1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Kể tiếp chuyện về Lê Công Tuấn Anh

Trọng Hải là người bạn, người anh thân thiết, đồng thời chính là người đầu tiên phát hiện ra khả năng diễn xuất của Lê Công Tuấn Anh. Anh kể tiếp những câu chuyện đời, chuyện nghề của nam diễn viên tài hoa bạc mệnh này.

Tên phim Tìm vàng - Định mệnh và ý nghĩa

 

Năm 1989, Trọng Hải làm phó đạo diễn cho đạo diễn Lê Xuân Hoàng thực hiện chùm phim ngắn thể nghiệm loại hình video thời kì đầu. Chùm phim do ban sáng tác trẻ gồm: Việt Linh, Vinh Sơn, Đào Bá Sơn, Hồ Ngọc Xum, Lê Hoàng... thực hiện.

 

Lê Công khi ấy đang tham gia một số vai diễn quân sĩ “tốt đen, tốt đỏ” ở đoàn kịch kim cương đã tìm đến đoàn làm phim Tìm vàng xin thử vai.

 

Lần đầu tiên đứng trước máy, Lê Công run thấy rõ. Khi nghe Hải truyền đạt lời nhận xét của anh Hoàng là chỉ đạt 70% thôi, thiết tưởng Công sẽ rất buồn, ai dè anh ôm chặt Hải reo hò như một đứa trẻ.

 

Khi thu dọn máy móc ra về, không ngờ Công vẫn ngồi đó lặng lẽ quan sát mọi người làm việc, sau đó anh mới nhỏ nhẹ nói với Hải: “Nếu có cơ hội cho bộ phim nào anh nhớ gọi cho em với”. Đó là buổi đầu gặp gỡ làm nên nhân duyên của nhóm anh em kết nghĩa gồm: Xuân Hoàng, Trọng Hải, Lâm Thế Thành, Nguyễn Thành Công và em út Lê Công Tuấn Anh.

 

Khi đạo diễn Vinh Sơn làm phim Tuổi thơ dữ dội, trong nhóm cũng có một số người có thể đảm nhận vai nhưng Lê Công được tham gia bởi câu nói đầy tình nghĩa của anh Hoàng: “Lần này ưu tiên cho Lê Công vì nó quá quá nhiều nỗi đau khổ”. Sau này anh chắp bút viết riêng cho Công một vai chính: Quang “Đông-ki-sốt” trong bộ phim Vị đắng tình yêu.

 

Khi phát hành phim đạt doanh thu cao, Lê Công nhanh chóng trở thành một hiện tượng ngôi sao được khán giả vô cùng hâm mộ. Nhưng đạo diễn Xuân hoàng đã đột ngột ra đi khi còn chưa kịp xem lại bộ phim của mình.

 

Hải bùi ngùi nhớ lại lần đóng phim Tây Sơn Hiệp Khách (đạo diễn Lê Hoàng Hoa) với Lê Công... Hải vào vai tướng quân Tây Sơn bị bắt, bị tra tấn rất dã man. Lê Công vào vai quan triều đình trực tiếp hỏi cung, tra tấn ông tướng trong tư thế bị trói giang hai tay.

 

Quan triều đình dùng roi cá đuối để quất, với quy định theo cách diễn hình thể là quất qua vai. Ai dè Công diễn hăng quá, thẳng tay quất hai phát từ vai miết xuống vùng bụng tạo thành chữ X, toét cả da.

 

Vậy mà Hải vẫn cắn răng chịu đựng cho cảnh quay thành công đến khi đạo diễn hô cắt. Công nhảy vào ôm lấy Hải và xin lỗi rối rít. Vừa đau, vừa tức, Hải còn kịp nói móc với Công “vì mày học không đến nơi đến chốn nên mới hại bạn diễn như vậy”... Thế mà Công vẫn nở nụ cười đầy chất thơ trẻ, dễ mến và dễ tha thứ.

 

Kể tiếp chuyện về Lê Công Tuấn Anh  - 1
 Lê Công Tuấn Anh (thứ 3 từ phải sang, hàng trên), Trọng Hải (ngồi)

 

Phương châm sống - biết giúp đỡ, biết chia sẻ

 

Lê Công luôn giúp đỡ những ai gặp khó khăn. Năm 1995, có hai cô bé quê Vĩnh Long bỏ nhà lên Sài Gòn tìm diễn viên nổi tiếng Lê Công nhờ tìm giúp việc làm. Do một bé gái tuổi còn quá nhỏ, Công thận trọng muốn tìm hiểu kỹ gia cảnh của các em và rủ Hải phóng xe vespa chở bé gái tới tận nhà giao lại cho gia đình và hứa sẽ tìm việc làm cho cô chị lớn.

 

Gia đình quá xúc động, nhưng do quá nghèo đã chỉ còn biết trả ơn hai anh bằng một rổ ổi chín. Sau đó, cô bé được đi làm tại một xưởng may, vừa được Lê Công và Trọng Hải cho học thêm văn hóa.

 

Cô bé đó tên là Dương Ngọc Chi, hiện là kế toán cho công ty OLAM (Ấn Độ) chuyên xuất khẩu nông sản.

 

Kể tiếp chuyện về Lê Công Tuấn Anh  - 2
Lê Công Tuấn Anh (trái, ngoài cùng) trong cảnh phim Tây Sơn hiệp khách 

 

Một tình yêu chung thủy cảm động

 

Yêu Minh Anh, anh luôn sống hết mình vì cô cùng gia đình. Ước mơ của anh là làm có tiền sẽ cố gắng mua một căn hộ riêng rồi tổ chức đám cưới. Tội một nỗi anh chậm mua nhà là bởi hay cho  bạn bè mượn tiền (có khi không hoàn lại).

 

Mẹ Minh Anh rất thương các con, bà đã làm hai sợi dây chuyền giống hệt nhau cho Công và Minh Anh cùng đeo. Khi hai người có chuyện buồn, Công vẫn không rời sợi dây đó.

 

Đôi khi kẹt tiền, có người hỏi sao anh không đi bán hay đem cầm nhưng anh lặng lẽ trả lời: “Sợi dây là vật kỷ niệm vô cùng quý giá với anh và tất nhiên anh không thể làm những điều trái ý nghĩa đó. Nó sẽ mãi được đi theo anh suốt cuộc đời”.

 

Cho đến ngày Công quyết định đi xa, khi viết chúc thư để lại, anh phân phát toàn bộ chút tài sản để lại cho người thân, bạn bè nhưng sợi dây chuyền anh không hề nhắc tới mà vẫn đeo cho đến lúc ra đi.

 

Khi mất, bệnh viện mới tháo ra đưa cho Hải. Quá cảm động trước tấm lòng chung thủy của bạn, Hải đã trao lại sợi dây cho mẹ của Minh Anh, hy vọng chút tình yêu thương ấy mãi sẽ là bất diệt.

 

Theo Thế Giới Điện Ảnh