rõ nét. Đó là cấu thành của sự cân bằng và hài hòa của tự nhiên, là quá trình tìm kiếm năng lượng tiềm ẩn và “Đạo”. Các cặp màu bổ trợ hoặc đối kháng được chọn lựa dựa trên nền tảng triết lý Phật giáo - mọi sự vật đều hiện hữu dưới hình thức các mối quan hệ và Lão giáo phương Đông - triết lý về năng lượng và vòng tròn tương sinh tương khắc.
Khác biệt nhất trong triển lãm lần này có lẽ chính là những bức tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm. Bà trung thành với những màu sắc đặc trưng và phong cách vẽ thơ ngây. Các tác phẩm triển lãm lần này là khung cảnh thiên nhiên cây cỏ, con người Việt Nam với sự đối thoại, tự sự của chính mình. Giải thích cho ý tưởng “Đối thoại”, bà viết về các tác phẩm của mình như sau:
“Đối thoại trong chuyên môn bao gồm chất liệu, kỹ thuật, màu sắc…
Đối thoại với thế giới bên ngoài gồm tư tưởng, triết lý nhân sinh quan, y phục, cách sống.
Đối thoại với chính mình gồm quan điểm sống, cuộc sống quanh ta, những suy nghĩ, những ước mơ…”
Triển lãm Từ Đức tới Việt Nam – Đối thoại mỹ thuật là một cơ hội không chỉ cho những họa sĩ có tác phẩm tham gia triển lãm, mà còn là cơ hội, cầu nối cho những họa sĩ khác nữa của Việt Nam, Đức và các nước khác trên thế giới quan tâm đến vấn đề văn hóa nghệ thuật cũng như đối với công chúng đến xem triển lãm.
Một số hình ảnh trong buổi khai mạc triển lãm Đối thoại nghệ thuật: